4 điều giáo viên nên làm để có sức khỏe tốt, chuẩn bị cho năm học mới
Mùa tựu trường cũng là thời điểm xuất hiện hàng loạt căn bệnh gây hại cho sức khỏe như bệnh đường hô hấp, sốt và cảm lạnh, đau mắt đỏ, dị ứng… Dưới đây là một số điều giáo viên nên làm để phòng tránh mắc bệnh và chuẩn bị sức khỏe tốt cho năm học mới.
Mùa thu – mùa tựu trường với tiết trời thường khá mát mẻ, dễ chịu. Tuy nhiên, ban ngày trời thường nắng gắt nhưng về sáng và đêm nhiệt độ có thể giảm sâu, kết hợp với độ ẩm thấp làm không khí có phần hanh khô. Đây là nguy cơ dẫn đến hàng loạt căn bệnh gây hại cho sức khỏe.
Theo HuffPost, không chỉ vậy, làm việc và vui chơi trong không gian kín có nhiều người cùng hít thở một bầu không khí rất dễ làm virus đường hô hấp phát tán, gây bệnh. Mặc dù những bệnh nhiễm trùng như vậy thường ở mức độ nhẹ nhưng hầu hết mọi người đều muốn tránh cảm giác khó chịu khi bị ốm và có thể phải nghỉ việc.
Điều này đặc biệt đúng đối với các giáo viên khi họ phải đứng lớp và giảng bài cả ngày cho học sinh. Để hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm và có sức khỏe tốt, đồng hành cùng các học sinh của mình trong năm học mới, bạn có thể thực hiện những việc dưới đây:
Giữ không khí và bề mặt lớp học sạch sẽ nhất có thể
Một lớp học ở cấp trung học phổ thông thường có 40-45 học sinh mỗi ngày; lớp đại học đôi khi còn có nhiều học sinh hơn thế. Chúng ta không thể ngăn chặn tất cả vi khuẩn nhưng có thể thực hiện một số việc để giảm thiểu sự lây lan của chúng như: Thường xuyên lau bàn ghế với chất khử trùng, giữ cho khu vực bàn học sạch sẽ. Nên thường xuyên sử dụng máy lọc không khí trong lớp học. Điều này có thể giúp giảm tình trạng hắt hơi và ho nói chung.
Giáo viên dạy và làm gương cho học sinh thói quen vệ sinh tốt
Đối với giáo viên mầm non, trẻ nhỏ cần nghe các cô hướng dẫn cách làm và sau đó chúng nhìn thấy bạn làm điều đó. Trẻ sẽ rất nhanh chóng bắt chước thầy cô để thực hiện các thói quen vệ sinh tốt như rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh…
Đối với giáo viên tiểu học, việc rửa tay có thể được đưa vào hoạt động hàng ngày trong lớp học. Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh che miệng và mũi đúng cách khi ho hoặc hắt hơi để ngăn chặn các vi khuẩn, virus phát tán ra ngoài không khí. Sau đó, học sinh cần rửa tay sạch với xà phòng và nước sạch.
Kết hợp thói quen vệ sinh tốt và hệ thống lọc không khí có thể giúp giảm thiểu sự lây lan của vi khuẩn trong lớp học.
Cố gắng ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và tập thể dục
Sau mỗi ngày đứng lớp, khi về nhà giáo viên thường phải chấm bài cho học sinh hay chuẩn bị bài giảng cho ngày hôm sau. Cố gắng ngủ đủ giấc từ 7-9 tiếng mỗi đêm sẽ giúp cơ thể bạn được phục hồi sau một ngày làm việc mệt nhoài.
Đôi khi, chỉ cần ngủ thêm 30 phút mỗi đêm cũng có thể giúp bạn cảm thấy được nghỉ ngơi nhiều hơn và cơ thể tránh khỏi bệnh tật.
Lưu ý, để điện thoại xa tầm tay và không mang điện thoại lên giường khi đi ngủ bởi việc lướt điện thoại đọc báo hay xem cập nhật của bạn bè trên mạng xã hội có thể làm bạn căng thẳng, khó đi vào giấc ngủ và ngủ không sâu giấc.
Điều quan trọng là đảm bảo bạn ngủ đủ giấc. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng và không nên bỏ bữa.
Các chuyên gia cho biết, việc tập thể dục với cường độ vừa phải có thể ngăn ngừa bệnh hô hấp. Đi ngủ sớm hơn sẽ giúp bạn duy trì năng lượng suốt cả ngày.
Thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa tình trạng kiệt sức
Nếu bạn là giáo viên mới ra trường - sự căng thẳng, lo lắng trong công việc kết hợp với môi trường lớp học có rất nhiều vi khuẩn, virus - những điều này có thể khiến bạn kiệt sức, bị ốm và suy sụp. Do vậy, nên bắt đầu năm học mới với sự chuẩn bị cả về thể chất và tinh thần để tránh bị kiệt sức do lo lắng hay mắc các bệnh về đường hô hấp.
Đối với giáo viên, việc tự chăm sóc bản thân cũng được xem là một hình thức quan tâm, chăm sóc học sinh bởi bạn chỉ có thể dạy dỗ, quan tâm hay chia sẻ nhiều hơn đến học trò của mình khi có một sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái.
Bạn có thể dành vài phút sau mỗi giờ giảng dạy để ngồi trên ghế, nhắm mắt lại giúp mắt được nghỉ ngơi. Đây cũng là cách giúp bạn thư giãn, suy ngẫm để có một ngày làm việc với nhiều năng lượng và sự tập trung hơn.
Bạn cũng có thể chơi nhạc cụ hay nghe nhạc để tạo ra một không gian thư giãn trước khi chuẩn bị công việc giảng dạy vào ngày hôm sau.
Tuy nhiên, giáo viên dành thời gian để tập trung và nghỉ ngơi không có nghĩa là bỏ bê, không quan tâm đến học sinh. Học sinh cần giáo viên hiện diện đầy đủ trong các tương tác hàng ngày giữa thầy và trò trên lớp học. Do vậy, nếu cơ thể bạn mệt mỏi hay ốm yếu sẽ ảnh hưởng đến những khoảnh khắc đó.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/4-dieu-giao-vien-nen-lam-de-co-suc-khoe-tot-chuan-bi-cho-nam-hoc-moi-179230822121116842.htm