"Việt Nam phong tục" - tiếng vọng trăm năm của học giả Phan Kế Bính

06:00 - 06/03/2023

Phan Kế Bính (1875-1921) là một dịch giả xuất sắc, là nhà báo, nhà văn, nhà biên khảo, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc nổi tiếng Việt Nam.

"Việt Nam phong tục" - tiếng vọng trăm năm của học giả Phan Kế Bính- Ảnh 1.

"Việt Nam phong tục" viết về gần 100 phong tục, tập quán điển hình của người Việt.

Việt Nam phong tục - cuốn sách khảo cứu có giá trị bậc nhất về phong tục tập quán nước Việt

Sống trong giai đoạn chuyển giao giữa hai thế kỷ 19-20, khi văn minh phương Tây bắt đầu du nhập, đồng thời đất nước đứng trước những xáo trộn lớn, Phan Kế Bính thể hiện rõ những tư tưởng tiến bộ, dù bản thân ông là một nho sĩ, từng đỗ Cử nhân Hán học.

Những tư tưởng tiến bộ đó được ông thể hiện rõ nét qua loạt bài viết đăng trên Đông Dương tạp chí, vào những năm 1913-1914, sau này được tập hợp in chung thành sách "Việt Nam phong tục". Cuốn sách hơn một trăm năm tuổi này hiện vẫn là một trong những công trình khảo cứu có giá trị bậc nhất về phong tục tập quán của nước Việt.

Sách được chia thành ba thiên (ba chương): Phong tục trong gia tộc, phong tục làng xã và phong tục xã hội nói chung. Ba chương này thể hiện rõ hệ thống những mối quan hệ mà mỗi người xưa nay đều phải trải qua trong vòng đời của mình, từ quan hệ anh chị em huyết thống, họ hàng thân thuộc đến quan hệ hàng xóm láng giềng trong làng ngoài xã, và cao hơn nữa là bổn phận và trách nhiệm của bản thân với quốc gia, dân tộc.

Mỗi phong tục, dù được viết ngắn gọn trong vài trang sách nhưng đều là những thông tin thiết yếu, được chắt lọc dưới góc nhìn khách quan và khoa học của một nhà biên khảo hiểu biết sâu rộng. Từ tên gọi, nguồn gốc hình thành cho đến mô tả đặc trưng, cách thức mà phong tục, tập quán đó diễn ra hay sự khác biệt của cùng một phong tục giữa các vùng miền, địa phương… đều được tác giả diễn giải cặn kẽ. Là một nhà nho uyên bác mang tư tưởng tân tiến, tác giả không chỉ mô tả từng tập tục, mà còn về gốc tích, nguyên ủy cái tục ấy, nhìn nhận, đánh giá để xem nó hay hay dở, từ đó "xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho cái tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy". Cho đến nay, những góc nhìn đả kích, phê phán chân thành đó của ông vẫn còn nguyên giá trị thời đại.

Qua chương viết về Phong tục trong hương đảng, có thể nhận thấy tệ đoan lớn nhất trong làng xã thời xưa là tục lệ đề cao miếng ăn, coi trọng việc "trả nợ miệng". Gia cảnh nghèo khó đến mấy khi có chuyện hiếu hỉ vui mừng hay buồn thảm, dân gian đều giở ra ăn uống linh đình, đãi anh em họ hàng làng trên xóm dưới, bất kể phải đi vay đi mượn mang công vác nợ. Coi trọng miếng ăn cũng gắn liền với tục trọng thể diện, đạo đức giả… nên mới có chuyện dân gian quan niệm "một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp" hoặc như lúc ma chay con cháu thi nhau khóc để cho họ hàng chòm xóm nghe thấy đặng còn thể hiện lòng xót thương, hiếu thảo. Tác giả cũng phê phán việc lợi dụng tín ngưỡng của người dân để trục lợi như đối với các tục đồng bóng, gọi hồn hay phù thủy, xem đất táng… đồng thời chỉ ra cho người đọc nhận thấy, các quốc gia phương Tây họ vẫn phát triển mạnh mẽ, giàu có mà đâu có tin gì vào số mệnh hay những tục này.

Phan Kế Bính cũng rất khách quan khi nhận định về các tập tục xưa nay đã trở nên cổ hủ: "Đó cũng không phải là tổ tiên ta khi trước có vụng dại gì, chỉ là thời thế mỗi lúc một khác, mà mỗi lần biến cải thì cái trình độ khai hóa lại tấn tới thêm lên một tầng. Ấy cũng là cái lẽ tự nhiên của tạo hóa như thế. Tuy vậy cái tục cũ truyền nhiễm đã lâu, không dễ mà một mai đổi ngay được. Muốn đổi thì phải lựa dần dần, trước hết phải xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho các tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy".

Do những điều kiện lịch sử mà phong tục tập quán của người Việt ít nhiều ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa. Cũng không ít những cuốn sách chữ Hán viết về phong tục, nghi lễ đời người được lưu truyền trong nước như Thọ Mai gia lễ, Chu Văn công gia lễ, Vạn hộc minh châu, Tang lễ tiểu ký… Nhưng sách viết bằng chữ quốc ngữ lại viết về những phong tục, lối sống, tập quán văn hóa đã ăn sâu bám rễ và vẫn đang tồn tại trong đời sống dân tộc như "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính quả là hiếm hoi.

Học giả Phan Kế Bính
Thời này là thời buổi đua ganh, càng đi được nhiều nơi xa thì càng trải biết, càng khôn ngoan. Có khôn ngoan thì mới đứng được với đời. Vậy thì giá có thể đi đâu được cũng nên đi, chớ không nên quản xa xôi gì hết.


Phan Kế Bính và các tác phẩm nổi tiếng

Phan Kế Bính (1875-1921) - Biệt hiệu là Bưu Văn (thường ký bút hiệu Liên Hồ Tử dưới các bài thi ca) là người làng Thụy Khuê (làng Bưởi) huyện Hoàn Long, nay thuộc quận Tây Hồ Hà Nội.

Ông thi Hương đỗ cử nhân Hán học năm 1906, nhưng không thích làm quan và đã bước chân vào làng báo ngay từ năm 1907. Ông hưởng ứng phong trào Duy Tân, nhưng không trực tiếp chỉ huy, mà hoạt động công khai viết sách báo. Ông đã cộng tác cho các tờ Đăng cổ trùng báo, Lục tỉnh tân văn, Đông Dương tạp chí... Phan Kế Bính là một nhà biên khảo và dịch thuật xuất sắc, có công phu sáng tạo và có tư tưởng tiến bộ.

Tác phẩm nổi tiếng:

– Tam Quốc diễn nghĩa (dịch, 1907).

– Nam Hải dị nhân (truyện ký, 1909)

– Việt Nam phong tục (nghiên cứu phong tục, 1915)

– Hưng Đạo Đại vương truyện (truyện ký, 1916)

– Việt Nam khai quốc chí truyện (dịch, 1917)

– Việt Hán văn khảo (nghiên cứu văn học, 1918)

Một số trích đoạn trong "Việt Nam phong tục"

● Xét cái tục ta, sinh ra con ai cũng biết thương, biết mến, biết chăm chỉ nuôi nấng, dạy dỗ cho con nên người, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, thực là hết lòng hết dạ. Loài người cũng nhờ tính ấy mà bảo tồn được chủng loại cho mỗi ngày một sinh sôi nẩy nở thêm ra, thì lòng nhân từ ấy rất là hay lắm. Nhưng chỉ hiềm ta khi xưa chưa hiểu cách vệ sinh trong khi sinh sản, nào nằm than, uống nước tiểu, rất là một cách làm cho sinh bệnh, không trách đàn bà ta nhiều người hay sinh ra hậu sản mà ốm mòn. Đến lúc nuôi con, thì lại hay tin những điều nhảm nhí, không có bậc triết học nào mà triết hết được những sự huyền hồ ấy. Cho đi học, không có quy củ cách thức nào, còn phần nhiều thì học năm mười năm mà dốt vẫn hoàn dốt, cho nên trong nước một trăm người mới được một hai người biết chữ, cũng chỉ vì cách dạy không tinh diệu đấy thôi.

● Đến lúc con lớn thì lại lo thay cho con quá. Mà nào lo có ra lo, lo những ngôi thứ trong làng, lo những danh phận vô ích. Chớ nào có lo cho con nên một bậc người gì, hay là thành được một nghề gì đâu. Cái lo lắng ấy, hẳn sinh ra lười biếng, hay ăn chơi. Cho nên lắm người đời cha mẹ hàn gắn chắt chiu, làm nên giàu có, mà đến đời con thì chỉ ăn chơi chỉ phá, chẳng bao lâu mà lại hết nhẵn như không.

● Dâu gia không có tình thâm nghĩa trọng với nhau gì mấy, nhưng vì con mà sinh ra tình nghĩa, thì thương yêu con bao nhiêu nên quý trọng đến dâu gia bấy nhiêu. Còn như con cái chẳng ưa nhau, về nhà thêm đặt lời này tiếng khác thì nên cho là kẻ non người trẻ dạ, mắng bảo cho con, chớ đừng nghe lời con mà sinh ra mếch lòng người lớn.

Vả lại dâu gia cũng tất là người đồng thanh đồng khí với mình, xưa nay cũng hẳn đã thân thiết với nhau, mà dẫu chưa biết nhau bao giờ nhưng chắc cũng là xứng đáng với mình, thì mình có lẽ nào vì lời con mà bỏ tình cũ được.

Lạ gì mẹ chồng nàng dâu, có tài nào mà giữ cho khỏi điều này tiếng nọ, mà nghề con gái bù lu bù loa, ít xít ra nhiều, có điều gì mà chẳng về mách với mẹ. Đàn bà lại hay nhẹ dạ, thấy con khóc nức nở là thương. Đàn ông lại hay nghe vợ, nghe vợ nói thì cho là thực, rồi nhân thế mà dâu gia oán ghét nhau. Vậy không nên nghe lời con làm gì, thì nghĩa mới trọn thủy chung.

● Trừ tà trị bệnh là một việc rất vô lý, chẳng qua là kẻ ngu xuẩn bày đặt ra mối dị đoan, mà lừa dối những bọn vô tri vô thức, để làm nghề kiếm ăn mà thôi.

Thôi chẳng kể gì chuyện ma quỷ, triết lý mà nói với người ngu xuẩn cũng như nước đổ lá khoai mà thôi. Hãy cứ xét ngay một lẽ hiển nhiên thì biết: Người phàm trần ta, đã gọi là người chính đính, hồ dễ đã ai bạ việc gì cũng đến cầu cạnh được chưa? Huống chi đức Thánh Trần là một bậc đại anh hùng, lúc sinh tiền, ngài ba lần phá giặc Nguyên, uy danh lừng lẫy trời nam đất bắc. Có lẽ nào ngài khi mất lại làm nghề nhơ nhuốc, chui vào những nơi lều tranh túp cỏ, chữa thuốc cho bọn đàn bà hậu sản, ốm tê, để kiếm cái lễ thủ lợn mâm xôi hay sao?

Đã đành rằng lượng Thánh đại từ đại bi, chẳng quản gì kẻ sang người hèn, đã cầu khẩn đến ngài thì ngài cũng sẵn lòng cứu cho chăng đi nữa thì ngài thiếu gì binh tướng bộ hạ, làm chi mà chẳng bắt nổi vài con tà, hà tất phải nhờ đến chú thanh đồng, hò hét quát tháo, đập đánh tra hỏi, rồi tà ma mới chịu xưng tội, thế ra bộ hạ của ngài lại không đắc lực bằng chú thanh đồng hay sao?

● Cái tục cũ truyền nhiễm đã lâu, không dễ mà một mai đổi ngay được. Muốn đổi thì phải lựa dần dần, trước hết phải xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho các tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy.

● Tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tín dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được.

● Người ta không biết trọng cái thực lực mà muốn trông cậy về cái vận may, thì chí khí cũng đã kém rồi, huống chi là cái may cũng không mấy khi được gặp.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/viet-nam-phong-tuc-tieng-vong-tram-nam-cua-hoc-gia-phan-ke-binh-179230305222630029.htm