Tự chọn hay bắt buộc học môn Lịch sử ở bậc trung học phổ thông: Những góc nhìn trái ngược
Khi bắt đầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trên thực tế, việc đưa Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc học trung học phổ thông đang làm dấy lên những luồng ý kiến trái chiều: Ủng hộ và không ủng hộ.
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được thông qua, giáo dục được phân chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản chín năm (từ lớp 1 đến lớp 9); giai đoạn định hướng nghề nghiệp ba năm (từ lớp 10 đến lớp 12).
Chương trình môn học Lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản và là môn lựa chọn trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, được thiết kế theo hướng chuyên sâu. Theo đó, từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu học chương trình phổ thông mới với bảy môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương. Ba nhóm môn học để chọn năm môn gồm: nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Tuy nhiên, khi bắt đầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trên thực tế thì việc đưa Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc học trung học phổ thông đang làm dấy lên những luồng ý kiến trái chiều: ủng hộ và không ủng hộ.
Ủng hộ việc đưa Lịch sử là môn học tự chọn tại bậc trung học phổ thông
Luồng quan điểm ủng hộ việc để Lịch sử là môn học tự chọn ở cấp trung học phổ thông đưa ra nhiều luận giải:
Thứ nhất, trong chín năm phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 9), học sinh đã hoàn thành nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có nội dung môn lịch sử.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giải thích: Theo thiết kế Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sau khi học xong chín năm phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 9), học sinh đã hoàn thành nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có nội dung môn Lịch sử, đảm bảo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực cốt lõi. Cấp trung học phổ thông được thiết kế theo hướng phân hóa, định hướng nghề nghiệp. Chương trình Lịch sử ở cấp học này là nội dung chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai. Vì thế môn Lịch sử nằm trong nhóm môn học lựa chọn.
Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội Nguyễn Xuân Khang cho rằng, việc thiết kế Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với hai giai đoạn giáo dục căn bản (tiểu học, trung học cơ sở) và giáo dục phân hóa, định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông) là hợp lý và phù hợp xu thế thế giới. Với những học sinh tiếp tục học lên trung học phổ thông, chương trình phải thiết kế có tính phân hóa mạnh hơn, là bước đệm để học sinh chuẩn bị tiếp những kiến thức, kỹ năng cần thiết theo định hướng học lên đại học, cao đẳng. Cả hai trường hợp định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông hoặc học nghề sau lớp 9, đương nhiên không nhất thiết phải học tiếp môn Lịch sử. Nói cách khác, kiến thức sử phổ thông đã học đủ trong chín năm tiểu học và trung học cơ sở.
Thứ hai, việc xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã xin ý kiến đóng góp đầy đủ các cấp trước khi ban hành và với môn lịch sử, trước khi ban hành cũng được xin ý kiến và sự đồng ý của Hội Khoa học lịch sử. Nhiều trường đã xây dựng xong phương án tổ hợp môn học lớp 10 và công bố.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy phân tích, nếu sửa môn Lịch sử thành bắt buộc thì phải sửa cả chương trình môn học này ở cấp trung học cơ sở. Vì chương trình phân môn lịch sử ở cấp này đã đưa toàn bộ những nội dung nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi về lịch sử Việt Nam và thế giới. Việc dạy học bắt buộc có nghĩa là đại trà, nên nếu đưa chương trình môn Lịch sử vốn được thiết kế, biên soạn theo hướng lựa chọn, phân hóa, "nâng cao" ở cấp trung học phổ thông để bắt tất cả học sinh học là hoàn toàn không phù hợp. Trong khi đó chỉ còn ba tháng nữa là năm học mới bắt đầu.
Cùng quan điểm này, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội) cho rằng, Lịch sử nên là môn học lựa chọn. Nếu cần thay đổi đưa Lịch sử là môn học bắt buộc ở trung học phổ thông, thì không phải lúc này mà để sau khi triển khai chương trình mới trọn vẹn vào năm 2025. Chuẩn bị rất lâu nhưng chưa triển khai đã thay đổi điều chỉnh cục bộ thì e rằng sẽ giống việc "đẽo cày giữa đường".
Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội) Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ: Việc thay đổi ở môn lịch sử nếu xảy ra sẽ kéo theo nhiều thay đổi, trong đó chắc chắn phải điều chỉnh lại phương án bố trí tổ hợp môn học. Nếu hiện tại môn Lịch sử chuyển sang môn bắt buộc, dạy đủ tại 15 lớp 10 thì trường sẽ thiếu giáo viên lịch sử. Các trường sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị điều kiện cho dạy học chương trình mới vào năm học tới.
Phó hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Phan Huy Chú (Hà Nội) Ngô Thị Thành cũng cho hay: "Chương trình lịch sử mới rất khác trước đây, không bám theo thông sử mà thiết kế theo chủ đề, trong đó có những chủ đề trước đây chúng tôi được học ở bậc đại học. Trong chương trình cũng vẫn có những chủ đề thuộc lịch sử Việt Nam, thế giới, nhưng không phải các bài học theo tiến trình, giai đoạn lịch sử mà tiếp cận theo các vấn đề bao quát hoặc chuyên sâu hơn. Cách xây dựng như thế này không phù hợp với chương trình đại trà".
Thứ ba, học sinh không chọn học môn Lịch sử ở bậc phổ thông trung học không có nghĩa là không yêu nước
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) - cho rằng, việc giáo dục con người thì lựa chọn hệ giá trị để giáo dục cho học sinh cần xây dựng theo hệ thống, bao trùm ở tất cả các môn học, hoạt động chứ không phải "gán" cho môn Lịch sử trọng trách này. "Đừng cho rằng môn sử không bắt buộc thì nguy cơ mất nước. Hãy nghĩ đến việc giáo dục giá trị truyền thống, ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm của các công dân trẻ bằng nhiều hoạt động thiết thực hơn. Trong đó, điều quan trọng là làm cho học sinh thấy yêu thích, ý nghĩa, sự bổ ích. Khi các em bị thu hút, các em sẽ lựa chọn, sẽ tự nguyện tham gia thay vì chỉ đối phó".
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) - cũng cho rằng, những học sinh không chọn học môn Lịch sử không có nghĩa các em đó sẽ không yêu nước vì lòng yêu nước được vun đắp bằng nhiều cách. Nếu vin vào việc giáo dục lòng yêu nước để điều chỉnh ép môn Lịch sử vào nhóm bắt buộc thì không phù hợp và sai so với mục tiêu thiết kế chương trình trung học phổ thông.
Lịch sử cần là môn học bắt buộc
Thứ nhất, nếu không phải là môn học bắt buộc thì sẽ ít học sinh chọn môn Lịch sử để học.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua quá trình tiếp thu ý kiến cử tri và các chuyên gia thì băn khoăn: nếu học sinh ở cấp trung học phổ thông không chọn môn Lịch sử để học thì các em đó sẽ không học thêm khối kiến thức lịch sử nào nữa. Ông đề nghị, nếu chuyển Lịch sử thành môn học bắt buộc không có nghĩa sẽ bắt buộc mọi học sinh học tất cả nội dung chương trình đang xây dựng theo hướng lựa chọn, phân hóa hiện nay. Những phần nâng cao, những chuyên đề thậm chí đưa nội dung từng dạy ở bậc đại học xuống trung học phổ thông không nhất thiết phải cho tất cả học sinh học.
Thứ hai, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng với thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, Lịch sử nếu không được giảng dạy đầy đủ trong nhà trường sẽ khiến các thế hệ sau lãng quên quá khứ. Học sinh trung học phổ thông ở lứa tuổi 15-17 tuổi, có sự trưởng thành về nhận thức, là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, xã hội, các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người. Việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh trung học phổ thông là cần thiết nhằm phát triển toàn diện, khơi gợi khát vọng phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh.
Thứ ba, nếu để toàn bộ nội dung chương trình học Lịch sử vào cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, các em sẽ khó "tải" được khối lượng kiến thức rất lớn.
Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Đỗ Thanh Bình, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, nếu cho rằng "ở tiểu học và trung học cơ sở đã học Lịch sử hết rồi nên trung học phổ thông có thể đưa Lịch sử trở thành môn lựa chọn" và để toàn bộ nội dung chương trình vào cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, các em sẽ khó "tải" được khối lượng kiến thức rất lớn. Chưa nói đến lên trung học phổ thông sẽ có những nội dung mới mà ở tiểu học, trung học cơ sở các cháu chưa được học. Như vậy nếu lên trung học phổ thông lại không lựa chọn môn Lịch sử để học thì có nghĩa nội dung ấy sẽ bị bỏ đi, không được học nữa.
Tuy nhiên, những người ủng hộ quan điểm đưa Lịch sử là môn học bắt buộc cũng cho rằng, giáo viên lịch sử phải tích cực đổi mới phương pháp, cách dạy và cách kiểm tra để thu hút học sinh. Có nhiều học sinh thích học Lịch sử, thích tìm tòi kiến thức có liên quan đến lịch sử nhưng các em sợ phải học thuộc lòng để đi thi và làm bài kiểm tra. Do đó, nếu chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy thôi thì chưa đủ, cần phải đổi mới cả phương thức kiểm tra - đánh giá học sinh.