Vụ nghệ sĩ Xuân Hinh giả gái tại chùa gây xôn xao dư luận
Hình ảnh nghệ sĩ Xuân Hinh giả gái với trang phục váy ngắn tại lễ khánh thành nhà thờ Tổ ở chùa Sùng Minh, Hải Dương gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Hình ảnh gây tranh cãi
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền clip ngắn với hình ảnh nghệ sĩ Xuân Hinh trong trang phục giả gái bị cho là hở hang, phản cảm, đang nhảy múa tại chùa Sùng Minh, Hải Dương.
Hình ảnh trong clip khiến dư luận phản ứng gay gắt. Dù không xa lạ với hình ảnh nghệ sĩ Xuân Hinh giả gái, nhưng có ý kiến cho rằng ăn mặc hở hang nơi chùa chiền là phản cảm và khó chấp nhận.
Nhiều người cho rằng, với cương vị của một người nghệ sĩ nổi tiếng, nam danh hài nên cẩn trọng hơn khi lựa chọn trang phục, đặc biệt là ở chốn linh thiêng. Bên cạnh đó, cũng có những bình luận bênh vực nam nghệ sĩ. Họ cho rằng, đoạn clip chỉ là một phần cắt ghép của tiết mục, không đủ căn cứ để đưa ra nhận xét tiêu cực và chỉ trích quá đà.
Nghệ sĩ Xuân Hinh: Tiết mục được khán giả ủng hộ
Nghệ sĩ Xuân Hinh cho biết ông biểu diễn ở sân khấu ở khu vực sân phía ngoài chùa, theo yêu cầu của khán giả và được phép của ban tổ chức và các cụ trong làng.
Theo ông, đây là tiểu phẩm biến hình trang phục kết hợp. Ông thể hiện nhiều dạng nhân vật theo yêu cầu của khán giả, lúc thì là Chí Phèo, Thị Nở, lúc hát Chầu Văn, lúc thì hoá thân thành cô gái,... Với một chuỗi nhân vật đa tính cách như vậy, việc mặc trang phục của ông như thế là bình thường, không có gì phải tranh cãi.
"Đây là chỗ thân tình, quý mến thì tôi mới nhận lời biểu diễn. Là nghệ sĩ phải hóa thân thành hàng trăm, hàng nghìn vai diễn, mang lại niềm vui cho cộng đồng. Trong đó, họ yêu cầu tôi diễn "Người ngựa ngựa người" thì tôi diễn "Người ngựa ngựa người". Họ yêu cầu tôi hát thì tôi hát, họ yêu cầu diễn thế nào thì tôi diễn thế đó... đâu phải muốn diễn gì thì diễn đâu?
Họ không quay cả đoạn mà cắt cúp đưa lên khiến khán giả hiểu lầm. Bà con ngồi dưới rất ủng hộ tôi, không ai kêu ca gì", nghệ sĩ Xuân Hinh cho biết.
Xuân Hinh cho biết hiện tại ông đã nghỉ hưu, rất ít khi nhận lời đi diễn. Sự việc như thế này rất ảnh hưởng tới hình ảnh của ông.
Chính quyền Hải Dương không cấp phép cho tiết mục này
Bà Vũ Thị Hà - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương cho biết, buổi biểu diễn của nghệ sĩ Xuân Hinh trong Đại lễ mừng lễ cắt băng khánh thành ngôi Tổ đường chùa Sùng Minh tại thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo có xin phép, báo cáo với chính quyền địa phương.
“Trong chương trình biểu diễn chỉ nói là có nghệ sĩ nổi tiếng và đoàn hát về quan họ Bắc Ninh cùng thể loại dân gian khác. Nhưng trong quá trình biểu diễn nghệ sĩ Xuân Hinh đã phiêu nên mới diễn những màn như vậy. Đấy là do nghệ sĩ biểu diễn chứ không ai cấp phép cho tiết mục như vậy”, bà Vũ Thị Hà cho biết.
Đại diện Ban tổ chức sự kiện cũng không lường trước được và xin rút kinh nghiệm sâu sắc.
Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật
Nhiều khán giả cho rằng, lời giải thích của nghệ sĩ Xuân Hinh là chưa thỏa đáng và sự việc này xảy ra đối với một nghệ sĩ được nhiều công chúng mến mộ như Xuân Hinh thực sự là một điều đáng tiếc.
Đây là một bài học kinh nghiệm đối với các nghệ sĩ trong việc tổ chức biểu diễn ở những không gian trang nghiêm, đặc biệt là các không gian liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngày 13/12/2021, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó nhấn mạnh đến hành vi ứng xử là những phát ngôn, tác phong, lối sống, sử dụng trang phục của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Quy tắc nhằm mục đích xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội.
Đồng thời khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu", lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Chia sẻ với Báo Văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng các cấp, các ngành và các địa phương nên lan toả Quy tắc này mạnh mẽ hơn nữa, có thể phối hợp tổ chức những buổi tập huấn cho tất cả các nghệ sĩ, những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Trong các lớp tập huấn này cần giúp cho các nghệ sĩ ý thức rõ ràng về những nguyên lý văn hóa ứng xử trong nghề nghiệp bởi những người nghệ sĩ là người của công chúng, họ phải có những hành vi ứng xử chuẩn mực trên sân khấu và cả ngoài xã hội. Và quan trọng nhất vẫn là ý thức của từng nghệ sĩ.
Nghệ sĩ ưu tú Xuân Hinh sinh năm 1960. Suốt những năm cuối thập niên 90, Xuân Hinh là cái tên thống trị cả thị trường hài đất Bắc.
Những vai diễn Tiến Tùng - túng tiền trong vở "Tùng lò gạch", Mộng Ti trong "Xuân Hinh đi hỏi vợ"…, hay những câu nói "Ai gọi em đó có em đây", "Ăn chơi đi đừng có tiếc tiền làm gì", những giai điệu "buồn buồn thương thương, thương buồn thương nhớ thương con đề/đề ơi thương nhớ, nhớ thương là thương thương nhớ…" in dấu ấn sâu đậm trong trí nhớ người dân lao động.
Dù được mệnh danh là "Vua hài đất Bắc" nhưng ông chỉ thích được khán giả gọi với cái tên "Xuân Hinh - kẻ chọc cười dân dã".
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vu-nghe-si-xuan-hinh-gia-gai-tai-chua-gay-xon-xao-du-luan-17922110215284944.htm