“Viễn ca” - cùng Nguyễn Tiến Thanh đi về phía mặt trời
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh vừa xuất bản tập thơ mới mang tên “Viễn ca” (Nxb Văn học, 2024). Có rất nhiều người tò mò lẫn ngạc nhiên khi vị Chủ tịch Nhà Xuất bản Giáo dục ra mắt tập thơ mới.
Ra mắt tập thơ "Viễn ca" của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh
Sau hơn 20 năm vắng bóng trên thơ đàn, chỉ với “Loạn bút hành” và “Chiều không tên như vết mực giữa đời”, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh đã khiến người hâm mộ thơ ngạc nhiên. Và hôm nay, anh ra mắt tập thơ thứ 3 của mình.
Sáng 28/8 tại Hà Nội, sự kiện ra mắt tập thơ "Viễn ca" của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh được tổ chức tại Nhà hát VOV, 58 Quán Sứ.
Tại sự kiện, MC Nhà thơ Đỗ Anh Vũ và Nhà thơ Liễu Mai đã chia sẻ nhiều nhận xét thú vị về Nguyễn Tiến Thanh khiến đông đảo các bạn sinh viên và những người lần đầu tiên được gặp nhà thơ thấy rõ hơn về một "chàng lãng tử" Văn khoa của Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), đến một vị Tổng biên tập, và bây giờ là vị Chủ tịch đầy trọng trách của Nhà xuất bản Giáo dục.
Đứng trên sân khấu, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh xúc động vì được trở lại sau 25 năm "bỏ trường, bỏ dạy học, đi làm báo": "25 làm báo thì tôi không làm thơ, bỏ một mạch, 2 tập thơ đã xuất bản tôi sáng tác trong khoảng 7 năm và sau đó là gác bút. Còn "Viễn ca" là một chặng hành trình trở lại. Trên con đường đi của mỗi người đều có những dấu mốc, những ký ức, kỷ niệm, tình cảm đã gợi cho tôi nhiều cảm xúc mạnh mẽ; sức vẫy gọi, sự liên tưởng... đã giúp tôi để "Viễn ca" ra đời là sau khoảng 4-5 năm tích lũy gần đây.
Sự kiện ra mắt tập thơ có những người thầy giáo đáng kính của nhà thơ tham dự. PGS.TS Phạm Quang Long chia sẻ: Thơ với hiểu biết hữu hạn của tôi như một màn tối, nhưng tôi yêu chàng sinh viên này ngay từ lần đầu được đọc bài văn của anh khi còn là sinh viên Văn khoa năm thứ nhất. Tôi đã thấy được một nhân tài văn chương cứ thế dần thoát xác. Thơ của Nguyễn Tiến Thanh vượt ra khỏi những khuôn mẫu thời đó".
Ký ức thời hoa niên
Khoa Văn Đại học Tổng hợp những năm 1980 là tập hợp của nhiều chàng trai, cô gái sôi nổi và mơ mộng. Được sống trong thờ ấy, chàng sinh viên Nguyễn Tiến Thanh cũng hào hứng và sôi nổi, mơ mộng. Nhớ lại thời thanh xuân, từ kí túc xá Mễ Trì với hàng xà cừ dày lá, những tán rũ bằng lăng tím biếc, đến những ánh mắt thiếu nữ, một mái tóc mây, một mắt nhìn trong veo, một cảm xúc man mát khi chiều tà..., tất cả đã "sống" và luôn cựa mình, luôn khao khát trong thơ của Tiến Thanh. Nguyễn Tiến Thanh từng nói, thời đó anh và bạn bè sống và yêu cuộc đời đến mức "đôi khi vĩ cuồng một cách ngây thơ".
Một người bạn đã chia sẻ "cái buồn trong thơ của Thanh chỉ để làm điệu" thì đúng là không có "cái điệu" ấy, chàng thi sỹ chắc sẽ không gieo được những vần thơ đẹp đến vậy. Chính tác giả cũng chia sẻ: Không có nhà thơ nào không gửi gắm nỗi niềm trong thơ, nỗi buồn không phải khóc lóc, nhưng nỗi buồn là sự chiêm nghiệm đủ sâu, đủ rộng, đủ dài để ta nương trong đó nói hộ tâm sự thế trần.
Nhà thơ Tiến Thanh đọc thơ tại sự kiện ra mắt.
Viết nhiều, đọc nhiều, học nhiều, đi nhiều... thời hoa niên của Tiến Thanh là đi theo bậc đàn anh như anh Nguyễn Quang Thiều đọc thơ. "Thời đó với tôi vừa tinh khôi, sáng tạo và liều lĩnh của tuổi trẻ" - Tiến Thanh chia sẻ.
Ký ức thời hoa niên cũng giúp nhà thơ ngoài tiếc nuối, còn là những năm tháng tích luỹ, sáng tạo được nhiều hơn cả. Anh tâm sự: "Thời sinh viên ấy với tôi 5 năm đó tôi đã làm được nhiều việc hơn 30 năm sau đó". Bởi với nhà thơ, đó chính là những năm tháng của tuổi trẻ, tươi đẹp và trong trẻo. Nhiệt huyết và những xúc cảm mạnh mẽ đã thôi thúc anh làm, đi và sáng tác theo đúng bản năng, tình yêu trong anh.
"Viễn ca" - Một sự thoát xác
Nhà thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhận xét: Thơ Nguyễn Tiến Thanh đẹp như chạy trên cánh đồng mênh mông, thế rồi mất hút, để rồi nhiều năm sau len lỏi qua những vách núi, những cánh rừng, những hang động, để hôm nay xuất hiện với hình ảnh vẫn thế nhưng chất thơ lại mới. Nó như cây trầm vẫn lá ấy, cành ấy nhưng chất trầm bên trong đã tích tụ và tỏa hương. PGS.TS Phạm Quang Long thì đã nhận xét "Chất trầm trong thơ Nguyễn Tiến Thanh đã toả hương".
Thoát xác. Đó là cụm từ miêu tả chính xác sự trở lại lần này của Nguyễn Tiến Thanh để người mến mộ chờ đợi.
Những ngày tháng yên ắng của đại dịch COVID-19 đã khiến tất cả như dừng chậm lại. Đây cũng là khoảng thời gian, Nguyễn Tiến Thanh được trở lại với niềm say mê của mình. Với cây đàn guitar, anh có thể hát lên giai điệu, ca từ, áng thơ đẹp.
"Lá rụng xuống sân trường năm 88
Ta hai mươi rụng dưới mắt em nhìn
Ừ có thể lá như ta - đồng phạm
Mượn gió mùa gây xước tim em"
Đây là trích đoạn một áng thơ mới của Nguyễn Tiến Thanh, với thế mạnh thơ 8 chữ, những vần thơ được Tiến Thanh gieo vừa nồng nàn, lả lơi, lại vừa tinh ngịch và hiện đại. Những từ ngữ vừa quen vừa lạ như: tuyệt tình cốc, đồng phạm, trái cấm, phục sinh, công tắc điện, đóng đinh, GDP, giấy đi đường... cũng được anh đưa vào thơ!
Nhà thơ, tiến sĩ Đỗ Anh Vũ nhận xét: Thơ anh Tiến Thanh làm tôi yêu ngay từ lần đầu đọc trên báo tường kí túc xá. Tôi ghi chép, thậm chí học thuộc vì lời lẽ rất hay, giá trị. Không chỉ thơ 8 chữ, thơ 5 chữ, lục bát, thơ vần... của anh cũng "đắt giá".
Nguyễn Tiến Thanh không chỉ sống trong con người thơ ca, một nhà báo sắc sảo, tỉnh táo, một nhà quản lý gắn với thế sự nhưng anh luôn giữ cân bằng, bảo đảm sự tương trợ giữa hai thái cực. Và thơ anh cũng vậy, có những ngôn từ vừa cũ vừa mới, vừa khó vừa dễ, vừa có nhạc điệu, nhịp điệu, thể điệu nghiêm ngắn, lại vừa có nét tinh nghịch, hiện đại, phá cách như cách dùng các ngôn từ thuộc về thế giới Faceboook, hoặc dùng tiếng Anh để gieo vần.
Video Nhà thơ Tiến Thanh với bài thơ Guitar.
Khi sự lãng mạn được "triết lí hóa"
“Viễn ca” của Nguyễn Tiến Thanh gồm 39 bài thơ được anh viết ở giai đoạn gần đây nhất, một nét tiếp nối nhưng rất mới so với với hai tập thơ “Loạn bút hành” và “Chiều không tên như vết mực giữa đời” trước đây.
Cầm tập thơ "Viễn ca" của Nguyễn Tiến Thanh trên tay, tôi có cảm giác như được tìm về một quá khứ đẹp của những phong trào thơ ca, văn học lãng mạn những năm cuối thế kỷ 20. Cũng là sinh viên Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), tôi hiểu và biết rõ những tài năng của các anh chị sinh viên Khoa Văn - Đại học Tổng hợp. Đây là một thế hệ vàng của làng văn thơ Việt Nam thời đổi mới. Tôi không có gì hơn là "ngả mũ" kính trọng những tài năng ấy. Và chính tôi bây giờ, đang được ngắm nhìn, được nghe, được cảm nhận một trong số những tài năng mà chúng tôi luôn coi là "thần tượng": Nguyễn Tiến Thanh và "Viễn ca" của mình.
Xin trích những câu thơ được anh đăng mới nhất trên facebook cá nhân:
"Ta đi rời rã cánh đồng
Lúa chưa thiếu phụ đã đòng đòng thơm
- Xin dừng chân trước chiều hôm
Thắp hoàng hôn suốt một cơn say dài…"
(Viễn ca)
Nguyễn Tiến Thanh là một trong những người "ném phao cứu sinh" cho phong trào thơ Việt như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nói: "Thơ ca chưa bao giờ chết và sẽ không bao giờ, vì còn có nhiều chiếc 'phao cứu sinh' là Tiến Thanh đây".
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Anh sinh năm 1968, có hơn 20 năm làm công tác quản lý tại cơ quan báo chí. Anh đã trải qua các vị trí: Phóng viên báo Thanh Niên; Phó Ban biên tập báo Thanh Niên; Phó Tổng biên tập báo Gia đình và xã hội; Phó Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật; Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật; Tổng biên tập tạp chí Đời sống và Pháp luật.
“Viễn ca” của Nguyễn Tiến Thanh gồm 39 bài thơ, không có bài nào quá dài, đọc đủ vừa vặn để cảm nhận tình yêu, thổn thức, chiêm nghiệm, sâu lắng và "khoẻ"... Khỏe vì thơ ngắn gọn, súc tích, khỏe vì đọc "như rap" vì cách anh dùng từ quá tinh nghịch, đủ độ mới nhưng lại kích thích trí tưởng tượng, tân cách và tươi vui.
Phải chăng, từ những gì Nguyễn Tiến Thanh gieo mầm, thế hệ kế tiếp sẽ tiếp bước "chấn hưng" văn hoá, làm sống lại văn chương và thơ ca để thế giới này trở nên tươi tốt hơn. Như thư của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã viết về "vai trò của văn chương trong đào tạo" để gửi cho các ứng viên linh mục, các nhân viên mục vụ và tất cả các Kitô hữu: "Điều tôi muốn đề cập ở đây, đó là giá trị của việc đọc tiểu thuyết và thi ca xét như một phần con đường trưởng thành cá nhân của chúng ta".
Hãy đi và cảm nhận, hãy viết và gửi trao những thông điệp yêu thương, đó là giá trị tốt đẹp mà mỗi người cầm bút muốn hướng tới. Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh đã nhóm ngọn lửa ấm, góp phần lan toả cho thế hệ kế tiếp tình yêu thi ca và vẻ đẹp của văn chương.
"Viễn ca" là một nét đa tình, đa tài, đa sự, đa nghĩ... mà Tiến Thanh đã gửi gắm, hãy cùng tìm đọc và cảm nhận!
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vien-ca-cung-nguyen-tien-thanh-di-ve-phia-mat-troi-179240827213851176.htm