Hành trình tri thức của người không tuổi tác trong học tập và lao động

GS.TS Phạm Tất Dong
14:58 - 07/05/2024
Công dân & Khuyến học trên

Người không tuổi tác trong học tập và lao động được sản sinh ra bởi xã hội học tập được gọi là công dân học tập. Họ có thể là người dân bình dị, nhưng cũng có thể là những người có học vấn cao, có vị trí quan trọng trong xã hội, nhưng tất cả giống nhau ở một điểm: Học để Hành.

Tại sao lại gọi người học tập suốt đời là người không tuổi tác?

Trong các tổ chức nghiên cứu khoa học, các trường đại học và các doanh nghiệp, việc kiến tạo tri thức mới là một yêu cầu sống còn đối với từng thành viên của họ. 

Trong mỗi người ở đây đều chứa một hàm lượng tri thức. Thông qua công việc cụ thể, từng con người phải tiếp cận từng ngày với những kiến thức mới, tiêu hóa chúng, tạo ra những tri thức của mình và từ đó sáng tạo ra những sản phẩm mới.

Thực ra, bất kỳ người nào cũng chứa đựng một hàm lượng tri thức. Một người lao động trên đồng ruộng, trong trang trại chăn nuôi, đứng bên cỗ máy tại các xưởng sản xuất… đều có tri thức của họ. 

Nhưng so với những người phải đảm nhiệm công việc mà nội dung đòi hỏi phải liên tục có tri thức mới thì sự khác biệt về cách tiếp cận, hấp thụ và tiêu hóa tri thức khác nhau: một bên là không thường xuyên, thường chỉ dựa vào kinh nghiệm sẵn có và bị động, một bên là tiến hành hành trình tri thức liên tục và chủ động.

Với những người có hành trình tri thức bền bỉ, liên tục, không biết mệt mỏi, người ta ví như một loại cây lâu niên hoặc đa niên (Perennial plant) hay gọi đơn giản là Perennial. Những thực vật lâu năm, ra hoa kết quả nhiều lần, qua nhiều mùa trong đời sống của chúng gọi là Polycarpic. Người học tập thường xuyên, liên tục tìm ra tri thức mới, sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới cũng được gán cho một kiểu người Perennial, xã hội học tập gọi họ là những Perennials – những người không tuổi tác. Họ được thừa hưởng các gene học tập suốt đời từ những người lí tưởng nằm trong hệ quy chiếu mà họ hướng tới như những nhà khoa học, những nhà sáng chế phát minh, những người hoạt động trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, văn học, thể thao, quân sự…

Trong các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, các nhà quản lý luôn quan tâm đến việc xây dựng những mô hình người không tuổi tác trong lao động. Họ đòi hỏi những thành viên trong doanh nghiệp, ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng đều phải chăm lo cho các sản phẩm có chất lượng và luôn được cải tiến. Người lao động luôn phải tập trung vào việc sáng tạo. Muốn vậy, người không tuổi tác trong doanh nghiệp phải thực hiện hành trình tri thức từ khi bước vào doanh nghiệp cho đến khi được nghỉ theo chế độ hưu trí.

Trên thực tế, bản thân lao động cũng là quá trình học hành liên tục. Tại một vị trí công việc thuộc guồng máy sản xuất trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, người lao động phải vừa làm vừa học. Những kiến thức mới trong sản xuất liên tục xuất hiện mà trước đây không có trong giáo trình đào tạo nghề, những công nghệ lỗi thời phải được thay thế, trang thiết bị ngày càng hiện đại hơn… Để đứng vững chắc tại vị trí làm việc, người lao động phải học tập thường xuyên, cập nhật kịp thời những tri thức mới. Do vậy, doanh nghiệp luôn đề cao việc người lao động học tại nơi làm việc vì công việc.

Học tập là hoạt động luôn hướng đến lao động và gắn với lao động (Học gắn với hành). Người học nhiều mà không hành, không tham gia lao động thì không thể gọi là Perennial được. Mà lao động thì luôn hướng đến sự phát triển. 

Hành trình tri thức của người không tuổi tác trong học tập và lao động- Ảnh 3.

Hành trình tri thức của người không tuổi tác trong lao động.

Nói đến lao động, thông thường ai cũng cho rằng đó là quá trình mang sức mạnh cơ bắp hay trí tuệ vào công việc để góp phần kiến tạo xã hội mới. Lao động là công việc có tính phục vụ mục đích phát triển của xã hội, là một hoạt động cống hiến chứ không phải là hưởng thụ.

Thực ra, lao động đòi hỏi sự học hành liên tục của con người, càng làm nhiều lại càng phải học nhiều, học miệt mài và trong nhiều trường hợp, người lao động phải khổ công học tập. Người thành công trong lao động là người vượt lên chính mình, là người trưởng thành trong sự nghiệp.

Luận điểm của tâm lý học và triết học về công dân học tập

Trong tác phẩm "Con người và văn hóa", nhà tâm lí học người Nga, ông A.N Leontiev, nói đến sự khác biệt trong tiến hóa giữa loài người với thế giới loài vật còn lại. Những động vật trên bậc thang tiến hóa theo quy luật sinh học phải thay đổi cấu trúc thân thể của chúng (tức là phải thay đổi đặc điểm sinh lý giải phẫu) để thích nghi với hoàn cảnh bên ngoài mà tồn tại. Chẳng hạn, có những loài không đủ thức ăn trong môi trường nước phải thay đổi các vây để bơi thành chân đi trên cạn. Loài ngựa có bộ móng guốc đặc biệt mới có thể chạy nhanh hơn kẻ thù của nó mà sống sót.

Loài người tiến hóa theo quy luật xã hội - lịch sử, dấu tiến hóa không ghi trên cơ thể, mà thể hiện ở những vật dụng, những phương tiện và những giá trị ở bên ngoài họ. Leontiev gọi những cái đó là thế giới đồ vật. Nhìn vào thế giới đồ vật trong một giai đoạn lịch sử nào đó, ta hiểu được con người ở thời điểm đó có trình độ văn hóa, văn minh ra sao, mức sống của họ như thế nào. Một quốc gia có nền công nghiệp phát triển, sáng tạo ra máy bay, vệ tinh, xe hơi, tàu thủy chắc chắn có sự tiến hóa nhanh hơn so với quốc gia đang cày ruộng bằng con trâu, đang vỡ đất canh tác bằng cây cuốc.

Karl Marx là người đã chỉ ra bản chất học hành trong quá trình lao động làm ra các đồ vật (các sản phẩm). Trên bình diện triết học, ông phân tích rằng, trong từng đồ vật, dù là một sản phẩm vật chất hay tinh thần, bao giờ cũng chứa đựng năng lực và phẩm chất của người làm ra nó. Marx gọi những năng lực và phẩm chất kết tinh trong sản phẩm là sức mạnh bản chất người được chuyển vào. Quá trình làm ra đồ vật là quá trình người lao động phải vận dụng trí tuệ, công sức, tài năng của mình để đồ vật có những công dụng mong muốn. Những công dụng ấy phản ánh trình độ năng lực và phẩm chất của người lao động. Marx gọi đây là kết quả của việc đối tượng hóa (Objectification) sức mạnh bản chất người của lao động.

Làm ra một cái bình bằng sứ tráng men có dáng vẻ độc đáo, sử dụng để cắm hoa hay trang trí nhà cửa, ta hiểu rằng, nó đang chứa đựng tài năng, tình cảm, cách nhìn cuộc sống, khiếu thẩm mỹ của tác giả. Tạo ra một chiếc điện thoại thông minh, có nhiều công dụng, cài đặt được nhiều ứng dụng, mang lại nhiều tiện ích cho người dùng là cả một quá trình lao động trí tuệ sáng tạo. Người dùng phải biết rằng, thiếu những tri thức hiện đại và ý thức phục vụ con người, tác giả không thể làm ra sản phẩm này. Vậy thì, để có được tri thức đó, phẩm hạnh đó, nhà phát minh đã phải học, đã tiến hành những hành trình tri thức không biết mệt mỏi, đã bền bỉ trong thiết kế và dày công thử nghiệm để sản phẩm ra mắt người tiêu dùng.

Với những sản phẩm do tập thể con người làm ra thì trong đồ vật này đã kết tinh năng lực và tri tuệ của nhiều người. Vận hành đồ vật đó cũng cần tập thể người tham gia. Ví dụ, khi cho ra đời chiếc máy bay phản lực phục vụ hành khách, chắc ai cũng hiểu rằng, sản phẩm này cần rất nhiều người vận hành đồng bộ thì chiếc máy bay hiện đại ấy mới vận chuyển khách một cách an toàn và hiệu quả. Nói cho cùng, chiếc máy bay là kết quả học tập của đông đảo người chung sức làm ra nó.

Cuối cùng, ta kết luận rằng, việc đối tượng hóa sức mạnh bản chất người phải dựa vào tri thức, mà có được tri thức chỉ khi học tập.

Người tiêu dùng một đồ vật nào đó trong thế giới đồ vật là người hấp thụ được trí tuệ, tài năng, đức độ đã kết tinh trong sản phẩm. Sử dụng đồ vật một cách có hiệu quả là kết quả của việc học tập của người tiêu dùng. Không có đồ vật nào lần đầu tiên xuất hiện mà người tiêu dùng không phải thử, tức là phải học. Đừng nghĩ rằng, có những đồ vật khi dùng không phải thử. Khi ăn cháo, người ta dùng thìa, khi ăn cơm, người ta dùng đũa. Đối với trẻ thơ đang ở tuổi đi nhà trẻ, để chúng dùng được cái thìa, phải cho nó tập nhiều lần. Lớn lên chút nữa, phải cho chúng học cách cầm đũa. Người lớn ở châu Á như người Việt, người Lào, người Trung Quốc, Hàn Quốc v.v… thường cho rằng, dùng đũa thì việc gì phải thử. Thực ra, họ phải thử từ khi còn nhỏ dại. Với người phương Tây đã quen ăn bằng dao và dĩa mà tới một nơi ăn bằng đũa chắc chắn là khá chật vật để dùng "hai cái que" lấy thức ăn và đưa cơm vào miệng. Họ phải thử, và người không muốn trải nghiệm dùng đũa thì phải dựa vào cái thìa hoặc cái dĩa là những thứ họ sử dụng thành thạo.

Karl Marx gọi việc sử dụng đồ vật là quá trình người hóa (humanized) sức mạnh bản chất người. Dùng được một đồ vật có nghĩa là đã khai thác được năng lực và phẩm chất của tác giả làm ra sản phẩm, và như thế, người tiêu dùng có thêm năng lực, kỹ năng và tri thức mới. Nói cách khác, họ đã học tập và phát triển hơn trước khi họ dùng được đồ vật ấy.

Trong thế giới hiện đại, những đồ vật cũ nhanh chóng bị thải ra khỏi đời sống và sản xuất để dùng những đồ vật hiện đại hơn. Nhiều người không chịu học để dùng được những đồ vật mới nên tụt lùi lại phía sau những người chịu khó học để làm chủ những đồ vật. Hiện tượng khá phổ biến trong xã hội chuyển đổi số là khi chiếc điện thoại bàn có phím vật lý được thay bằng chiếc điện thoại di động thông minh mà việc dùng nó với một số người không dễ chút nào. 

Có người từng là giáo viên dạy môn toán hoặc vật lý, có người đã là tiến sĩ trong một lĩnh vực khoa học mà rất chật vật khi có trong tay chiếc điện thoại thông minh. Họ vẫn chỉ dùng nó để nghe và gọi, không biết dùng nó để nhắn tin, viết thư điện tử, lập cho mình một tài khoản Facebook, chụp ảnh và sửa ảnh, mua hàng online v.v… Họ được coi là mù chức năng, mù chữ thực dụng, thực chất là thiếu những kỹ năng số do không chịu học hỏi vì một lí do nào đó.

Nói tóm lại, lao động xét cho cùng cũng là một quá trình học hỏi. Hành trình lao động cũng là một hành trình tri thức.

Hành trình tri thức của người không tuổi tác trong học tập và lao động- Ảnh 4.

Lao động là hành trình gắn Học với Hành

Những kiểu người không tuổi tác trong học tập và lao động

Xã hội học tập sản sinh ra những người không tuổi tác trong học tập và lao động. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, học nhiều mà không làm thì chỉ là trí thức một nửa, bởi việc học đó chỉ là để học. Học là để làm, học càng nhiều thì làm càng tốt, đó mới thực sự là Học. Vì thế, hành trình tri thức của người không tuổi tác trong học tập bao giờ cũng bắt đầu từ cập nhật tri thức và kết thúc ở việc sáng tạo tri thức.

Người không tuổi tác trong học tập và lao động được sản sinh ra bởi xã hội học tập được gọi là công dân học tập. Họ có thể là người dân bình dị, nhưng cũng có thể là những người có học vấn cao, có vị trí quan trọng trong xã hội, nhưng tất cả giống nhau ở một điểm: Học để Hành. Người có trình độ học vấn thấp thì học với những chương trình học tập thấp, người có nhiều học vấn thì học với chương trình cao hơn. Họ học đến đâu ứng dụng đến đó.

Các quốc gia xây dựng xã hội học tập đều đặt ra những yêu cầu cụ thể với công dân học tập. Tùy từng giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia, người ta yêu cầu công dân của họ phải có được những năng lực tinh thần và năng lực thể chất nào đó.

Trên bình diện triết học mác xít, mỗi người cụ thể là một nhân cách (Personality), mà nhân cách là một tổng hòa những năng lực thể chất (Physical Capacity) và năng lực tinh thần (Mental Capacity). Ngày nay, UNESCO cũng đã quan niệm về nhân cách như vậy khi tuyên bố mục tiêu đầu tiên của xã hội học tập là phát huy những năng lực của con người để trao quyền cho họ trong giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội, đủ sức đối đầu với những thách thức lớn như dịch bệnh, bão lụt, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu v.v…

Thuật ngữ năng lực thể chất là năng lực phát triển về tầm vóc, sức khỏe, sức mạnh cơ bắp, sự dẻo dai về sức lực trong hoạt động, khả năng chống chọi tật bệnh… ở con người. Tất cả những điều này sẽ giúp con người sống và làm việc lâu dài, thoải mái và hài lòng.

Năng lực tinh thần là năng lực phát triển những chức năng tâm lý như tư duy, tình cảm, trí nhớ, trí tưởng tượng, óc phán đoán, đồng thời còn là năng lực phát triển hệ thần kinh mạnh khỏe, không mắc phải các bệnh như Parkinson, động kinh, Alzheimer, đau nửa đầu, ít có nguy cơ bị đột quỵ v.v…

Để xác định trình độ phát triển công dân học tập, các nhà khoa học đã nghiên cứu những năng lực cốt lõi (Core Competency) cần phải có trong thế kỷ XXI.

Hiện nay, người ta tập trung nhiều nhất vào 3 năng lực cốt lõi là năng lực học tập và đổi mới; năng lực kỹ thuật số; năng lực nghề nghiệp và cuộc sống. Mỗi năng lực đều bao gồm những kỹ năng cơ bản.

Bảng 1: Những năng lực cốt lõi cần thiết nhất trong thế kỷ XXI và những kỹ năng cơ bản

Năng lực cốt lõi
Kỹ năng cơ bản

I. Năng lực học tập và sáng tạo (Learning and innovation competencies)

1. Tư duy phê phán (Critical Thinking)

2. Giải quyết vấn đề (Problem Solving)

3. Giao tiếp và hợp tác (Communication and Collaboration)

4. Sáng tạo và đổi mới (Creativity and Innovation).

II. Năng lực kỹ thuật số (Digital literacy competencies)

5. Kiến thức thông tin (Information Knowledge)

6. Kiến thức truyền thông (Media Knowledge)

7. Công nghệ thông tin và truyền thông (Information and Communication Technologies)

III. Năng lực nghề nghiệp và cuộc sống (Professional and life competencies)

8. Linh hoạt, dễ thích nghi (Flexibility and adaptable)

9. Tự học, tự giáo dục (Self – learning, Self – education)

10. Tương tác xã hội, đa văn hóa (Social interaction, multicultural)

11. Trách nhiệm cao (Responsibility)

Tuy nhiên, tùy từng hoàn cảnh xã hội, điều kiện kinh tế và đặc điểm dân tộc, mỗi quốc gia cũng có thể nghiên cứu những năng lực cốt lõi và những kỹ năng cơ bản khác so với khung năng lực trên.

Ở Việt Nam, việc chọn những năng lực cốt lõi cũng như những kỹ năng cơ bản để làm tiêu chí đánh giá công nhận danh hiệu "Công dân học tập" cũng không hoàn toàn trùng khớp với khung năng lực cốt lõi trên đây, nhưng cũng đã có những kỹ năng số và kỹ năng thực hiện các quan hệ. Tuy nhiên, một số chuyên gia đã đề xuất thêm một số kỹ năng kỹ thuật số để xây dựng mô hình Công dân số, sao cho người đạt danh hiệu "Công dân học tập" thì bản thân họ cũng đã đạt danh hiệu "Công dân số".

Những kỹ năng số mà các chuyên gia đề xuất là:

Truy cập số (Digital Access)

Thương mại số (Digital Commerce)

Nghi thức số (Digital Etiquette)

Luật lệ số (Digital Law)

Quyền số (Digital Rights)

Sức khỏe số (Digital Health)

An ninh số (Digital Security)

Còn đối với Công dân toàn cầu, khi thực hiện xuất sắc những tiêu chí Công dân học tập thì họ sẽ có được những năng lực sống và làm việc ngoài biên giới quốc gia.

Hành trình tri thức của người không tuổi tác trong học tập và lao động- Ảnh 5.

Sự lồng ghép tiêu chí của mô hình "Công dân học tập", "Công dân số" và "Công dân toàn cầu". Đồ hoạ: CDKH