WHO và Global Citizen chung tay giải quyết thách thức sức khỏe cộng đồng liên quan đến biến đổi khí hậu
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tổ chức vận động quốc tế Global Citizen vừa ký kết hợp tác tăng cường sức khỏe, chống lại sự bất bình đẳng và giải quyết các rủi ro liên quan đến sức khỏe của biến đổi khí hậu.
Thúc đẩy công bằng y tế, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người
WHO và Global Citizen mới đây đã ký Biên bản ghi nhớ để cộng tác trong các sáng kiến vận động toàn cầu nhằm thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong 3 năm tới.
Các mục tiêu chính của sự hợp tác sẽ là hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu nhằm khắc phục sự bất bình đẳng mà hàng triệu người gặp phải trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và đạt được mức độ sức khỏe thể chất và tinh thần cao nhất, đồng thời giải quyết các thách thức liên quan đến sức khỏe do biến đổi khí hậu gây ra.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO cho biết: "Từ lâu, WHO đã đánh giá cao sự hợp tác với Global Citizen để nâng cao nhận thức toàn cầu và thúc đẩy hành động nhằm cải thiện sức khỏe của mọi người trên khắp thế giới. Thông qua Biên bản ghi nhớ này, WHO và Global Citizen sẽ mở rộng quy mô vận động toàn cầu và cấp cơ sở cho sức khỏe và thu hút ngày càng nhiều công dân hơn, đặc biệt tập trung vào việc tiếp cận giới trẻ trên thế giới, nhằm thúc đẩy sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người".
Ông Michael Sheldrick - nhà đồng sáng lập và Giám đốc Chính sách, Tác động và Quan hệ Chính phủ của Global Citizen cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục hợp tác hiệu quả với WHO và Tiến sĩ Tedros. Tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe của những nhóm dân cư bị thiệt thòi nhất trên thế giới là một thực tế tàn khốc đòi hỏi phải có sự phối hợp hành động khẩn cấp. Chúng tôi mong muốn cùng nhau nỗ lực gấp đôi".
Theo Biên bản ghi nhớ, Global Citizen và WHO đã đồng ý thực hiện các sáng kiến vận động toàn cầu để thúc đẩy các ưu tiên và mục tiêu của Chương trình làm việc chung lần thứ 13 của WHO (GPW13) và các mục tiêu liên quan đến sức khỏe trong Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc và các hoạt động khác tập trung về công bằng sức khỏe, giải quyết mối liên hệ sâu sắc giữa biến đổi khí hậu và sức khỏe và các chủ đề liên quan.
Thông qua các sáng kiến vận động thiết thực, 2 tổ chức kỳ vọng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của lời khuyên sức khỏe dựa trên bằng chứng để cải thiện sức khỏe cộng đồng; xác định các lĩnh vực cần hành động để cải thiện sức khỏe của người dân, bao gồm thúc đẩy công bằng y tế, giảm thiểu tác động sức khỏe của biến đổi khí hậu, mở rộng quy mô tiêm chủng và tăng cường sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời thúc đẩy tầm quan trọng cũng như cách mở rộng quy mô hỗ trợ cần thiết cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế địa phương để cung cấp các dịch vụ và chăm sóc thiết yếu ở cấp quốc gia.
Trước đây, WHO và Global Citizen đã từng hợp tác trong nhiều hoạt động, bao gồm chương trình phát sóng quốc tế đặc biệt có tên "One World: Together At Home" (Một thế giới: Cùng nhau ở nhà) được tổ chức vào năm 2022 - thời gian đầu đại dịch COVID-19 để hỗ trợ nhân viên y tế. Sự kiện này đã huy động được gần 128 triệu USD cam kết từ các đối tác doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực của Quỹ đoàn kết ứng phó với COVID-19 (WHO), do Quỹ Liên Hợp Quốc và các quỹ khu vực tài trợ.
Global Citizen là tổ chức vận động quốc tế hàng đầu thế giới, được thành lập tại Australia vào năm 2008 với sứ mệnh chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực. Phong trào của Global Citizen được thực hiện thông qua các chiến dịch và sự kiện triệu tập các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực âm nhạc, giải trí, chính sách công, truyền thông, hoạt động từ thiện và lĩnh vực doanh nghiệp. Trong 10 năm qua, các cam kết trị giá 43,6 tỉ USD công bố trên các nền tảng Global Citizen đã được triển khai, tác động đến gần 1,3 tỉ sinh mạng.
GPW13 - Chương trình làm việc chung lần thứ 13 của WHO xác định chiến lược của tổ chức này trong giai đoạn 5 năm 2019-2023, tập trung vào mục tiêu "3 tỉ" để đạt được những tác động có thể đo lường được đối với sức khỏe của người dân ở cấp quốc gia vào năm 2023: thêm 1 tỉ người được hưởng lợi từ bảo hiểm y tế toàn cầu; thêm 1 tỉ người được bảo vệ tốt hơn khỏi các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe; thêm 1 tỉ người được tận hưởng sức khỏe và hạnh phúc tốt hơn. Tác động có thể đo lường được là trọng tâm sứ mệnh của WHO nhằm thay đổi tương lai của sức khỏe cộng đồng.
SDGs - Mục tiêu Phát triển Bền vững gồm 17 mục tiêu cụ thể liên quan đến các vấn đề phổ biến nhất (như xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh,...). Đây là lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc đến tất cả các quốc gia trên thế giới nhằm giải quyết những thách thức lớn mà nhân loại phải đối mặt, hướng đến một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho tất cả mọi người vào năm 2030.