Vì sao giáo viên lớp 9 không mặn mà với công tác tư vấn phân luồng tuyển sinh vào lớp 10?
Nhìn vào các bảng điểm kỳ thi vào lớp 10 hiện nay, rất dễ thấy sự thất bại của công tác hướng nghiệp từ sớm mà ngành giáo dục theo đuổi. Ngay cả việc học tích hợp cũng phục vụ hướng nghiệp và các loại hình giáo dục "9+" cũng đang thực sự gặp thách thức.
Nhìn bảng điểm khá nhiều học sinh dự thi vào 10 mà cả 3 môn thi chỉ đạt mỗi môn 1 hoặc 2 điểm, thậm chí có những em chỉ đạt 0 đến 0.25 điểm. Nhiều người thắc mắc: "Những học sinh có lực học yếu kém thế này, sao không đi học nghề? Nếu có vào được lớp 10 cũng khó có đủ lực để theo học".
Một số giáo viên lớp 9 đã thẳng thắn chia sẻ: "Công tác tư vấn để phân luồng học sinh theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất dễ bị một số phụ huynh hiểu nhầm (thậm chí bị quy chụp) là giáo viên ép học sinh không thi vào lớp 10.
Đã có những phản ứng gay gắt khiến không ít thầy cô lâm vào tình trạng rắc rối vì "tình ngay lý gian" đến mức khó bảo vệ nổi mình. Điều này dẫn đến tình trạng giáo viên phó mặc cho học sinh, gia đình tự quyết định.
Tư vấn phân luồng không khéo "dễ mang hoạ"
Thời gian vừa qua, thông tin dư luận xã hội phản ánh, tại một số cơ sở giáo dục ở Hà Nội có hiện tượng giáo viên định hướng cho học sinh lớp 9 có kết quả học tập năm học 2022-2023 chưa cao không đăng ký tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông năm học 2023-2024.
Đã có những phụ huynh gay gắt đưa lên mạng xã hội dùng những từ ngữ khá khó nghe lên án thầy cô rằng đã ép con cái họ không được thi vào lớp 10 mà đi học nghề, không nên thi trường này mà thi trường kia để con mất cơ hội được học trường tốt…
Chuyện trở nên ồn ào khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải có văn bản gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra hiện tượng vận động học sinh không tham dự kỳ thi vào lớp 10 để xử lý.
Cô giáo L.P (giáo viên một trường trung học cơ sở tại Hà Nội) tâm sự: "Một số học sinh lớp tôi có lực học yếu, kém. Tôi đã mời học sinh, phụ huynh ấy lên nói chuyện. Trong buổi trò chuyện, tôi đã đưa nhận xét của những thầy cô giáo bộ môn, cũng đã nói thật về lực học của học sinh và tình trạng luôn xếp ở mức yếu trong lớp. Khả năng học như thế, sẽ rất khó học sinh thi đỗ vào lớp 10 hệ công lập với mức cạnh tranh khá cao như hiện nay.
Tôi đã đưa ra những lời khuyên nên chọn loại hình học tập khác phù hợp như trường dân lập, học nghề, học năng khiếu. Phụ huynh nghe không phản ứng gì nhưng ngày hôm sau đã thấy viết trên mạng xã hội rằng cô ép buộc, gây áp lực và làm khó để con không được thi vào lớp 10. Thế là, nhà trường đã phải đi xác minh để có kết luận báo cáo cấp trên", Cô giáo L.P tâm sự.
Không riêng ở Hà Nội, một số địa phương khác cũng gặp tình trạng này. Một số giáo viên chia sẻ trong nhóm dạy học sinh lớp 9: có những phụ huynh không thích nghe lời nói thật từ giáo viên nên chỉ là tư vấn, là phân tích dưới góc nhìn của giáo viên trong suốt cả quá trình học tập của học sinh nhưng vẫn dễ bị quy chụp bằng từ ép buộc, gây khó…
Giáo viên dè chừng trong công tác tư vấn để tuỳ phụ huynh quyết định
Bị phụ huynh phản ứng, quy chụp nên nhiều thầy cô giáo có tâm lý e ngại dẫn đến việc phân luồng học sinh chưa đạt hiệu quả. Năm học nào cũng vậy, cứ vào cuối năm học một số trường nghề từ địa phương đến trung ương đều về các trường trung học cơ sở để tư vấn tuyển sinh. Tuy nhiên, số lượng học sinh đăng ký tham gia học nghề khá ít, thậm chí có trường không có học sinh nào.
Nguyên nhân được xác định, học sinh chưa hiểu nhiều về loại hình giáo dục dạy nghề và vừa học vừa làm. Phụ huynh cũng không được tiếp cận thông tin cụ thể, chưa hiểu và nắm rõ lực học thực chất của con ở trường (mà chủ yếu chỉ nhìn thông qua điểm số).
Phân luồng tốt - lợi ích cho học sinh, phụ huynh và công tác hướng nghiệp
Nếu ngay từ bậc trung học cơ sở, nhà trường thực hiện tốt việc phân luồng giáo dục sẽ mang đến khá nhiều lợi ích cho học sinh và cho cả xã hội.
Đầu tiên, học sinh sẽ được lợi ích kép. Ngoài việc có bằng chuyên môn để đi làm ngay thì có ngay tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Cơ hội kiếm việc làm cao vì thị trường lao động đang thiếu những công nhân có trình độ, được đào tạo bài bản. Có những học sinh, dù chưa ra trường đã được một số công ty, nhà máy đặt hàng tuyển dụng. Các em sẽ có thu nhập ngay cho bản thân khi còn quá sớm (tiết kiệm được thời gian khá dài so với những bạn cùng trang lứa cố theo học trung học xong mới đi học nghề) và đã có thể giúp đỡ được gia đình trong điều kiện khó khăn.
Thực hiện phân luồng tốt, xã hội cũng sẽ có "thợ nhiều thầy ít", mỗi ngày sẽ ít dần đi tình trạng sinh viên ra trường bị thất nghiệp, năng lực yếu hoặc làm không đúng sở trường. Thay vào đó, sẽ có được đội ngũ lao động lành nghề mang đến hiệu quả sản suất cao, đạt chất lượng tốt.