Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử học đạo bất tử

08:18 - 28/07/2022

Truyền thuyết về Chử Đồng Tử lấy công chúa Tiên Dung, con gái Vua Hùng thứ 3, được lưu truyền trong lịch sử như một cuộc tình duyên đẹp từ 4.000 năm trước.

Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử học đạo bất tử- Ảnh 1.

Toàn cảnh núi Nam Giới nhìn từ dãy Hồng Lĩnh.

Chuyện về Chử Đồng Tử và Tiên Dung được khái quát đầy đủ qua câu đối ở đền Đa Hòa tại Khoái Châu, Hưng Yên: Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ/ Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón  tiếp chân truyền.

Dấu tích về nơi thành đạo của Chử Đồng Tử

Trong truyền thuyết này, ngoài cuộc kỳ ngộ giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử ở bãi Tự Nhiên bên sông Hồng, còn kể tới việc Thánh Chử đã học được phép thuật ở Quỳnh Lâm. 

Truyền Đầm Nhất Dạ trong "Lĩnh Nam chích quái chép": "Đồng Tử bèn cùng lái buôn đi buôn bán. Đến núi Quỳnh Viên, trên núi có am nhỏ, bọn lái buôn thường ghé lại đó lấy uống nước. Đồng Tử lên am chơi, trong am có sư tên gọi Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử, Đồng Tử ở lại học phép, giao tiền cho lái buôn mua hàng. Sau bọn lái buôn quay lại am chở Đồng Tử trở về. Sư bèn tặng Đồng Tử một cây trượng và một chiếc nón mà nói rằng: "Linh thiêng ở những vật này đây". Đồng Tử trở về, giảng đạo lại cho Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ, liền bỏ phố phường, chợ búa cơ nghiệp, rồi cả hai đều tìm thầy học đạo".

Một trong những nơi có dấu tích rõ ràng nhất về sự kiện Chử Đồng Tử gặp sư Phật Quang là tại núi Nam Giới, nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Học giả Bùi Dương Lịch từ thế kỷ 18 trong cuốn "Nghệ An ký" chép: "Núi Nam Giới ở trên bờ biển xã Dương Luật, huyện Thạch Hà... Nơi cao nhất của núi phía Đông Bắc như trán Rồng. Liền ở dưới có một dải sống núi như mũi Rồng. Hai bên tả hữu có hai hòn đá tròn như hình mắt Rồng. Dưới mũi đột ngột nổi lên một ngọn núi tròn giống như đầu mũi Rồng. Dưới đầu mũi có một ao trời rộng độ vài mẫu như miệng Rồng, sâu thăm thẳm. 

Bốn bên ao nước cỏ lầy lội không thể vào được. Hai bên ao có hai ngọn nhánh ôm lại như râu Rồng. Nước ao chảy quanh co trong đó ra phía Bắc ra biển rồi đổ xuống... Trên bờ ao có hai nền nhà. Tục truyền vào thời Hùng Vương, Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung tu đạo ở đấy, gọi là núi Quỳnh Viên".

Bùi Dương Lịch cũng trích bài văn của sách "Ốc lậu thoại" nói về suối Hiêu Hiêu ở núi Nam Giới rằng: "Suối này ở cõi Nam phục, núi Nam Giới, huyện Thạch Hà. Đời truyền thời Hùng Vương, Chử Đồng Tử và Tiên Dung đắc đạo ở đây. Hiện nay trên đỉnh núi có một cái Ao tắm, trên bờ cao có hai cái nền nhà…".

Trên đỉnh của núi Nam Giới ở Thạch Hà hiện nay vẫn còn một bàn cờ tiên bằng đá trên mặt có kẻ ngang dọc hình bàn cờ, một tảng đá lớn tục gọi là Dấu chân tiên và một khu ao rộng, nước từ ao chảy xuống thành con suối Hiêu Hiêu (Hau Hau). Đây là dấu tích thần tiên nơi Chử Đồng Tử đã đắc đạo bên bờ biển miền Trung.

Sau khi tu hành thành đạo ở Quỳnh Lâm, Chử Đồng Tử nhận được cây gậy thần và chiếc nón thiêng, có phép thuật vô cùng, tham dự vào Âm Dương, có khả năng cải tử hoàn sinh. Chử Đồng Tử được tôn là Chử Đạo Tổ, là một trong những vị tổ của Đạo Giáo ở nước ta. 

Hình ảnh của bàn cờ tiên cũng là thuật Âm Dương vì cờ là "dịch kỳ", là dịch lý, tức là quy luật biến hóa của trời đất. Chính nhờ có phép thuật này mà Chử Đồng Tử được coi là vị thần bất tử thứ hai trong bộ Tứ bất tử nước Nam.

Hình ảnh bàn cờ tiên còn được thể hiện qua bức chạm gỗ tiên đánh cờ trước núi Quỳnh Viên ở đền Chiêu Trưng hay đền thờ Vũ Mục công Lê Khôi tại chân núi Nam Giới. Cũng tại đây còn lưu truyền một bài thơ của một nhà giáo người Hà Tĩnh từ những năm 1930 về danh thắng Quỳnh Viên:

Ngàn dặm quan sơn một bước trèo

Gập ghềnh hòn đá ngó cheo leo

Mây bay rải rác màu đen bạc

Suối chảy ồn ào giọng hóc heo,

Sự nghiệp Chiêu Trưng bia đá tạc

Ván cờ Đồng Tử đã phong rêu,

Ai lên ướm hỏi người tiên tử

Núi có tình chi đội mão kiều.

Ván cờ Đồng Tử tuy đã phong rêu, đường lên đỉnh núi Nam Giới đã bị cây cỏ che lấp, nhưng ngọn núi Nam Giới đội mũ mây bên Cửa Sót còn đó. Con suối Hiêu Hiêu vẫn chảy từ Ao Trời trên đỉnh núi với dòng nước ngọt lành còn đó. Những dấu tích về nơi thành đạo của Chử Đạo Tổ như vẫn còn sống động qua 4.000 năm lịch sử.

Vùng tiên cảnh cổ thuyết Quỳnh Viên

Ở chân núi Nam Giới nay còn dấu vết về nơi Chử Đồng Tử gặp Tiên Phật. Đó là ngôi đền cổ thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Bên trong đền vẫn giữ được bộ tượng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu bằng gỗ cổ và đẹp lạ. Trong đền có 2 tấm biển rước đề "Đệ Nhất", "Thánh Mẫu".  Cũng tại nơi này, ngày nay người ta đã cho lập chùa Quỳnh Viên và lưu truyền là nơi tu hành của vị sư Phật Quang trong truyền thuyết Chử Đồng Tử.

Tấm hoành phi ở chính điện đền Thánh Mẫu ghi "Quỳnh Liễu cung". Quỳnh Liễu tương đương với Quỳnh Lâm hay Quỳnh Viên. Như thế, vị trí Quỳnh Lâm nơi Chử Đồng Tử gặp sư Phật Quang chính là nơi núi Nam Giới Quỳnh Viên. Vị sư thầy mà Chử Đồng Tử đã gặp liên quan trực tiếp đến Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Cặp câu đối trước đền Thánh mẫu đề: Thiên thánh chủ hồ Bồng, vườn Lãng/ Địa thần tiên biển Rót, núi Quỳnh.

Chữ "rót" nghĩa rót nước (ra biển) nay đọc thành Sót, chỉ con sông đổ ra biển. Khu cửa sông ở đây nay gọi là Cửa Sót bên cạnh núi Quỳnh Sơn.

Vị Tiên Phật mà Chử Đồng Tử đã gặp chính là Mẫu Liễu, người được gọi là "Đệ Nhất Thiên Tiên Thánh mẫu". Theo các sắc phong xưa Mẫu Liễu còn được phong là "Đế Thích Tiên đình", tức là vị Tiên theo dòng Đế Thích. Theo truyền thuyết Mẫu Liễu vừa là Tiên, vừa là Phật, đã nhiều lần giáng sinh hạ giới và cũng là một trong những vị thần bất tử nước Nam. Lần "giáng sinh" đầu tiên của vị Đế Thích Tiên này không phải ở thời Lê, mà ở thời kỳ Hùng Vương tại Cửa Sót Nam Giới.

Bản thân Vua Trời Đế Thích cũng là thần bất tử và giỏi về dịch kỳ (đánh cờ) như trong chuyện hoàn hồn cho kỳ thủ Trương Ba theo sự tích "Hồn Trương Ba da hàng thịt". Đế Thích được người Việt tôn là Ngọc Hoàng Thượng Đế, là vị thần được thờ phổ biến trong các điện thờ Phật. Ngay tại chùa Quỳnh Viên ngày nay cũng có tượng cổ thờ Ngọc Hoàng.

Núi Nam Giới Quỳnh Viên ở Hà Tĩnh còn đủ các vết tích Bàn cờ tiên, Ao trời trên đỉnh núi, đền thờ Đế Thích Tiên Quỳnh Liễu cung ở lưng núi và sự tích lưu truyền về ván cờ Đồng Tử ở đền Chiêu Trưng. Tất cả là chứng tích cho một vùng tiên cảnh cổ thuyết Quỳnh Viên.

Bài thơ của vua Lê Thánh Tông ngự đề trên bia đá ở đền Chiêu Trưng tại chân núi Nam Giới ghi lại cảm nhận của vị Hoàng đề nước Việt trước cảnh thần tiên như cửa Trời Thượng Đế của danh thắng Quỳnh Sơn:

Quỳnh Viên chuyện cũ lưu tên núi

Vũ Mục đền nay trải mấy đời

Giang hồ bỗng tỉnh ra điều mộng

Tưởng đã cưỡi bè tới cửa Trời.

Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử học đạo bất tử- Ảnh 3.

Vũng Rồng ở chân núi Nam Giới, nơi có đền Thánh mẫu và đền Chiêu Trưng.

Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử học đạo bất tử- Ảnh 4.

Bức chạm Tiên đánh cờ trước núi Quỳnh Viên của đền Chiêu Trưng.

Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử học đạo bất tử- Ảnh 5.

Hoành phi "Quỳnh Liễu cung" của đền Thánh mẫu Cửa Sót.

Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử học đạo bất tử- Ảnh 6.

Tam Tòa Thánh mẫu ở Quỳnh Liễu cung.

Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử học đạo bất tử- Ảnh 7.

Tấm bia có khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông về Quỳnh Viên ở đền Chiêu Trưng.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/van-canh-quynh-vien-noi-chu-dong-tu-hoc-dao-bat-tu-179220727152402541.htm