Vụ giáo viên kéo lê học sinh: Trái tim ai ứa máu?
"Tôi nghe lại những lời nói của cô giáo với con tôi, nói rằng mời phụ huynh lên, cho chuyển lớp, hạ hạnh kiểm để không đi thi được, đuổi sang lớp khác... Tôi là người cha cũng cảm thấy trái tim ứa máu" - Phụ huynh học sinh bị giáo viên kéo lê trước cửa lớp học ở Trường Trung học phổ thông Đa Phúc nói.
Ngày 30/9, Trường Phổ thông trung học Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) họp khẩn, kiểm điểm giáo viên kéo lê học sinh ở hành lang lớp học (có clip ghi lại).
Cuộc họp mời lớp trưởng và 2 học sinh có liên quan làm việc. Thành phần cuộc họp gồm ban giám hiệu nhà trường, chủ tịch công đoàn, bí thư Đoàn trường, cô giáo N.T P (giáo viên trong clip), học sinh N.TK.C (học sinh trong clip), bố học sinh N.TK.C cùng 3 học sinh của lớp.
Tại cuộc họp này, cô giáo N.T.P tường trình: Học sinh N.T.K.C là bí thư chi đoàn lớp, được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật, song em không làm theo sự thống nhất với cô giáo chủ nhiệm.
Cô N.T.P bảo học sinh ra đứng ở cửa lớp. Lớp kê bàn ghế và bày cỗ chuẩn bị sinh nhật tháng xong thì giáo viên chủ nhiệm đi ra ngoài cửa, lúc này học sinh N.T.K.C quỳ ở cửa lớp. Cô giáo nói học sinh đứng lên, nhưng học sinh ngã lăn ra, vì vậy cô giáo đã túm áo kéo lê học sinh vào lớp.
Tại cuộc họp, giáo viên thừa nhận hành vi thiếu chuẩn mực và xin lỗi học sinh, gia đình học sinh, nhận quyết định điều chuyển, không tiếp tục làm chủ nhiệm lớp.
Tuy nhiên, một số học sinh khác trực tiếp chứng kiến vụ việc cho biết: Sau khi cô giáo gọi cho cửa hàng bánh mà cô chỉ định, phía bên đó cho biết, không có đơn hàng nào được mua. Vì vậy, khi em học sinh mang bánh về lớp đã bị giáo viên chửi mắng thậm tệ, đe doạ hạ hạnh kiểm để em không đủ điểm thi tốt nghiệp.
Cô giáo đã bảo học sinh: "Cô cầm bánh và cút ra khỏi lớp...". Sau khi bị đuổi ra khỏi hành lang, nữ sinh khóc suốt 2 tiếng đồng hồ. Khi cô giáo đến, bạn có ôm chân cô khóc xin lỗi nhưng cô vẫn buông lời cay nghiệt.
Sau đó, nữ sinh mệt lả, co giật, nhưng cô giáo tiếp tục quát tháo, túm cổ áo của nữ sinh, lôi đi tiếp tục chửi mắng: "Cô không phải giả vờ, tôi sẽ gọi chuyên gia đến kiểm tra, nếu cô lừa tôi, tôi sẽ cho cô đi tù".
Đáng chú ý, có nhiều học sinh bên cạnh can ngăn, nhưng cô giáo vẫn tiếp tục to tiếng, vụ việc được ghi lại clip và trong clip nghe rõ tiếng cô giáo quát tháo. Các học sinh cho biết, đây không phải lần đầu cô chủ nhiệm to tiếng với học sinh. Người cha được mời lên trường dự cuộc họp kiểm điểm cô giáo không giấu được sự đau lòng. Ông chia sẻ rằng nghe những lời cô giáo nói, trái tim tôi ứa máu, nữa là lũ trẻ, chúng còn nhỏ tuổi, hay tổn thương vì những lời cay nghiệt.
Công an sẽ điều tra và đánh giá chi tiết và có kết luận về mức độ hành vi của giáo viên đối với học sinh trong vụ việc này. Tuy nhiên, nghe những lời phụ huynh chia sẻ, công dân nào cũng chạnh lòng. Lứa tuổi học sinh phổ thông trung học là tuổi đang rất nhạy cảm với tâm lý học đường. Ngay cả trong gia đình, các bậc phụ huynh cũng đã phải có những thay đổi về cách giáo dục, bảo ban, uốn nắn. Vì ở tuổi này, các em không còn nhỏ để người lớn áp đặt, nhưng cũng chưa lớn để có thể cứng cáp trong suy nghĩ, hành động. Người cha của nữ sinh đã nói rất đúng với tâm lý phụ huynh, sợ rằng những lời cay nghiệt sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của con.
Còn đối với công chúng, dư luận, các giáo viên xưa nay được ví như mẹ hiền càng không thể chấp nhận một hành vi thiếu chuẩn mực sư phạm trong nhà trường. Chứng kiến học sinh bị giáo viên đe doạ, chì chiết thì trái tim của bất cứ bậc cha mẹ nào cũng "ứa máu". Vì sao, trong nhà trường, các giáo viên không được tu dưỡng về phương pháp sư phạm? Họ xưng hô: tôi - cô với học sinh nữ, chửi rủa mỗi khi học trò phạm lỗi, trái ý mình, trù dập, ghét bỏ, cô lập, phân biệt đối xử... rất nhiều hành vi cần tránh trong môi trường giáo dục mà bản thân các nhà giáo thường không để ý đến.
Ngoài tình trạng phụ huynh thiếu trách nhiệm, giao việc giáo dục con cái về cả phía nhà trường, thì các nhà giáo cũng cần xốc lại đội ngũ, soi lại chính mình, đặt vị trí của mình vào tâm lý của lứa tuổi học trò. Để biết rằng, mọi lời nói, hành vi của cô giáo sẽ còn theo các em cả đời, nhiều học sinh sẽ trở thành chính hình ảnh sư phạm của các cô, bản sao của các cô trong hành vi, đối xử.
Bởi vậy, trách nhiệm của một nhà giáo, không hẳn chỉ xem xét ở bề nổi, để phân chia đúng sai trong một clip, một sự việc cụ thể nào, mà phải xét ở góc nhìn giáo dục hướng tới văn minh, công bằng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vu-giao-vien-keo-le-hoc-sinh-trai-tim-ai-ua-mau-179231001225649029.htm