Trẻ vị thành niên mang thai: Ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sức khỏe
Mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ để lại những hậu quả về sức khỏe, tâm lý mà còn làm gián đoạn việc học hành, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ.
Theo báo cáo công bố cuối năm 2022 của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai trong tổng số người mang thai tăng lên liên tục qua các năm. Năm 2010, tỷ lệ này là 2,9%, năm 2011 là 3,1%, năm 2012 là 3,2%. Tương ứng, tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi này lần lượt là 2,2%, 2,4% và 2,3%.
Mang thai nhưng không biết cha đứa bé là ai
Trong quá trình làm việc tại Khoa Ngoại sản, Bệnh viện 19-8 Bộ Công An, bác sĩ Bùi Thị Thu Thủy từng tiếp nhận thăm khám, điều trị cho nhiều trường hợp trẻ vị thành niên mang thai, sinh con.
Sau lần chứng kiến cảnh bé gái chỉ mới 17 tuổi đi vào phòng đẻ, và những ca trẻ vị thành niên sinh xong tự nguyện cho con vì không đủ khả năng nuôi dưỡng đã khiến bác sĩ Thủy không khỏi trăn trở.
“Đa số phụ huynh đưa con đến khám đều không hay biết con mình mang thai, chỉ nghĩ là đau bụng thông thường. Thế nhưng, đến khi bác sĩ siêu âm thì phát hiện thai đã lớn. Có trường hợp còn đau lòng hơn vì không biết cha đứa bé là ai do trẻ đã quan hệ với nhiều người”, bác sĩ Thủy chia sẻ.
Mới đây, thông tin một nữ sinh lớp 7 ở Bắc Giang có thai rồi tự sinh con trong nhà tắm khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Điều đáng nói, trong quá trình nữ sinh này mang thai, cả gia đình và nhà trường đều không hay biết.
Trước đó, tháng 10/2022, dư luận cũng xôn xao khi hay tin một nữ sinh ở Phú Thọ sinh con đầu lòng khi mới 11 tuổi.
Nhiều hệ lụy khi mang thai sớm
Bác sĩ Thủy cho biết, mang thai ở tuổi vị thành niên, sản phụ dễ gặp các nguy cơ dọa sảy, đẻ non. Chưa kể, cơ thể mẹ chưa phát triển hoàn thiện dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu, thai kém phát triển hoặc sinh con thiếu cân, con suy dinh dưỡng cao.
Tỷ lệ tử vong trẻ em sinh ra do các bà mẹ vị thành niên trong năm đầu cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành.
Không những vậy, khi có thai, trẻ bị gián đoạn việc học hành, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai.
Ngoài ra, làm mẹ sớm dễ bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý, tổn thương tình cảm, dễ chán nản, cảm thấy cách biệt với gia đình và bạn bè.
Thay vì trách mắng hãy giúp trẻ hòa nhập lại với cuộc sống
Bác sĩ Thủy cho hay, trẻ vị thành niên đi khám thai thường thai đã to, sớm nhất là trên 10 tuần, thường là trên 20 tuần.
Sau khi nhận kết quả, đa số cha mẹ đều lo lắng, buồn chán, thậm chí là bực bội, người con thì sợ hãi, hoang mang.
Trong trường hợp này, bác sĩ là người trấn an phụ huynh giữ bình tĩnh. Tùy theo tuổi thai, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên đình chỉ thai hay tiếp tục thai kỳ. Thường sẽ có 3 giải pháp: sinh con và giữ lại nuôi, sinh con cho con nuôi hoặc trao lại cho tổ chức xã hội chăm sóc hoặc bất đắc dĩ phải đình chỉ thai.
Đình chỉ thai là lựa chọn được nghĩ đến nhiều nhất khi mang thai ở tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, việc này có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề, đặc biệt là khi cơ thể trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Nghiêm trọng nhất, có thể dẫn vô sinh hoặc trong tương lai, nếu mang thai, cả mẹ và bé đều có nguy cơ cao gặp phải các rủi ro về sức khỏe.
Theo bác sĩ Thủy, dù lựa chọn phương án nào, cha mẹ không nên trách mắng và lên án trẻ về việc mang thai. Việc cha mẹ cần làm là đối diện với sự thật đã xảy ra, giúp trẻ hòa nhập lại với cuộc sống.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tre-vi-thanh-nien-mang-thai-anh-huong-rat-lon-den-tam-ly-va-suc-khoe-179230223190736648.htm