Vì sao môn Ngữ văn ít đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi?
Ngoài 2 kỳ thi quy mô và tập trung là tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, môn Ngữ văn được sử dụng thi kỳ thi học sinh giỏi văn lớp 9 (huyện, tỉnh); thi học sinh giỏi lớp 12 (cấp tỉnh, quốc gia). Tại sao ở các kỳ thi, rất hiếm khi thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối môn Ngữ văn?
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm gần đây luôn có dao động trên dưới 1 triệu thí sinh dự thi. Môn Ngữ văn là môn thi bắt buộc có số lượng thí sinh đông nhất nhưng điểm 10 môn Ngữ văn chỉ chiếm một số lượng cực nhỏ. Kỳ thi năm 2023 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm chỉ có 1 thí sinh đạt điểm 10; năm 2022 có 5 thí sinh; năm 2021 có 3 thí sinh; năm 2020 có 2 thí sinh; năm 2019 không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối là 10.
Trong khi đó, các môn thi khác thường có hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng chục ngàn thí sinh đạt điểm 10 như môn Giáo dục công dân năm nay có 14.693 điểm 10; năm 2021 có 18.680 điểm 10.
Phải chăng môn Ngữ văn có những yêu cầu khắt khe trong chấm bài nên sau mỗi kỳ thi vẫn có những thí sinh hẫng hụt, tiếc nuối vì mình yêu, thích và đầu tư nhiều cho môn học nhưng vẫn không đạt được điểm 10 tuyệt đối như một số môn thi khác?
Vì sao giám khảo rất hiếm khi cho điểm 10 đối với môn Ngữ văn? Tạp chí Công dân và Khuyến học cũng nhận được nhiều thắc mắc từ độc giả là thí sinh vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp đã đầu tư nhiều thời gian và trí tuệ cho môn Ngữ văn nhưng lại không thể đạt điểm cao.
Vấn đề này có khó hiểu lắm không?
Điểm thi môn Ngữ văn năm nay có cao không?
Theo kết quả phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 18/7 vừa qua, môn Ngữ văn năm nay có 1.008.239 thí sinh tham gia dự thi. Trong đó, điểm trung bình là 6.86 điểm, điểm trung vị là 7.0 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Số thí sinh có điểm <=1 là 92 (chiếm tỷ lệ 0.009%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 73.622 (chiếm tỷ lệ 7.3%).
Nhìn vào số liệu điểm thi môn Ngữ văn có điểm trung bình khá cao, với 6.86 điểm so với 8 môn thi còn lại thì điểm môn Ngữ văn và chỉ đứng sau môn Giáo dục công dân. Điểm dưới trung bình (7.3%) cũng chỉ cao hơn môn Giáo dục công dân. Như vậy, 2 chỉ số này, môn Ngữ văn chỉ xếp sau môn Giáo dục công dân và hơn hẳn so với 7 môn thi còn lại. Thế nhưng, điểm 10 lại lép vế hoàn toàn so với các môn thi khác vì 1.008.239 thí sinh dự thi chỉ có 1 thí sinh ở Nam Định đạt điểm 10.
Tuy nhiên, môn Ngữ văn lại có đến 443 thí sinh đạt 9,75 điểm mà khoảng cách 0,25 điểm giữa 9,75 và 10 điểm chỉ là một ranh giới cực nhỏ. Thế nhưng, giám khảo của 62 tỉnh, thành còn lại không thể đặt bút thể cho điểm 10.
Những lý do cơ bản là thí sinh ít đạt điểm 10 môn Ngữ văn
Thứ nhất: từ khi thực hiện chương trình 2006 cho đến nay thì đề thi môn Ngữ văn đã hoàn toàn thay đổi khi đưa phần đọc hiểu vào đề thi. Vì thế, mỗi đề thi môn Ngữ văn hiện nay thường có câu hỏi về kiến thức của cả 3 phân môn: văn bản; tiếng Việt; tập làm văn.
Trong đó, phần nghị luận văn học của phần lớn đề thi, đề kiểm tra Ngữ văn bây giờ chỉ còn 5 điểm (chiếm 50% tổng điểm của bài thi). Chấm thi môn Ngữ văn bây giờ thường được thực hiện theo hướng dẫn chấm của người ra đề và phần điểm "sáng tạo" hiện nay chỉ còn có 0,75 điểm/ 10 điểm của bài thi. Vì vậy, học sinh có say mê như thế nào đi chăng nữa thì cũng phải có đáp án đúng, nhất là phần đọc hiểu mới đạt điểm tuyệt đối.
Thứ hai: ngoài nội dung của đoạn văn, bài văn thì trong mỗi đề, câu hỏi môn Ngữ văn luôn yêu cầu rất cao về kĩ năng làm bài. Chẳng hạn phần làm văn trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 chiếm 7,0 điểm và có 2 câu hỏi. Trong đó có 1 câu nghị luận xã hội (2,0 điểm) và 1 câu nghị luận văn học (5,0 điểm).
Câu nghị luận xã hội phần nội dung theo hướng dẫn chấm chỉ có 1,0 điểm. 1,0 điểm còn lại dành cho hình thức đoạn văn; xác định đúng vấn đề nghị luận; chính tả, ngữ pháp; sáng tạo (mỗi yêu cầu có thang điểm là 0,25).
Câu nghị luận văn học (5,0 điểm) thì có 3,5 điểm dành cho việc phân tích nội dung, nghệ thuật của đoạn trích và 1,5 điểm còn lại dành cho đảm bảo cấu trúc bài văn; xác định đúng vấn đề nghị luận; chính tả, ngữ pháp; sáng tạo.
Chính vì thế, học sinh nếu không tiếp cận được vấn đề nghị luận, không nắm chắc được kĩ năng, các bước làm bài thì sẽ rất khó đạt điểm tuyệt đối. Những yêu cầu này được giám khảo tuyển sinh 10 chấm chặt hơn giám khảo chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vì yêu cầu khắt khe hơn để tuyển lựa đầu vào.
Vì vậy, khi chấm thi môn Ngữ văn, giám khảo sẽ căn vào hướng dẫn chấm và bài thực tế của thí sinh. Phần nào có thì cộng điểm, phần nào không có thì trừ điểm mà bài thi của thí sinh thường rất khó đạt trọn các ý, các phần để lấy điểm tuyệt đối.
Thứ ba: lâu nay không chỉ thầy cô mà ngay cả dư luận xã hội khá khắt khe với những điểm 10 môn Ngữ văn. Kỳ thi nào có điểm 10 Ngữ văn thì thí sinh đạt điểm tuyệt đối cũng được "chăm sóc" khá kĩ và nhiều khi lại gây ra những ý kiến trái chiều cho thí sinh và ngay cả với hội đồng chấm thi. Vì thế, kỳ thi năm nay có tới 443 thí sinh đạt 9,75 điểm nhưng chỉ có 1 điểm 10 môn Ngữ văn cũng là điều dễ lý giải.
Không chỉ điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiếm hoi mà ngay cả những kỳ thi học sinh giỏi đối với môn Ngữ văn càng hiếm điểm tuyệt đối vì rất nhiều yêu cầu có phần khắt khe trong quá trình chấm bài, áp lực của xã hội dành cho cả người thi, người chấm. Hơn nữa, đối với một bài văn thì ngoài cảm xúc, tình yêu đối với môn học của thí sinh thì kĩ năng làm bài cũng chiếm một phần đáng kể về điểm số trong mỗi bài thi. Vì vậy, bài thi môn Ngữ văn không chỉ trước đây, bây giờ và những năm tiếp theo vẫn sẽ rất hiếm thí sinh đạt được điểm 10.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vi-sao-mon-ngu-van-it-dat-diem-tuyet-doi-trong-cac-ky-thi-179230721101637357.htm