Trí tuệ nhân tạo lên ngôi, sinh viên báo chí thích ứng như thế nào?

13:10 - 20/03/2023

Trí tuệ nhân tạo ngày càng chiếm ưu thế trong lĩnh vực báo chí, đỏi hỏi sinh viên báo chí nỗ lực hơn nữa trong học tập và rèn luyện tránh nguy cơ bị đào thải sớm.

Trong một số của chương trình Cuộc sống tương lai Cafetek, phát sóng 8 giờ chủ nhật hàng tuần trên HTV9 - chương trình chuyên về công nghệ, đội ngũ thực hiện quyết định thử để trí thông minh nhân tạo - ứng dụng ChatGPT viết một kịch bản về chủ đề "Xu hướng phát triển trí thông minh nhân tạo tại Việt Nam".

Sản phẩm được đưa ra có ưu điểm là nội dung đảm bảo bố cục, đủ lượng thông tin trong một phóng sự về công nghệ, thời gian tạo ra chỉ 8 phút so với gần 1 tiếng nếu một biên tập viên bình thường thực hiện.

Nhà báo Ngô Trần Thịnh, thành viên nhóm nghiên cứu ứng dụng ChatGPT của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh nhận định văn bản mà ChatGPT tạo ra gần với kết quả của một biên tập viên có 1 đến 2 năm tuổi nghề.

Kết quả này đặt ra nhiều vấn đề về giá trị quan trọng của người làm báo mà trí tuệ nhân tạo không thể thay thế là gì? Làm sao để sinh viên báo chí mới ra trường không bị cạnh tranh công việc với trí tuệ nhân tạo?

Trả lời những câu hỏi này, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã lắng nghe ý kiến chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trí tuệ cảm xúc và giá trị nhân bản - những điều công nghệ không thay thế được con người

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Trí tuệ nhân tạo hiên nay đã có thể tạo ra những bài báo. Điều này có đặt ra nguy cơ bị thay thế của các nhà báo, phóng viên không, thưa Phó Giáo sư?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương: Tệp dữ liệu khổng lồ (Big Data), giúp trí tuệ nhân tạo nói chung, ChatGPT nói riêng, có khả năng cung cấp thông tin rất rộng, đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề và chứa đựng chiều sâu nhất định.

Sinh viên báo chí rèn luyện như nào để thích ứng với trí tuệ nhân tạo? - Ảnh 2.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Vì vậy, ở một góc độ nào đó, chúng ta cũng có thể thấy những thông tin, giá trị về mặt kiến thức mà ChatGPT đem lại cho công chúng là rất ý nghĩa, thiết thực.

Trong công việc, ChatGPT có thể hỗ trợ phóng viên ở nhiều hoạt động. Nhưng để ra được một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh, bên cạnh những thông tin, dữ liệu được tổng hợp, sản phẩm đó rất cần hàm chứa trí tuệ cảm xúc của người làm báo, những yếu tố liên quan đến cái giá trị nhân bản.

Đây là điều mà hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể không đáp ứng được. Hơn nữa, công chúng tiếp nhận của chúng ta cũng là con người, với đầy đủ trí tuệ thông minh và trí tuệ cảm xúc. Chắc chắn trí tuệ nhân tạo không thể thay thế phóng viên, nhà báo.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Phó Giáo sư nhận định như nào về tác động của trí tuệ nhân tạo đến hoạt động đào tạo trong lĩnh vực báo chí hiện nay?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương: Thực tế, trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, đào tạo nói chung, chứ không chỉ lĩnh vực báo chí.

Nhiều những câu hỏi đặt ra rằng, với ChatGPT, vốn đã đầy kiến thức, dữ liệu, thông tin như thế thì học sinh có nhất thiết phải đến trường không? Giáo viên sẽ dạy cái gì? 

Chúng ta thấy, trong công nghệ giáo dục, có nhiều sự biến đổi giúp hoạt động giáo dục hiệu quả, chất lượng hơn.

Tuy nhiên, các thầy, cô không chỉ dạy học trò kiến thức, mà còn phát triển năng lực, bồi đắp sự phát triển cân bằng cả về thể chất và tinh thần cho học sinh, sinh viên.

Do đó, ChatGPT không thể thay thế được thầy cô, trường lớp, đấy là chưa kể, hệ thống dữ liệu của công cụ này đang dừng lại ở thông tin cập nhật của năm 2021.

Với sứ mệnh định hướng, dẫn dắt và phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện cho người học, giáo dục tại trường lớp hiện nay vẫn là nền tảng giúp hoạt động tiếp nhận của sinh viên được tốt nhất.

Tuy nhiên, nhà giáo cũng cần thay đổi về phương pháp, nội dung giảng dạy, để không chỉ thích ứng mà còn nắm bắt, phát huy lợi thế của công nghệ trong hoạt động đào tạo của mình. Nhà giáo cũng cần có năng lực số, để có thể dẫn dắt và trang bị năng lực số cho sinh viên, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay.

Trí tuệ nhân tạo – thách thức của sinh viên báo chí?

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Mới đây, một kênh truyền hình tại Thành phố Hồ Chí Minh đã dùng ChatGPT để tạo ra tác phẩm truyền hình và được nhận định là văn bản do ứng dụng này tạo ra tương đương với một biên tập viên 1 đến 2 năm trong nghề. Đây có phải là thách thức đối với sinh viên mới ra trường khi phải cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo không, thưa Phó Giáo sư? 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương: Như tôi vừa chia sẻ, về dữ liệu thông tin, ChatGPT có thể đang thay thế cho một số công việc mà sinh viên mới ra trường phải thao tác, thực hiện.

Nhưng tôi khẳng định, ChatGPT không thay thế được phóng viên mới vào nghề trường bởi ChatGPT không có sự trải nghiệm, không có cảm xúc để bài viết có thể chạm đến trái tim của công chúng, hiểu được công chúng cần gì và tác động nhân văn lên cảm xúc con người. 

Tuy nhiên, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo thúc đẩy sinh viên phải nỗ lực hơn, trang bị, tích hợp thêm cho mình năng lực tri nhận thông tin, phân tích, luận giải vấn đề, giúp các em biết cách tự do khám phá, tự tích lũy tri thức, phát huy tối đa khả năng sáng tạo của bản thân… chứ không học kiến thức máy móc, xơ cứng.

Bên cạnh đó, các em cần thuần thục kỹ năng sử dụng công nghệ, để biết cách tận dụng, khai thác công nghệ, khai thác trí tuệ nhân tạo giúp giảm bớt sức lao động của bản thân, và tạo được sản phẩm có chất lượng, hiệu quả hơn.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Đây có phải là một áp lực quá lớn của các bạn sinh viên khi phải học nhiều thứ đến thế, ngoài nghiệp vụ, kiến thức văn hóa, xã hội, lại còn phải cập nhật, làm chủ cả công nghệ trí tuệ nhân tạo cho công việc?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương: Ở môi trường đại học, các bạn sinh viên được học cách suy nghĩ, chứ không chỉ là nội dung suy nghĩ, được hướng dẫn về cách học chứ không chỉ là nội dung cần phải học. Các bạn sinh viên cần biết "đứng trên vai người khổng lồ".

Quan trọng là phương pháp học tích cực, chứ không phải học thuộc. Công nghệ có thể nạp rất nhiều thông tin, dữ liệu lớn, trong khi bộ não chúng ta chỉ có thể ghi nhớ hữu hạn.

Nếu mang tư duy học thuộc, học thụ động thì con người không thể nào so sánh với trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, nếu học tập có phương pháp, sinh viên sẽ có được năng lực nghiên cứu, năng lực làm việc, có khả năng làm chủ tri thức, tự chủ bản thân, có kỹ năng sống và kỹ năng học tập suốt đời.

Cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương về những chia sẻ trên!

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tri-tue-nhan-tao-len-ngoi-sinh-vien-bao-chi-thich-ung-nhu-the-nao-179230319235315998.htm