Trái đất đang cần hợp lực từ những công dân toàn cầu để ngày càng xanh hơn
Chúng ta luôn sống với niềm tin "Trái đất này là của chúng mình, quả bóng xanh bay trên trời xanh" - các công dân toàn cầu sẽ làm cho trái đất này ngày càng giàu có hơn và xanh hơn nữa…
Để mở đầu phần ý kiến chia sẻ với Diễn đàn, Tạp chí Công dân và Khuyến học trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TSKH Đặng Hùng Võ với góc nhìn: Nhân loại sẽ trở thành một khối thống nhất với mục tiêu biến trái đất trở thành mái nhà chung.
Theo GS Đặng Hùng Võ: “Mái nhà chung không có nghĩa là bản sắc riêng của mỗi dân tộc sẽ mất đi, mà bản sắc văn hóa dân tộc sẽ như những màu sắc riêng tô điểm cho bức tranh toàn cầu trở nên rực rỡ hơn”.
Khúc hát thiếu nhi "Trái đất này là của chúng mình, quả bóng xanh bay trên trời xanh" được nhà thơ Định Hải sáng tác đã nổi tiếng thế giới sau khi được nhạc sỹ Trương Quang Lục phổ nhạc vào năm 1979, hưởng ứng cuộc thi sáng tác các bài hát mới cho trẻ em do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Ủy ban năm quốc tế thiếu nhi Việt Nam phát động. Lời bài hát đã được dịch sang tiếng Anh, trình diễn ở nhiều diễn đàn quốc tế, đã đi sâu vào lòng người khắp nơi vì nói lên được lòng mong mỏi hòa bình của con người chung sống hạnh phúc trên hành tinh xanh của chính chúng ta. Trái đất được ao ước như một quả bóng xanh đầy chất thiên nhiên bay trên bầu trời xanh yên bình. Tư duy ấy quá giản dị, mong muốn của con người cũng quá giản dị, nhưng để thực hiện được thì loài người cũng phải trả giá rất lớn trong cả hàng nghìn năm tốn kém xương máu.
Công dân toàn cầu bắt đầu từ ý tưởng toàn cầu hóa: Rời ao làng ra biển lớn
Ở nước ta, cho tới năm 1954 khi hòa bình tạm thời được lập lại trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, người dân vẫn chỉ hoạt động trong môi trường chật hẹp của điểm dân cư địa phương mình. Một làng quê với những lũy tre rào kín như bưng và một cổng làng khép kín như một hình ảnh đầy chất thơ, nhưng cũng giấu bên trong nó một hạn chế bước ra toàn cầu. Một thanh niên cũng chỉ có ước vọng cao nhất là bản thân mình hay gia đình mình thành đạt nhất làng. Vì vậy mà khi "Đổi Mới", chúng ta vẫn nói đến khẩu hiệu "rời ao làng đi ra biển lớn".
Trên thực tế, cũng chỉ từ khi thực hiện chủ trương "Đổi Mới", chúng ta mới bãi bỏ được tình trạng "ngăn sông, cấm chợ", tự do đi lại, kinh doanh giữa các vùng, miền. Tiếp theo, chủ trương "hội nhập kinh tế quốc tế" đã từng bước tạo lập cho nước ta nền kinh tế mở với độ mở rất cao. Các công dân Việt Nam có thể bước ra thế giới không gặp khó khăn nào. Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã thành danh trên trường quốc tế.
Nhìn ra thế giới, việc xác định mặt đất và bầu trời hình dáng như thế nào cũng tiêu tốn nhiều trí lực của con người. Từ những quan sát thực tế, nhà toán học cổ Hy Lạp Pythago đã cho rằng Trái Đất là dạng cầu vào những năm 500 trước Công nguyên. Sau đó, Aristotle là triết gia người Hy Lạp cổ đã chứng minh chặt chẽ hơn vấn đề "trái đất hình cầu" vào những năm 350 trước Công nguyên trong cuốn sách ''Trên thiên đàng'' (On the Heavens). Cứ như vậy, các khoa học về trái đất (Geo-Sciences) hình thành mạnh mẽ, chi tiết và đưa chúng ta đến những kết luận rõ ràng. Vào năm 1980, Hiệp hội Trắc địa quốc tế mới công bố dữ liệu chính xác về kích thước, hình dạng trái đất và hệ tọa độ toàn cầu.
Trên đây là những bước đi đối với nhận thức tự nhiên về trái đất, tức là vấn đề toàn cầu. Về nhận thức của xã hội loài người, chuyện toàn cầu còn phức tạp hơn nhiều.
Trước Đại chiến Thế giới thứ 2, những nhóm dân tộc, tôn giáo hùng mạnh đã mở rộng quyền lực của mình bằng các cuộc chiến tranh xâm lược. Lúc đầu, sức mạnh được xác lập bằng các vũ khí trợ giúp cho sức lực chân tay của con người. Trong cuốn sách "Thăng trần quyền lực" (Power Shift), tác giả Alvin Toffler đã gọi đây là giai đoạn quyền lực được xác lập ở mức thấp nhất. Tiếp theo, giai đoạn công nghiệp hóa đã tạo ra những loại vũ khí như súng đạn, máy bay, tàu chiến,... mà không cần dùng đến sức lực con người. Tiếp theo nữa là những vũ khí được tạo ra nhờ lao động trí óc của con người để khẳng định quyền lực, thậm chí nhiều người đã tư du tới vũ khí khí tượng, vũ khí địa động lực,...
Các cuộc chiến tranh vì dân tộc và tôn giáo để cướp đất cứ diễn ra, nhưng nhu cầu thương mại toàn cầu đã được hình thành từ trước Công nguyên. Ví dụ như con đường tơ lụa (Silk Route) từ Đông Á sang Tây Á là con đường thương mại lịch sử có từ thế kỉ thứ 2 trước Công nguyên cho đến tận thế kỉ 14 sau Công nguyên. Nhu cầu toàn cầu hóa bằng các giải pháp khác nhau hình thành rất sớm. Có thể lúc đầu, thương mại là cách dò đường, nhưng tiếp theo cũng là chiến tranh cướp đất.
Khái niệm toàn cầu hoá theo nghĩa cổ điển đã bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ 15, sau khi có những thám hiểm hàng hải quy mô lớn, như của Ferdinand Magellan vào năm 1522. Sau nhiều cuộc thám hiểm vòng quanh trái đất là những cuộc chinh phạt xâm chiếm thuộc địa và xây dựng những con đường thương mại trên biển giữa châu lục. Từ đó, nhiều giống cây trồng, vật nuôi cũng được chuyển từ vùng này tới vùng khác. Nước Anh đã rất tự hào về câu nói "mặt trời không lặn trên đất Anh".
Thế rồi Đại chiến thế giới thứ 2 khốc liệt đã xảy ra và sự tàn khốc đó đã buộc mọi người phải thay đổi tư duy và quyết định chấm dứt chủ nghĩa thực dân cũ lấy việc chiếm đất của các dân tộc chậm phát triển thành đất của quốc gia mình. Nền độc lập được trao trả lại cho các quốc gia đã bị xâm lược. Các quốc gia chưa kịp phát triển đều đặt hy vọng vào trật tự thế giới mới sẽ được xác lập dựa vào tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Nhiều tổ chức quốc tế dạng phi chính phủ được thành lập như Ngân hàng Thế giới (WB) thành lập năm 1946 và sau đó liên kết với nhiều tổ chức phi chính phủ khác mà trở thành Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) như với Tổng công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Trung tâm Quốc tế Giải quyết mâu thuẫn đầu tư (ICSID), Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương (MIGA), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thành lập năm 1994... Bên cạnh đó, nhiều Hiệp định thương mại song phương, đa phương đã ra đời. Việt Nam đã tham gia hầu như mọi tổ chức thương mại mang tính toàn cầu có liên quan đến kinh tế Việt Nam.
Con người cũng đã tìm nhiều cách để tạo ra hình thức mới của chủ nghĩa thực dân. Người Nhật thì cho rằng hàng hóa Nhật tới đâu thì biên giới của Nhật tới đó. Người Hàn thì lại theo chủ thuyết văn hóa Hàn tới đâu thì biên giới của Hàn tới đó. Quả là những ý tưởng độc đáo về câu chuyện toàn cầu hóa dựa vào thương mại và giao lưu hòa bình trên trường quốc tế.
Về sự mong muốn, tôi vẫn nhớ ý tưởng thú vị của loạt phim "Những cuộc chiến giữa các vì sao" (Star Wars) được sản xuất từ 1977 của đạo diễn George Lucas. Ngữ cảnh của phim khoa học viễn tưởng này là trái đất trở nên thống nhất, không còn bị phân chia để hướng tới nhu cầu sát cánh cùng nhau trong các cuộc chiến vũ trụ. Cũng là một cách nói về mong ước toàn cầu hóa trước khả năng xâm lấn của các nền văn minh ngoài trái đất. Loạt phim này đã được mọi lứa tuổi hâm mộ!
Theo các Từ điển lớn trên thế giới, người ta đều cho rằng "Toàn cầu hóa là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả bằng cách nào mà thương mại và công nghệ đã làm cho cả thế giới trở thành một khối độc lập và kết nối chặt chẽ, và toàn cầu hóa cũng ghi nhận phạm vi thay đổi về kinh tế và xã hội như một kết quả".
Kể từ 1992, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển bền vững tại Rio De Janeiro đã cho thấy nhu cầu toàn cầu hóa để giải quyết các bài toán toàn cầu về môi trường, tai biến thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Năm 2000, tôi đã chủ trì Đề tài cấp quốc gia về xây dựng hệ thống thông tin địa lý quốc gia có kết nối quốc tế để giải quyết các bài toán khu vực và toàn cầu, vậy nên tôi hiểu rất cụ thể câu chuyện này.
Sự mong muốn toàn cầu hóa đã từ rất lâu, lúc đầu là mục đích phát triển kinh tế, tạo sự bình đẳng của xã hội con người, sau đó vì mục tiêu bền vững môi trường hướng tới một hành tinh thật xanh. Nhưng thực sự các mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi con người và công nghệ đủ sức trợ giúp quá trình thực hiện. Công nghệ đang thể hiện vai trò rất mạnh của mình khi mạng Internet phủ khá rộng toàn cầu. Thông tin cũng đang được thu nhận đầy đủ nhất để thiết lập ngày càng chi tiết về các hoạt động của con người trên trái đất. Mô hình trái đất theo thời gian thực (Real Time) và kết nối trực tuyến (Online) đang tạo nên công cụ vạn năng để ngồi bất cứ ở đâu cũng biết được mọi người đang làm gì trên trái đất này. Vấn đề còn lại là con người phải như thế nào để hòa mình trong trào lưu "toàn cầu hóa".
Công dân toàn cầu, một xu hướng tất yếu về toàn cầu hóa nguồn nhân lực
Bất kỳ việc gì xảy ra trên trái đất cũng đều của con người, do con người và vì con người. Sự tồn tại của con người và hoạt động của con người tạo nên một hành tinh trái đất sống. Nếu không có con người thì trái đất coi như một hành tinh đã chết. Trong ca khúc "Điều giản dị", nhạc sĩ Phú Quang đã viết lời ca như một chân lý "Nếu không có người, cuộc đời trôi về đâu/ Nếu không có người, mặt đất quá hoang vu".
Như vậy, toàn cầu hóa phải lấy con người làm trung tâm. Trước hết, chúng ta phải có đủ điều kiện để công dân mỗi quốc gia có thể bước ra toàn cầu, và mỗi công dân phải trang bị đủ hành trang để bước ra toàn cầu. Từ đây, quá trình toàn cầu hóa mới có thể được thực hiện và mỗi người trở thành một thành viên xây dựng trái đất như một mái nhà chung.
Điều kiện đầu tiên là cộng đồng loài người phải thống nhất tư duy chung về toàn cầu hóa và cơ chế chia sẻ lợi ích bình đẳng từ toàn cầu hóa. Cái khó nhất của con người là thống nhất cơ chế chia sẻ lợi ích của một quá trình chung.
Trong suốt cả mấy nghìn năm qua của thể chế phong kiến, lợi ích luôn được chia sẻ bằng bạo lực, và lợi ích luôn thuộc về kẻ mạnh. Đến nay, thể chế phong kiến đã chấm dứt, nhưng kẻ mạnh vẫn thuộc những người nhiều tiền. Nhiều người đã cho rằng đây là mặt tiêu cực của toàn cầu hóa, vì đây là giải pháp làm cho những người giàu tạo thị phần lớn hơn để có nhiều tiền hơn. Nhưng ở những quốc gia phát triển chưa mạnh, có thể thấy toàn cầu hóa cũng là cơ hội để xây dựng nền kinh tế mở với sự đóng góp của các công dân toàn cầu.
Chúng ta tiếp tục hy vọng sự tiến bộ sẽ làm thay đổi tính nhân văn để tạo dựng nền kinh tế toàn cầu bình đẳng.
Đến nay, tư duy toàn cầu hóa đã được coi như một xu hướng tất yếu với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ. Ý tứ "thế giới phẳng" là như vậy. Nhà nước ta cũng đã lấy chủ trương xây dựng nền kinh tế mở với toàn cầu làm chỗ dựa để phát triển.
Như trên đã nói, trong thời kỳ "chiến tranh lạnh" mỗi công dân Việt Nam khó có đường hội nhập với các nước. Chỉ những người được Nhà nước cho phép mới được tiếp cận với các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ.
Những người trẻ Việt Nam chinh phục thế giới; Trần Đặng Đăng Khoa (áo xanh) và Bùi Văn Ngợi (áo đỏ). Ảnh: Internet
Đến nay, cánh cửa bước ra toàn cầu đã mở toang, đơn giản chỉ là có tiền thì chúng ta có thể đi tới bất kỳ nơi nào trên thế giới. Việt Nam cũng đã có chàng trai Trần Đặng Đăng Khoa đi vòng quanh thế giới bằng xe gắn máy, Bùi Văn Ngợi đã đặt chân lên đỉnh Everest, và rất nhiều người Việt bằng nghị lực của mình đặt dấu chân đến cả trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, thậm chí đến những nơi đặc biệt hiểm yếu của trái đất... Điều này cho thấy bước chân ra toàn cầu đối với người Việt không còn khó khăn gì nữa. Vấn đề còn lại là chuẩn bị hành trang nào cần thiết cho những mục tiêu khác nhau.
Thế hệ trẻ ở Việt Nam cũng ý thức được lợi ích từ việc tự trang bị hành trang để mình phải là công dân toàn cầu. Lượng du học sinh nước ngoài tự túc ngày càng cao, học xong ở lại tìm việc làm cũng rất nhiều. Tất cả đều tốt vì đấy là dịp tốt để nhanh chóng trở thành công dân toàn cầu.
Trước hết phải nói tới ngôn ngữ, vì bất đồng ngôn ngữ luôn là trở ngại làm cho muốn gần mà thành xa. Ngay từ năm 1887, Bác sĩ nhãn khoa Zamenhof (người Ba Lan) đã tư duy về việc lập ra một ngôn ngữ chung rất dễ học với mục tiêu để giao lưu toàn cầu. Ngôn ngữ này mang tên Esperanto, nghĩa là "người hy vọng". Từ đó, rất nhiều người học, nhiều hiệp hội quốc tế ngữ được thành lập và con người hào hứng kết thân với nhau bằng Esperanto. Đến nay, quốc tế ngữ gần như đã bị quên lãng vì sức sống của một ngôn ngữ luôn phụ thuộc vào khối lượng văn hóa, nghệ thuật, văn học, thi ca, truyền thuyết, tục ngữ, tập quán,... chứa đựng trong nó. Đây chính là sức sống của ngôn ngữ. Một mặt, tiếng Anh đang được sử dụng như một giải pháp ngôn ngữ chung. Mặt khác, trí tuệ nhân tạo đang tạo nên những công cụ dịch thuật ngày càng hoàn thiện giúp con người hiểu nhau thông qua kho tàng văn hóa đồ sộ của cả loài người.
Một trở ngại thứ hai là công nghệ, vì giỏi công nghệ thì mới sử dụng được công nghệ để con người kết nối với nhau. Công nghệ hiện nay phát triển hàng ngày, trí tuệ nhân tạo và kết nối mạng đang tạo nên những bước đi kết nối dễ dàng giữa con người với nhau và giữa con người với một thế giới ngập tràn thông tin.
Còn lại, tùy mục tiêu bước ra toàn cầu của mỗi người mà chuẩn bị cho mình những tri thức riêng cần thiết. Có người muốn bước ra toàn cầu để phát triển thương mại thì họ phải học những nguyên tắc chung về thương mại quốc tế, thị trường tài chính, thị trường hàng hóa,... Có người lại ham về thi ca thì nguồn thi ca của các dân tộc phải biết cho đến ngọn ngành. Có người chỉ muốn nhận thức từ du lịch thì chỉ cần ngôn ngữ và công nghệ là đủ, thêm vào nữa là những kỹ năng sống trong những hoàn cảnh khác nhau.
Việt Nam nghĩ rằng chỉ tiếng Anh và tin học là đủ để bước ra toàn cầu. Vậy nên mọi thứ tuyển dụng, tiếp nhận, đề bạt,... đều gắn với chứng chỉ tiếng Anh và tin học. Thế rồi nhiều trung tâm tiếng Anh và tin học ra đời để đáp ứng việc xác nhận chứng chỉ, có khi trình độ là thực, mà cũng có khi chỉ là hình thức. Gần đây, nhiều ngành nghề không liên quan mấy đến toàn cầu hóa đã bãi bỏ chứng chỉ tiếng Anh, tin học. Sự thực, chứng chỉ tiếng Anh và tin học chỉ là những hành trang mang tính hình thức. Điều quan trọng là tư duy của mỗi công dân nước ta đều hướng tới chuẩn mực của công dân toàn cầu, kể cả khi mình làm việc trong nước. Ta không bước vào toàn cầu thì nhiều người nước ngoài sẽ bước vào nước ta làm việc. Cổ nhân đã nói "đất lành thì chim đậu", còn các lãnh đạo đất nước thì mong muốn "làm tổ đón đại bàng" từ nước ngoài. Luồng lao động di cư cũng là cơ hội để toàn cầu hóa nguồn nhân lực.
Các công dân toàn cầu sẽ làm cho trái đất này ngày càng giàu có hơn và xanh hơn
Toàn cầu hóa là một xu hướng tất yếu, cho cả các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển, thậm chí chưa phát triển. Từng bước, mọi lợi ích được chia sẻ đúng theo hiệu quả thu được và sự đóng góp tạo ra hiệu quả đó. Thị trường toàn cầu rộng lớn hơn rất nhiều cho phát triển kinh tế. Thông tin sẽ đốc thúc cho kinh tế phát triển mạnh hơn với mục tiêu không gây mất bền vững cho hành tinh trái đất. Trái đất xanh đang cần những hợp lực từ những công dân toàn cầu để ngày càng xanh hơn.
Toàn cầu hóa phải dựa vào nguồn nhân lực mà mỗi lao động chuẩn bị đủ hành trang để trở thành công dân toàn cầu. Nhân loại sẽ trở thành một khối thống nhất với mục tiêu biến trái đất trở thành mái nhà chung của nhân loại. Nói như vậy không có nghĩa là bản sắc riêng của mỗi dân tộc sẽ mất đi, mà bản sắc văn hóa dân tộc sẽ như những màu sắc riêng tô điểm cho bức tranh toàn cầu trở nên rực rỡ hơn. Toàn cầu hóa cũng không dẹp đi niềm tin của con người vào những tôn giáo, tín ngưỡng riêng của mình, mà tạo ra sự hài hòa của mọi niềm tin.
Đúng vậy, chúng ta luôn sống với niềm tin "Trái đất này là của chúng mình, quả bóng xanh bay trên trời xanh". Các công dân toàn cầu sẽ làm cho trái đất này ngày càng giàu có hơn và xanh hơn nữa.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/trai-dat-dang-can-hop-luc-tu-nhung-cong-dan-toan-cau-de-ngay-cang-xanh-hon-179230731233429873.htm