Tuyển sinh đại học 2023: Không chỉ trông chờ vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Không chỉ xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều học sinh còn đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tăng cơ hội trúng tuyển.
Chọn phương thức xét tuyển phù hợp để chắc "tấm vé" vào đại học
Chia sẻ với Tạp chí Công dân và Khuyến học, Nguyễn Việt Thảo - học sinh Trường Trung học phổ thông Hồng Thái cho biết, em dự định đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Để chắc trúng tuyển, Việt Thảo cũng đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
"Em thích ngành Kỹ thuật. Những năm gần đây điểm chuẩn của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội biến động không nhiều nên đây là sự lựa chọn an toàn, phù hợp đối với em", nam sinh cho hay.
Việt Thảo cho rằng, việc các trường đại học công bố sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sẽ giúp thí sinh tăng cơ hội đỗ đại học. Tuy nhiên, nam sinh thừa nhận bản thân cũng khá hoang mang, khó lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp với năng lực và sở trường.
"Em phải dành nhiều thời gian tham khảo thông tin tuyển sinh của trường cũng như thông tin của các kỳ thi riêng sau đó phân tích, chọn ra phương thức thích hợp với bản thân nhất để lên kế hoạch ôn tập khoa học, dài hơi hơn", Việt Thảo nói.
Nam sinh dự định đăng ký tham gia hai đợt thi đánh giá tư duy. Đợt 1, em làm quen với không khí phòng thi và hình thức thi, sau đó sẽ dốc sức ôn luyện, lấy kết quả từ đợt thi thứ 2.
Đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ thi đánh giá năng lực
Theo xu thế chung, Em Nguyễn Thị Hồng Nhung - Học sinh Trường Trung học phổ thông Hoài Đức B cũng xét tuyển đại học bằng hai phương thức, gồm kết quả thi đánh giá năng lực và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Mục tiêu của Hồng Nhung là trúng tuyển vào ngành Marketing, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
"Năm nay, các trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, em cũng có nhiều sự lựa chọn để vào đại học, nhưng em khá áp lực vì ngoài thời gian ôn thi tốt nghiệp, em còn phải chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi đánh giá năng lực.
Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, em phải làm bài thi môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Để thi đánh giá năng lực, ngoài 5 môn thi tốt nghiệp, em cần ôn thêm Lịch sử, Địa lí", Hồng Nhung chia sẻ.
Không chỉ trông cậy vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Lê Hà Dương - học sinh Trường Trung học phổ thông Tùng Thiện đã tìm hiểu rất kỹ về kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Nữ sinh cho biết, khi mới vào cấp 3, em vẫn chọn xét đại học bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tuy nhiên, đến năm lớp 11, các kỳ thi riêng ngày càng phổ biến nên Hà Dương đã chuyển hướng, cố gắng học đều tất cả các môn để có thể thi đánh giá năng lực, tăng tỉ lệ đỗ đại học.
"Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 8 đợt thi, từ tháng 3 đến tháng 6 nhưng em tham gia một đợt duy nhất vào tháng 5. Em muốn ôn chắc một đợt để thi đạt kết quả tốt.
Vì chỉ sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tốt nghiệp nên em đặt rất nhiều kỳ vọng vào kỳ thi đánh giá năng lực", nữ sinh cho hay.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022 như vẫn còn một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn các trường rà soát, loại bỏ phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.