Vì sao đội ngũ giáo viên không muốn dự giờ, dạy thao giảng
Việc nhiều giờ thao giảng thiên về “diễn”, cả thầy và trò đã chuẩn bị trước bài học rất kĩ lưỡng từ trước là một trong những lý do đội ngũ giáo viên không hào hứng với giờ thao giảng.
Vì sao giáo viên vẫn phải dự giờ, dạy thao giảng?
Thế nhưng, hiện nay hầu hết các nhà trường phổ thông đều yêu cầu giáo viên phải dự giờ, dạy thao giảng theo nội quy của từng đơn vị. Chẳng hạn, có trường yêu cầu giáo viên phải tham gia dự giờ 4 tiết/học kì, dạy thao giảng 2 tiết/năm học.
Việc giáo viên vẫn phải dự giờ, dạy thao giảng được cho là do quy định nằm rải rác ở một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Ví dụ, Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH (năm 2024) về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng.
Theo đó, Công văn này quy định nội dung sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, gồm: 1) Xây dựng chuyên đề dạy học; 2) Biên soạn câu hỏi/bài tập; 3) Thiết kế tiến trình dạy học; 4) Tổ chức dạy học và dự giờ; 5) Phân tích, rút kinh nghiệm bài học.
Hay, Phụ lục 5 Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH năm 2020 có Mẫu phiếu đánh giá bài dạy gồm các nội dung: 1) Kế hoạch bài dạy (giáo án); 2) Hoạt động của giáo viên; 3) Hoạt động của học sinh. Các nội dung được cụ thể hoá bằng 12 tiêu chí cụ thể cùng với mức điểm đánh giá tương ứng.
Ngoài ra, giáo viên tập sự vẫn phải dự giờ, dạy thao giảng một số tiết để giáo viên hướng dẫn đánh giá, ghi hồ sơ theo quy định. Hồ sơ này là cơ sở để cơ quan quản lí giáo dục (Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo) đánh giá giáo viên tập sự có đủ điều kiện để tiếp tục giảng dạy hay không.
Những điều nên tránh khi nhận xét giáo viên dạy thao giảng
Việc giáo viên dự giờ, dạy thao giảng nếu được thực hiện nghiêm túc (khác với đối phó) sẽ giúp thầy cô giáo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Giáo viên ít tuổi nghề cần phải dự giờ, dạy thao giảng nhiều để học hỏi kinh nghiệm. Giáo viên có thâm niên cũng cần phải dự giờ, dạy thao giảng nhất là khi ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy vậy, hiệu trưởng, hiệu phó và tổ trường chuyên môn cần tránh việc dự giờ bất ngờ không báo trước mà cần lên lịch sẵn. Điều này giúp người dạy được tôn trọng, cả thầy và trò đều cảm thấy tiết học nhẹ nhàng, thoải mái, hiệu quả.
Tiếp đến, người dự giờ nhận xét người dạy cũng cần phải chân thành, thẳng thắn và khéo léo thì người dạy mới học hỏi được nhiều kinh nghiệm, giúp cải thiện chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng bộ môn.
Nhìn chung, có 3 kiểu góp ý giờ dạy như sau: Thứ nhất: chân thành, thiện chí, thẳng thắn chỉ ra các ưu điểm hay nhược điểm rõ ràng và cụ thể, hướng dẫn cách khắc phục một cách có trách nhiệm; thứ hai: qua quýt, đại khái, cốt cho xong việc; thứ ba: chỉ trích, vạch lá tìm sâu, soi mói khuyết điểm…
Có thể nhận thấy, người dự góp ý theo cách 2 và 3 đều không giúp người dạy tiến bộ, trưởng thành. Thậm chí có thể gây xích mích, mâu thuẫn giữa lãnh đạo và giáo viên; giữa các giáo viên trong tổ chuyên môn với nhau.
Liên quan đến việc dự giờ, dạy thao giảng, nhiều giáo viên bày tỏ sự không đồng tình với hoạt động này vì một số lí do khác nhau. Chẳng hạn, rất nhiều giáo viên dạy thao giảng thiên về “diễn” vì cả thầy và trò đã chuẩn bị trước bài học rất kĩ lưỡng từ trước.
Tuy vậy, muốn chấm dứt hoạt động này thì ngành giáo dục cần hợp nhất các văn bản quy định về dự giờ theo tinh thần của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, đó là quy định giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông không phải dự giờ, dạy thao giảng.
Cùng với đó, việc tuyển dụng giáo viên cần được thực hiện bài bản hơn theo hướng: đánh giá tác phong sư phạm, giọng nói, khả năng giảng dạy, nghiệp vụ sư phạm thay vì yêu cầu ứng viên phải thi kiến thức chung về pháp luật viên chức.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/vi-sao-doi-ngu-giao-vien-khong-muon-du-gio-day-thao-giang-179240409095450765.htm