"Tổng thống Mỹ lẩy Kiều" vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn

15:18 - 29/09/2023

Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh vừa tham gia kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi trung học phổ thông năm học 2023-2024, trong đó đề thi môn Ngữ văn đưa sự kiện Tổng thống Mỹ lẩy Kiều vào câu nghị luận xã hội.

"Tổng thống Mỹ lẩy Kiều" vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden "lẩy" Kiều trong phát biểu đáp từ tại tiệc chiêu đãi do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì vào ngày 11/9/2023. Ảnh: TTXVN

Theo tháng năm, "Truyện Kiều" đã đồng hành cùng lịch sử dân tộc. "Truyện Kiều" đi vào trang thơ Tố Hữu: "Sông Lam nước chảy bên đồi/ Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân"…, đi vào trang thơ của Chế Lan Viên: "Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ". Trong túi áo của một người chiến sĩ trẻ vừa hi sinh sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lính Mỹ tìm thấy một cuốn "Truyện Kiều" với nhan đề: Một tài liệu li kì vừa bắt được tiết lộ tinh thần của địch.

Năm 2000, 2 quốc gia Việt Nam và Mỹ trải qua 5 năm đầu tiên bình thường quan hệ ngoại giao. Nhân buổi chiêu đãi trọng thể của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Tổng thống Bill Clinton cảm ơn bằng hai câu Kiều: "Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân". 

Năm 2016,đứng trước hàng ngàn học sinh, sinh viên, trí thức Việt Nam, Tổng thống Barack Obama lẩy hai câu Kiều: "Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi". 

Năm 2023, kỉ niệm 10 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trước sự đón tiếp trọng thị của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Joe Biden lẩy hai câu Kiều: "Vinh hoa bõ lúc phong trần/ Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày".

Từ cổ chí kim, văn hóa, văn học luôn là "sức mạnh mềm", là chiếc cầu nối để con người, nối các dân tộc với nhau. (Nguồn: Tổng hợp từ các báo)

"Tổng thống Mỹ lẩy Kiều" vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn - Ảnh 2.

Câu 1. Những thông tin trên có ý nghĩa gì với bạn – một công dân trẻ? Hãy viết bài nghị luận xã hội trả lời câu hỏi trên.

Câu 2. Kết thúc "Truyện Kiều", Nguyễn Du viết: "Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh". Có lẽ khi đó tác "Truyện Kiều" cũng không thể hình dung được rằng tác phẩm của mình lại đi sâu rộng vào đời sống văn chương đến thế. Từ những thông tin trên và từ trải nghiệm văn học, anh/chị hãy viết bài văn với nhan đề: Rời tác giả, tác phẩm sống cuộc đời riêng.

Gợi ý câu nghị luận xã hội

Trong túi áo của một người chiến sĩ trẻ vừa hi sinh sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lính Mỹ tìm thấy một cuốn "Truyện Kiều" đã cũ: sự trân trọng, gắn bó của người trẻ với những giá trị văn hóa, văn học truyền thống.

"Truyện Kiều" đi vào trang thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên: sự kế thừa và phát huy di sản văn hóa truyền thống trong lĩnh vực văn hóa, văn học.

"Truyện Kiều" được sử dụng trong ngoại giao: sức mạnh mềm (khả năng cảm hóa, tác động mạnh mẽ đến người khác, đến dân tộc khác mà không cần dùng đến vũ lực, sức mạnh quân sự…) của văn hóa, văn học trong thời đại toàn cầu hóa.

Vấn đề nghị luận: nhận thức được sức mạnh, khả năng tác động, kết nối của văn hóa, văn học đối với các cá nhân và dân tộc.

Bàn luận: Chính tình yêu với cội nguồn văn hóa, với truyền thống dân tộc, với những trang văn thấm đẫm tâm hồn cha ông đã kết nối người dân của một nước lại cùng nhau, từ những người cao tuổi cho đến những công dân trẻ.

Trong thời chiến, giá trị văn hóa, văn học truyền thống là động lực tinh thần cho công dân trẻ bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Trong thời bình, giá trị văn hóa truyền thống là tinh thần cho công dân trẻ xây dựng hình ảnh bản thân, phát triển nội lực đất nước ở nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, chính trị…

Trong quá khứ, Tố Hữu, Chế Lan Viên đưa "Truyện Kiều" vào thơ ca để không chỉ bảo lưu mà còn tiếp biến giá trị truyền thống trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Ngày nay, giá trị văn hóa,văn học truyền thống cũng có thể tiếp biến trong các sản phẩm văn hóa như ẩm thực, thời trang, âm nhạc,…

Sự kế thừa và tiếp biến như vậy vừa đem lại nguồn lợi kinh tế cho đời sống dân sinh, vừa giúp di sản truyền thống tiếp tục tái sinh trong thời hiện đại, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

Trong ngoại giao, việc thấu hiểu văn hóa, văn học nước bạn sẽ tạo ra sự kết nối, hợp tác giữa hai quốc gia, dân tộc. Việc người Mỹ sử dụng những giá trị văn hóa văn học của Việt Nam để kết nối với Việt Nam cho thấy sự tôn trọng của một quốc gia khác đối với văn hóa, văn học nước ta, đây cũng là cách khẳng định những giá trị cha ông để lại. Từ đó, khơi dậy trách nhiệm, thái độ của công dân trẻ Việt Nam với di sản văn hóa, văn học của tiền nhân.

Không phải cái gì thuộc về văn hóa, văn học truyền thống cũng mang giá trị tích cực. Cần giữ gìn bản sắc văn hóa, văn học bên cạnh việc loại bỏ những yếu tố văn hóa, văn học đã lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp với xã hội văn minh, hiện đại.

Phê phán những cá nhân thiếu ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa, văn học của dân tộc, coi thường sức mạnh của những giá trị tinh thần tự ngàn xưa.

Bài học: Sự kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc, tình yêu với bản sắc văn hóa dân tộc. Sự kế thừa, phát huy giá trị văn hóa cần linh hoạt, thỏa đáng, tránh cực đoan, thể hiện sự tôn trọng với những giá trị văn hóa của nước khác.

Nghị luận văn học

Giải thích: ý đồ của Nguyễn Du khi viết "Truyện Kiều" góp nhặt câu chữ (Lời quê chắp nhặt dông dài) để mang đến cho người đọc niềm vui khi tiếp nhận tác phẩm (mua vui). Ông cho rằng niềm vui này sẽ không kéo dài (một vài trống canh) .

Thế nhưng,trên thực tế, "Truyện Kiều" đã đi sâu rộng vào đời sống và văn chương": được người dân vận dụng trong cuộc sống hàng ngày (đời sống), được các tác giả đời sau vận dụng để tạo nên những tác phẩm mới (văn chương).

Như vậy, "rời tác giả, tác phẩm sống cuộc đời riêng": tác phẩm sau khi đã được hoàn thành sẽ tồn tại độc lập với ý đồ ban đầu của tác giả. Vấn đề cần nghị luận: Sự tồn tại độc lập của tác phẩm trong đời sống văn học.

Bàn luận: mỗi tác phẩm là một kết cấu vẫy gọi được người đọc liên tục giải mã và cấp thêm nghĩa trong quá trình tiếp nhận. Chính vì vậy, tác phẩm có sức sống tự thân, có cuộc đời của riêng mình, nhiều khi khác xa với dự kiến ban đầu của nhà văn.

Tác phẩm xuất phát từ cuộc sống và cũng trở về với cuộc sống. Tác phẩm đi sâu rộng vào hiện thực, xuất hiện trong nhiều lĩnh vực (thường thức, ngoại giao, giáo dục…) dựa trên những nhu cầu đa dạng trong cuộc sống.

Tác phẩm được kế thừa, tiếp biến để làm chất liệu nghệ thuật, làm nguồn cảm hứng cho tác phẩm văn chương khác, thậm chí cho tác phẩm thuộc các ngành nghệ thuật khác (hội họa, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc…). Đây chính là quy luật kế thừa và tiếp biến trong văn học nói riêng và trong sáng tạo nói chung. (Học sinh lấy dẫn chứng để chứng minh)

Đánh giá: nhan đề đã chỉ ra được đặc trưng, quy luật của sáng tác: một khi tác phẩm đã hoàn thành, nó bắt đầu cuộc sống tự thân, không phụ thuộc vào mong muốn của tác giả.

Chỉ những tác phẩm xây dựng được những điển hình nghệ thuật, chạm đến giá trị nhân sinh phổ quát, sâu sắc về nội dung và độc đáo về hình thức… mới có được một đời sống riêng.

Để viết được tác phẩm có đời sống riêng, người viết cần có cái tâm để đào sâu, tìm tòi hiện thực cuộc sống và hiện thực tâm hồn; cần cái tài để cách tân, sáng tạo các phương tiện biểu hiện độc đáo.

Để duy trì sức sống của tác phẩm, người đọc cần nâng cao năng lực thẩm mĩ để đồng điệu, đối thoại với tác giả; cần có thiện chí để vận dụng tác phẩm vào đời sống một cách linh hoạt, thỏa đáng.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tong-thong-my-lay-kieu-vao-de-thi-hoc-sinh-gioi-ngu-van-179230929150723101.htm