Việt Nam đạt nhiều kết quả nổi bật trong bảo vệ tầng ozone

15:32 - 15/09/2022

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone (HCFC). Việt Nam đã loại trừ hoàn được 3 chất CFC, Halon và CTC. Dự kiến đến năm 2040 sẽ loại trừ hoàn toàn HCFC.

Sáng 15/9, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo kết quả thực hiện kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II và các quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone.

Việt Nam là một trong những nước sớm tham gia Công ước Vienne về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal. Trong nhiều năm qua, nước ta đã nỗ lực triển khai các hoạt động bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone. Tính đến ngày 1/1/2010, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn được 3 chất, đó là CFC, Halon và CTC; đang từng bước loại trừ các chất HCFC và hiện tại, Việt Nam chỉ còn sử dụng methyl bromide trong kiểm dịch thực vật.

Việt Nam đạt nhiều kết quả nổi bật trong bảo vệ tầng ozone - Ảnh 1.

Hình ảnh mô phỏng hiện tượng thủng tầng ozone. Ảnh: Roskill

Theo Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường, Việt Nam đang thực hiện giai đoạn 2 (2018-2023) để loại trừ chất các chất HCFC có trong điều hòa không khí gia đình, các hệ thống cấp đông kho lạnh, sản xuất xốp cách nhiệt, điều hòa không khí trung tâm, dung môi trong sản xuất mỹ phẩm và dụng cụ y tế, chất dập cháy…

Cục Biến đổi khí hậu đã hỗ trợ thành công cho 2 doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ R32 thân thiện với môi trường từ tháng 11/2022.

Trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, đã hỗ trợ một doanh nghiệp hoàn thành chuyển đổi công nghệ sang NH3, loại trừ tiêu thụ các chất HCFC trong sản xuất. Ngoài ra, một doanh nghệp đang triển khai chuyển đổi công nghệ để loại trừ HCFC trong sản xuất.

Trong lĩnh vực sản xuất xốp, có một doanh nghiệp hoàn thành chuyển đổi công nghệ thân thiện với môi trường, một doanh nghiệp đã hoàn thành lắp đặt và bắt đầu sản xuất theo công nghệ thay thế từ tháng 10/2022, 3 doanh nghiệp đang triển khai thực hiện chuyển đổi công nghệ loại trừ HCFC.

Ngoài ra, trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh, Cục đã tổ chức 3 khóa đào tạo, tập huấn về quản lý rò rỉ HCFC cho 71 giảng viên nguồn và 39 khóa đào tạo, tập huấn cho 1.120 kỹ thuật viên về quản lý rò rỉ HCFC.

Bên cạnh đó, cung cấp 65 bộ đồ nghề giảng dạy cho 65 trường, cơ sở dạy nghề kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí; cung cấp 100 bộ đồ nghề sửa chữa cho 100 cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa không khí; cung cấp 29 thiết bị do môi chất lạnh cho 9 cơ sở sử dụng thiết bị lạnh công nghiệp; tổ chức 4 khóa đào tọa tập huấn về quản lý xuất nhập khẩu các chất được kiểm soát cho gần 300 cán bộ hải quan.

Với lộ trình đã đạt được thì hiện nay, Việt Nam còn phân bổ 2.500 tấn HCFC, và đến năm  2040, chúng ta sẽ loại trừ hoàn toàn HCFC.

Để đạt được mục tiêu trên, sự hợp tác giữa các chính phủ, sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và  địa phương, sự hỗ trợ của quốc tế, đặc biệt sự tham gia của doanh nghiệp là rất quan trọng.

Ngoài ra, việc ban hành các quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone của Việt Nam thời gian qua cũng đã góp phần nội luật hóa các quy định quốc tế, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức của doanh nghiệp, người dân, tổ chức.

Cứ mỗi thập kỷ trôi qua tính từ năm 2000, tỉ lệ phục hồi của tầng ozone là 1-3%. Với tỉ lệ phục hồi như vậy, tầng ozone ở Bắc Bán Cầu sẽ được phục hồi hoàn toàn vào năm 2030. Đến năm 2050, tầng ozone tại Nam Bán cầu và đến năm 2060 tại những vùng cực Nam bán cầu sẽ được khôi phục hoàn toàn.

Tầng ozone giúp ngăn tới 97-99% tia cực tím từ bức xạ Mặt trời đến Trái đất. Tia cực tím rất nguy hại đối với con người, có thể gây ung thư, suy giảm miễn dịch, đục thuỷ tinh thể và các tổn thương khác ở mắt.

Nguồn: VGP

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/viet-nam-dat-nhieu-ket-qua-noi-bat-trong-bao-ve-tang-ozone-179220915150654385.htm