Từ ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Nghệ An, dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh bạch hầu
Bắc Giang vừa ghi nhận ca bệnh bạch hầu, là một trong 2 người đã tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Nghệ An. Bệnh lây nhiễm nhanh qua đường hô hấp nên nguy cơ bệnh lây lan rộng, do đó người dân cần chú ý dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh bạch hầu.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Vi khuẩn bạch hầu thường khu trú và làm tổn thương đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), gây tử vong do tắc đường thở và viêm cơ tim. Tỉ lệ tử vong khoảng 5-10%, cao hơn ở trẻ nhỏ. Do đó, cần nắm rõ dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh bạch hầu.
Các thể bệnh bạch hầu hay gặp gồm bạch hầu họng (70%), bạch hầu thanh quản (20-30%), bạch hầu mũi (4%), bạch hầu mắt (3-8%), bạch hầu da...
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc gián tiếp với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Vi khuẩn bạch hầu cũng có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể gây lây nhiễm cho người khác.
Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu
Người mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh có thể hồi phục bình thường.
Bệnh có thể gây ra các biến chứng như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống; viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim; liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và có thể tử vong.
Cách phòng bệnh bạch hầu
Thứ nhất, tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu cho trẻ. Hiện nay trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tất cả trẻ em sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (Haemophilus influenzae type b) lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Thứ hai, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Thứ ba, đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Thứ tư, khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Đặc biệt nếu người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Ca bệnh bạch hầu đầu tiên tại Bắc Giang trong năm nay
Trước đó, ngày 26/6, bệnh nhân P.T.C có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khàn tiếng. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị và vẫn tham gia dự kỳ thi trung học phổ thông năm 2024 tại Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn vào ngày 27-28/6.
Sau khi thi xong, bệnh nhân P.T.C về nhà nhưng bệnh không đỡ nên ngày 1/7 đã đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn khám và nhập viện điều trị tại Khoa Lây với chẩn đoán.
Đến ngày 4/7, tình trạng bệnh nhân P.T.C không thuyên giảm nên được thuyết phục chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục điều trị. Bệnh nhân nhập viện vào Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An hồi 14 giờ 44 phút ngày 4/7 với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn/bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Bệnh nhân được gia đình xin về lúc 23 giờ 50 phút ngày 4/7 và tử vong trên đường về vào lúc 4 giờ ngày 5/7.
Trong các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân P.T.C ở ký túc xá thì có 2 người là M.T.S và M.T.B đã di chuyển từ huyện Kỳ Sơn ra tạm trú tại tỉnh Bắc Giang.
Theo Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang, đã xác định chị M.T.B (18 tuổi, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh,huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; thường trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) dương tính với bạch hầu. Chị B. là một trong 2 trường hợp tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).
Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được cách ly, điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Tuy nhiên hiện lực lượng chức năng chưa thống kê hết số người từng tiếp xúc bệnh nhân do phạm vi di chuyển rộng, đã qua nhiều ngày.
Từ tháng 8/2023, bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc, với 20 ca nhiễm, 3 ca tử vong (tính đến cuối năm ngoái). Năm 2020, dịch bạch hầu bùng phát tại các tỉnh Đăk Lăk, Kon Tum, Bình Phước... với 5 ca tử vong, 200 ca mắc.