Tuyển sinh ngành Y bằng môn Ngữ văn: Liệu Ngữ văn có quyết định y đức?
Việc 4 trường đại học tư thục tuyển sinh ngành Y bằng môn Ngữ văn đang nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Liệu môn Ngữ văn có thực sự cần thiết cho tuyển sinh khối ngành sức khỏe?
Sinh viên nghĩ gì về tuyển sinh ngành Y bằng môn Ngữ văn?
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, Hoàng Thị Kiều Trang - sinh viên Đại học Y Thái Bình cho biết: “Tôi nghĩ môn Ngữ văn sẽ hỗ trợ phần nào cho kỹ năng viết, kỹ năng thuyết trình, phục vụ cho việc khai thác thông tin tiền sử bệnh của bệnh nhân, hoặc viết báo cáo khoa học. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần mà không phải điều kiện tiên quyết”.
Nếu nhìn theo khía cạnh khác, sử dụng môn Ngữ văn để tuyển sinh đại học khối ngành sức khỏe, nhằm mục đích chọn lựa những học sinh có khả năng thấu cảm, đây có lẽ là điều không hợp lý. Bởi khả năng thấu cảm chủ yếu phụ thuộc vào tính cách, nền tảng giáo dục đạo đức và cách nhận thức của mỗi người.
Không thể đánh đồng việc viết văn giỏi với việc có thể dễ dàng cảm thông với bệnh nhân. Hoặc mặc định thí sinh đạt điểm cao môn Ngữ văn là đồng nghĩa với việc thí sinh đó là người có tâm có đức với nghề y.
“Theo ý kiến cá nhân, tôi nghĩ rằng, bác sĩ cần có tư duy phản biện, khả năng suy luận, phân tích giải quyết vấn đề, khả năng tự học và đặc biệt là sự chăm chỉ, yêu nghề. Chỉ cần yêu và nghiêm túc với nghề thì dù khó đến mấy, sinh viên cũng có thể kiên trì theo đuổi và sớm thích nghi với yêu cầu của ngành.
Còn sự thấu cảm, tôi nghĩ điều đó sẽ tự xuất hiện trong qua quá trình học tập nghiêm túc và thời gian dài tiếp xúc với bệnh nhân, khi chứng kiến những đau đớn, vất vả, lo lắng của họ. Điều đó không xuất phát từ việc giỏi một môn học nào cả, giỏi môn học là nhờ tư duy, còn thấu hiểu là nhờ vốn sống và lòng trắc ẩn của mỗi người, giống như bộ óc và trái tim vậy”, Kiều Trang chia sẻ.
Đánh giá y đức, nên sử dụng môn Giáo dục công dân hay Ngữ văn?
Trao đổi với Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II Phan Thái Hảo, Trưởng Văn phòng khoa Y, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết: "Việc đưa môn Ngữ văn vào một tổ hợp để xét tuyển khối ngành sức khỏe là điều không cần thiết. Khi lựa chọn sử dụng các môn khoa học tự nhiên như Toán, Vật lí, Hóa học hay Sinh học để tuyển sinh, các trường đào tạo khối ngành sức khỏe đều có sự cân nhắc rất lớn”.
Môn Toán thể hiện sự tư duy logic, kỹ năng xử lý vấn đề, tương tự với việc các bác sĩ phải biết phân tích để đưa ra đánh giá, tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Môn Vật lí cũng là rất cần thiết. Lấy ví dụ trong lĩnh vực nhãn khoa, đôi mắt cũng giống như một thấu kính.
Hay trong cơ thể con người luôn diễn ra những phản ứng đặc biệt, nên môn Hóa là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, môn Sinh học có kiến thức gần với các môn khoa học sức khỏe nhất trong tất cả các môn khoa học tự nhiên. Bởi học sinh được học về cấu tạo cơ thể, các cơ quan nội tạng của thực vật, động vật và thậm chí là con người.
Những môn học này có thể được coi là nền tảng, liên kết mật thiết với các môn học trong chương trình đào tạo mà sinh viên khối ngành sức khỏe phải vượt qua. Vậy nên, việc rút một môn học nào đó ra khỏi tổ hợp xét tuyển truyền thống để nhường chỗ cho môn Ngữ văn cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Tiến sĩ Phan Thái Hảo nhận xét, “các trường có thể lý giải nguyên nhân sử dụng tổ hợp có môn khoa học xã hội như Ngữ văn để xét tuyển là kỳ vọng sinh viên có khả năng giao tiếp, thuyết trình, sự đồng cảm để tương lai trở thành nhân viên y tế có tâm, có đức với bệnh nhân và với nghề. Nhưng theo tôi đây là điều không thực sự cần thiết”.
Bởi đạt điểm cao môn Ngữ văn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ôn tập tốt, hoặc có trường hợp “trúng tủ”. Việc học sinh học tốt môn Ngữ văn không phản ánh học sinh đó là người có sự thấu hiểu, đồng cảm, với bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân. Nói cách khác, điểm thi môn Ngữ văn không tương quan với lòng nhân ái, thái độ tôn trọng người khác hay kỹ năng giao tiếp của một người nào đó.
“Nếu đưa môn Ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển, điều đó cũng đồng nghĩa ngoài Ngữ văn, các trường có thể sử dụng một môn học khác trong tổ hợp khoa học xã hội để tuyển sinh, đơn cử như môn Giáo dục công dân. Bởi môn học này cũng liên quan đến đạo đức, y đức trong khối ngành sức khỏe.
Hơn thế nữa, việc một nhân viên y tế có tài, có đức còn có thể rèn luyện trong quá trình học tập và làm nghề. Các trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe có những môn học như Khoa học hành vi, trong đó môn Y đức, sinh viên phải nắm chắc 12 điều trong lời tuyên thệ của “ông tổ” nghề Y Hippocrates. Vì vậy, việc chọn lọc một học sinh có y đức ngay từ vòng tuyển sinh là điều chưa thực sự cần thiết”, Tiến sĩ Phan Thái Hảo nhấn mạnh.
Nên chăng thay vì xét tuyển bằng tổ hợp “lạ”, các trường đại học có thể sử dụng những công cụ đo lường khác như điểm học bạ của các môn khoa học xã hội, nhận xét từ thầy cô trực tiếp giảng dạy học sinh tại các trường trung học phổ thông, những dự án xã hội mà thí sinh đã thực hiện, hoặc thậm chí là tổ chức vòng phỏng vấn để làm điều kiện bổ sung, cộng điểm cho thí sinh có mong muốn thi vào ngành Y, Dược?
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tuyen-sinh-nganh-y-bang-mon-ngu-van-lieu-ngu-van-co-quyet-dinh-y-duc-179230524175925217.htm