Tổng nợ phải trả gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu, Novaland “cầm hơi” bằng trái phiếu
Với tổng nợ phải đã lên đến 160.660 tỉ đồng, gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu, Novaland hiện phụ thuộc khá nhiều vào kênh trái phiếu. Và trái chủ lớn nhất của công ty này tính đến thời điểm hiện tại chính là Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) với gần 10.000 tỉ đồng rót vào đây.
Tháng 9/1992, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thành Nhơn được thành lập với số vốn điều lệ 400 triệu đồng. Công ty kinh doanh thuốc thú y, nguyên liệu dược, hóa chất và… xây biệt thự cho thuê.
Đến năm 2007, công ty được tái cấu trúc thành hai đơn vị là Tập đoàn Anova hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và Tập đoàn Novaland hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Vốn điều lệ ban đầu của Novaland là 95,3 tỉ đồng.
Sau 12 lần tăng vốn, đến tháng 11/2016, Novaland có vốn điều lệ gần 5.962 tỉ đồng. Đến cuối tháng 12/2016, Novaland chính thức lên sàn chứng khoán Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) với mã số chứng khoán NVL. Có giá niêm yết là 50.000 đồng/cổ phần, tổng 589,4 triệu cổ phiếu, ngay sau khi lên sàn, vốn hoá của Novaland đã tăng lên mức 29.500 tỉ đồng, "vụt sàng" trở thành doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, con số báo cáo gần đây lại cho thấy hoạt động kinh doanh của Novaland dường như xuất hiện những bất ổn.
Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng nợ phải trả tại Novaland lên đến 160.660 tỉ đồng, tăng 48.056 tỉ đồng, tương đương 42,7% so với cuối năm 2020, cao gấp 3,9 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 79,6% tổng nguồn vốn công ty.
Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 14.544 tỉ đồng lên 19.088 tỉ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 34.357 tỉ đồng lên 41.431 tỉ đồng. Như vậy, tổng nợ vay tại Novaland là 55.975 tỉ đồng, cao gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu Novaland.
Thực tế, Novaland phụ thuộc khá nhiều vào kênh trái phiếu khi đã huy động tới 36.890 tỉ đồng từ kênh này.
Tính đến ngày 31/12/2021, trái phiếu ngắn hạn tại Novaland lên tới 7.595 tỉ đồng, tăng 4.354 tỉ đồng, tương đương 134% so với cùng kỳ năm trước. Còn trái phiếu dài hạn tăng 6.716 tỉ đồng, tương đương 29,7% lên 29.295 tỉ đồng.
Đa số các trái chủ lớn của Novaland đều là ngân hàng, công ty chứng khoán thuộc ngân hàng và bảo hiểm. Trong đó, MB chính là trái chủ lớn nhất của Novaland khi rót gần 10.000 tỉ đồng vào công ty này qua kênh trái phiếu.
Theo đó, ngân hàng này đã mua 1.945,4 tỉ đồng trái phiếu ngắn hạn và 7.845,6 tỉ đồng trái phiếu dài hạn. Đáng chú ý, tất cả đều đến từ MB Chi nhánh Bắc Sài Gòn.
Lãi suất của các lô trái phiếu này khá cao, thường là trên 10%/năm và có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và quyền tài sản phát sinh liên quan đến một dự án tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, dự án tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, dự án tại phường Long Trường, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh và phần vốn góp của công ty chủ đầu tư dự án; cổ phần của công ty sở hữu bởi cổ đông,...
Không dừng lại ở việc mua trái phiếu, MB còn trực tiếp "đổ" cho Novaland số tiền rất lớn. Cuối năm 2021, MB Chi nhánh Bắc Sài Gòn đã cho Novaland vay ngắn hạn 225 tỉ đồng và vay dài hạn 1.275 tỉ đồng.
Ngoài ra, Công ty chứng khoán MB cũng mua trái phiếu Novaland trị giá ngàn tỉ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong các công điện về tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong hệ thống.
Mặc dù MB là á quân đầu tư vào trái phiếu với số tiền lên đến 42.962 tỉ đồng, tương ứng 7,08% tổng tài sản, tuy nhiên, ngân hàng này lại không bị thanh tra.
Theo tìm hiểu của phóng viên, bất động sản là một trong những lĩnh vực được MB đầu tư trái phiếu mạnh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tong-no-phai-tra-gap-gan-4-lan-von-chu-so-huu-novaland-cam-hoi-bang-trai-phieu-179220618012647541.htm