Xét học bạ tuyển sinh đại học: Bất ngờ với tư duy chọn trường trung học phổ thông

13:37 - 23/06/2023

Việt xét học bạ vào đại học đã khiến phụ huynh và học sinh thay đổi hẳn suy nghĩ chọn trường trung học phổ thông. Kỳ thi vào 10 năm nay cho thấy một "bước lùi" của học sinh thành thị, chọn học trường chất lượng thấp thì điểm học bạ sẽ cao hơn.

Tôi là giáo viên ở một ngôi trường trung học phổ thông huyện. Trường tôi rất ít thí sinh đăng ký thi vào lớp 10. Năm nào, điểm chuẩn của trường cũng lấy thấp nhất tỉnh. Nhiều em ở huyện, có lực học từ khá giỏi đều muốn đăng ký nguyện vọng 1 về các trường trung tâm thị xã để học.

Thế nhưng, khác biệt là kỳ thi vào lớp 10 năm nay, thấy khá nhiều học sinh từ thị xã lại đổ xô về ngôi trường trung học phổ thông ở huyện để tham gia dự thi. Trong khi, ngôi trường tại thị xã từ bao năm nay, luôn là niềm mơ ước, tự hào của nhiều học sinh lại giảm đáng kể thí sinh đăng ký thi vào.

Bất ngờ với chia sẻ việc chọn trường của học sinh

Em Huy Hùng, học sinh lớp 9 một trường trung học cơ sở tại trung tâm thị xã cho biết: "Năm nay, em cũng đã chọn về thi tại trường huyện, cách nhà em khoảng 15 cây số".

Khi được hỏi: "Vì sao không chọn thi vào 2 trường phổ thông gần nhà mình mà phải chạy về trường huyện để dự thi? Trường quá xa nhà, mỗi ngày đi học sẽ rất vất vả". Huy Hùng trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: "Những trường thuộc trung tâm thị xã, thường lấy điểm chuẩn cao, khi học thầy cô cũng cho điểm rất chặt. Thi trường huyện, điểm chuẩn vào trường vừa thấp, thầy cô vừa cho điểm thoáng hơn".

Chị Nguyễn Thanh Tâm, phụ huynh em Huy Hùng lại cho biết: "Bây giờ, nhiều trường xét tuyển vào đại học bằng điểm học bạ. Họ đâu cần biết, trường chuẩn, trường thành thị chất lượng cao hơn. Đạt được một con điểm 8 của những trường điểm, có khi bằng điểm 9, điểm 10 của những trường bình thường khác.

Khi tuyển sinh bằng học bạ, họ chỉ căn cứ vào con điểm đạt được chứ có căn cứ vào cái tên của trường đâu? Những trường vùng quê, thường chất lượng đầu vào thấp nên điểm số thầy cô cho cũng có phần rộng rãi hơn. Chịu khó cho con đi học xa một tý nhưng lại có được cuốn học bạ đẹp để lợi thế khi xét tuyển".

Giống như phụ huynh em Huy Hùng, chị Mai Loan cũng cho biết: "Năm đó, con lớn của tôi thi vào lớp 10 một trường danh tiếng đạt 45 điểm. Cô bé hàng xóm thi vào một trường bình thường chỉ đạt 25 điểm.

3 năm học, con tôi chỉ đạt học sinh khá của trường điểm (với điểm tổng kết trung bình 7.5), trong khi cô bạn hàng xóm năm nào cũng nhận danh hiệu học sinh giỏi, điểm tổng kết đạt trung bình là 8.5.

Nếu thi vào đại học, con tôi chắc chắn sẽ đạt điểm cao hơn. Thế nhưng xét học bạ, con đã thua cô bạn hàng xóm. Vì thế, rút kinh nghiệm, năm nay tôi quyết định cho cậu con thứ hai thi vào trường huyện", chị Mai Loan cho biết.

Không chỉ học sinh, phụ huynh mà nhiều thầy cô giáo dạy ở 2 trường trung học này vẫn nhận định, học sinh khá của trường điểm này, lực học vẫn tốt hơn học sinh giỏi của trường bên cạnh.

Có lẽ cũng nhiều phụ huynh suy nghĩ như chị, nên năm học này, ngôi trường trung học phổ thông ở huyện tôi, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi đông lên bất ngờ. Họ bất chấp việc con đi học xa từ thị xã trung tâm về trường huyện bất tiện trải dài qua 3 năm học, kéo theo gia đình, bạn bè, cuộc sống của con thay đổi, chưa kể nhiều thay đổi khác đối với tuổi học trò. Miễn đó là niềm hy vọng làm đẹp học bạ để con có thể có thêm cơ hội vào đại học. 

Học thêm với thầy cô giáo của mình cũng là cách có được điểm số đẹp

Không chỉ chọn trường thi vào với hy vọng có được những điểm số đẹp, chọn học thêm với thầy cô giáo đang dạy chính khoá ở trường cũng là cách đi tắt có được những điểm số đẹp.

Chị Lan Anh, một phụ huynh có con đang học lớp 12 tại một trường trung học phổ thông huyện tôi chia sẻ: "Tôi bị mắc sai lầm khi cho con đi học thêm bên ngoài mà không đăng ký học thêm với thầy cô giáo dạy ở trường.

Vài năm trước, tôi chỉ nghĩ con cần kiến thức hơn điểm số. Thế nên, cứ để con tự chọn học thêm bên ngoài với giáo viên giỏi mà con thích, không đăng ký học với những thầy cô đang dạy con trên trường.

Giờ bảng điểm của con thua nhiều bạn trong lớp, trong khi lực học của con lại nổi trội hơn". Thế rồi chị cho biết thêm, những học sinh đi học thêm giáo viên đang dạy chính khoá sẽ có nhiều lợi thế hơn.

Gần như bài nâng cao nào những học sinh này cũng làm tốt. Trong khi, con của chị có bài làm được, bài lại làm sai. Con kể, chỉ khi nào kiểm tra đề riêng của sở hay giải bài hoàn toàn mới thì con mới trội hẳn hơn bạn.

Trước ngày kiểm tra, một số thầy cô dạy thêm thường cho học sinh lớp học thêm làm những dạng bài có trong đề kiểm tra. Thế nên ai đi học sẽ dễ dàng được điểm 9, 10. Cũng đã có những phụ huynh chọn giải pháp, đăng ký học thêm cho con ở lớp rồi nộp tiền đủ và đi học thêm một thầy cô giáo khác.

Nạn làm đẹp học bạ lại "hành" ngành giáo dục

Ngăn chặn nạn làm đẹp học bạ hiện nay sẽ không hề dễ. Bởi, giáo viên là người trực tiếp ra đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết, đề kiểm tra học kỳ. Việc mớm đề, nhá đề ở các lớp học thêm sẽ khó có thể kiểm soát được.

Bên cạnh đó, một số thầy cô giáo dạy các môn không học thêm lại bị áp lực về chỉ tiêu chất lượng nên cũng không dám thẳng tay đánh giá.

Để hạn chế tình trạng ngấm ngầm "làm đẹp học bạ", học sinh phải được kiểm tra đề (1 tiết, học kỳ) bằng đề chung được lấy trong ngân hàng đề. Giáo viên cũng không bị giao chỉ tiêu cao ngất ngưởng.

Thế nhưng, để có được bộ đề khách quan, ngành giáo dục địa phương cần thay đổi cách ra đề và sử dụng đề như hiện nay. Cần có sự luân chuyển các bộ đề giữa địa phương này với địa phương khác.

Chỉ khi nào, học sinh không được nhá đề, mớm đề thì khi đó năng lực thật sự của các em mới được bộc lộ và việc đánh giá của thầy cô mới trở nên chính xác.

Chưa kể, việc chữa học bạ cho học sinh dần trở nên phổ biến, phụ huynh cuối năm nhận được các tin nhắn, cú điện thoại thông báo điểm học bạ của con không đủ xét tuyển đại học đâu, là xác định cuộc chạy đua lại thêm phần khốc liệt. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/xet-hoc-ba-tuyen-sinh-dai-hoc-bat-ngo-voi-tu-duy-chon-truong-trung-hoc-pho-thong-179230623125452054.htm