Vụ việc "ép" học sinh không thi vào lớp 10: Lời thanh minh khó tin của trường Nguyễn Văn Bứa
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn cần đình chỉ công tác hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa và kỉ luật lãnh đạo này theo quy định của Luật Viên chức.
Bài viết "Ép" học sinh không thi vào lớp 10: Cần kỉ luật ngay hiệu trưởng" đăng tải trên Tạp chí Công dân và Khuyến học ngày 11/5 nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Nội dung bài báo cho biết, trên một diễn đàn ở Thành phố Hồ Chí Minh lan truyền lá đơn một trường trung học cơ sở ở huyện Hóc Môn có nội dung yêu cầu phụ huynh kí cam kết đối với học sinh yếu là tự nguyện không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Mẫu đơn được giáo viên chủ nhiệm lớp 9 phát cho học sinh có học lực không tốt, yêu cầu đưa phụ huynh ký, cam kết không khiếu nại về sau.
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn cho biết lá đơn trên là của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa.
Ngày 12/5, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn đã có báo cáo chính thức với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về việc phụ huynh nhận đơn in sẵn "xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10" xảy ra tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn, thông tin đơn trên là do một học sinh lớp 9/5 của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa viết. Sau đó bạn của phụ huynh học sinh này chụp lại, tự ý đăng lên mạng xã hội trong lúc các phụ huynh học sinh này ngồi quán cà phê.
Trước đó phụ huynh học sinh lớp 9/5 nói trên có nhắn tin với giáo viên chủ nhiệm như sau: "Cháu không thi tuyển sinh lớp 10 vào trường công lập. Nhưng cháu vẫn nộp hồ sơ tuyển sinh lớp 10 vào trường tư thục, cháu vẫn tiếp tục học cấp 3. Nên nguyện vọng của gia đình cháu là học tư thục".
Qua xác minh, mẫu "Đơn xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025" do nhà trường phát hành.
Theo Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa, lý do phát hành đơn này vì rút kinh nghiệm ở năm học trước, theo báo cáo của giáo viên chủ nhiệm, có gia đình "ba đồng ý cho con mình không thi nhưng mẹ lại muốn con thi tuyển sinh lớp 10" nên đến trường thắc mắc, khiếu nại với giáo viên chủ nhiệm do vậy buộc phải làm cam kết rõ ràng.
Lời thanh minh khó tin của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa
Thứ nhất, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cần thấy rằng, việc không ít các nhà trường trên địa bàn Thành phố "ép" học sinh không thi vào lớp 10 là có thật.
Giáo viên ở một số quận, huyện ở địa phương này cho biết, việc này xảy ra từ lâu và vụ việc ở Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa chỉ là giọt nước tràn ly. Và mỗi khi phụ huynh không còn niềm tin vào giáo viên chủ nhiệm và nhà trường thì họ chỉ biết đăng tải sự việc ("ép" học sinh không thi vào lớp 10) lên mạng xã hội để trút giận và tìm sự chia sẻ từ cộng đồng mạng.
Thứ hai, thanh tra Uỷ ban Nhân dân huyện Hóc Môn và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cần làm rõ, có phải việc "ép" học sinh không thi vào lớp 10 chỉ xảy ra ở lớp 9/5 hay toàn bộ các lớp khối 9? Việc này không khó, học sinh và phụ huynh các em sẽ cung cấp minh chứng với điều kiện họ được lắng nghe và bảo mật danh tính.
Nếu việc điều tra không được làm đến nơi đến chốn thì rất có thể giáo viên chủ nhiệm lớp 9/5 sẽ gánh chịu hậu quả. Trong khi đó, lỗi này thuộc về hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa – có dấu hiệu vi hiến, làm trái luật và vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo.
Bài viết "Ép" học sinh không thi vào lớp 10: Cần kỉ luật ngay hiệu trưởng" cho biết, Hiến pháp quy định "Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập". Cùng với đó, Luật Giáo dục khẳng định: "Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập".
Còn khoản 2 Điều 27 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định nhiệm vụ của giáo viên (trích):
"Trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp".
Như vậy, giáo viên (hiệu trưởng cũng là giáo viên – viên chức lãnh đạo, dạy 2 tiết/tuần) phải thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, chứ không phải o ép các em – chỉ mới 15 tuổi – không được thi tuyển vào 10 chỉ vì học không tốt.
Thứ ba, việc Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa thanh minh "lý do phát hành đơn này vì rút kinh nghiệm ở năm học trước, theo báo cáo của giáo viên chủ nhiệm, có gia đình "ba đồng ý cho con mình không thi nhưng mẹ lại muốn con thi tuyển sinh lớp 10" nên đến trường thắc mắc, khiếu nại với giáo viên chủ nhiệm do vậy buộc phải làm cam kết rõ ràng" cũng khó chấp nhận, có dấu hiệu lấp liếm bản chất của sự việc.
Sự việc này và việc "ép" học sinh không thi vào lớp 10 là hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm đều hiểu luật, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ thì làm sao phải sợ phụ huynh thắc mắc, khiếu nại.
Nhiều giáo viên, giảng viên chia sẻ, họ không thể nào chấp nhận việc xảy ra ở Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa. Vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn cần xem xét chính xác trách nhiệm của hiệu trưởng và kỉ luật theo Luật và theo quy định của ngành giáo dục.