Tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm 2023

16:23 - 29/05/2023

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023. Về chỉ số bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,83%.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tình hình kinh tế trong tháng 5/2023 có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Cụ thể, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất thủy sản đạt kết quả khá trong cả hoạt động nuôi trồng và khai thác.

Tình hình sản xuất nông nghiệp có giảm nhẹ. Tuy nhiên, do thời tiết tương đối thuận lợi nên rau màu các loại sinh trưởng và phát triển tốt.

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2023  - Ảnh 1.

Mảng chăn nuôi phát triển ổn định, các cơ sở chăn nuôi mở rộng quy mô. Chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Tình hình sản xuất công nghiệp duy trì ổn định, có chiều hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm 2023 - Ảnh 2.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5/2023 ước đạt 45,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 177 nghìn tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 24,9% và tăng 10,8%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng 2023 tăng 3,55% so với cùng kỳ

Báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 giảm 0,01% so với tháng trước. So với tháng 12/2022 CPI tăng 0,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,43%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,83%, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,55%).

Tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm 2023 - Ảnh 4.

Có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; Nhóm đồ uống và thuốc lá; Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế. 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm giáo dục; Nhóm bưu chính viễn thông; Nhóm giao thông.

Cũng theo Báo cáo, nguyên nhân của chỉ số CPI và lạm phát tăng chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 5 tháng đầu năm 2023 giảm 15,27% so với cùng kỳ 2022, giá gas giảm 8,51% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa có xu hướng giảm nhẹ

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD.

Tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm 2023 - Ảnh 5.

Cụ thể, trong 5 tháng, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 35,19 tỷ USD, giảm 13,2%, chiếm 25,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 100,98 tỷ USD, giảm 11,1%, chiếm 74,2%.

Có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,4%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,77 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 120,24 tỷ USD, chiếm 88,3%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 10,79 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 3,37 tỷ USD, chiếm 2,5%.

Đối với nhập khẩu hàng hóa, trong 5 tháng khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu đạt 43,95 tỷ USD, giảm 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82,42 tỷ USD, giảm 17,5%.

Có 24 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 03 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 41,6%).

Các số liệu báo cáo về tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước

Báo cáo cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 5/2023 ước đạt 103,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán năm và giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 5/2023 ước đạt 152 nghìn tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 653,1 nghìn tỷ đồng, bằng 31,5% dự toán năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, báo cáo mới của Tổng cục Thống kê nhận định, tình hình xã hội trong 5 tháng năm 2023 có nhiều chỉ số được cải thiện trong đời sống dân cư. Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm 2023 - Ảnh 6.

Các chỉ số về vận tải hành khách và hàng hóa, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, vận tải hành khách ước đạt 1.855,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 99,5 tỷ lượt khách.km, tăng 41,9%.

Trong khi đó, ở lĩnh vực du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2023 ước đạt 916,3 nghìn lượt người, giảm 6,9% so với tháng trước và gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 63% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch COVID-19.


Nguồn: Tổng cục Thống kê

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-5-thang-dau-nam-2023-179230529162339107.htm