Tiền đóng bảo hiểm xã hội của giáo viên có được giảm trừ thuế thu nhập cá nhân không?
Từ 1/7/2024, hệ số lương giáo viên mầm non và phổ thông công lập tăng lên 2.340.000 đồng/tháng. Hệ số lương tăng kéo theo tiền lương tháng cũng sẽ tăng và nhiều giáo viên phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng. Vậy, tiền đóng bảo hiểm xã hội của giáo viên có được giảm trừ thuế thu nhập cá nhân không?
Tiền đóng bảo hiểm xã hội có được giảm trừ thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 21 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 có quy định về thu nhập tính thuế như sau:
Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 10 và Điều 11 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, trừ các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện, các khoản giảm trừ quy định tại Điều 19 và Điều 20 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007.
Cùng với đó, tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC có quy định các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện thuộc khoản được giảm trừ khi tính thuế.
Bên cạnh đó, tại khoản a khoản 2 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện.
Trong đó, các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.
Như vậy, theo quy định trên thì các khoản đóng bảo hiểm xã hội thuộc các khoản được trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Mức giảm trừ gia cảnh còn bất cập
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi một người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,...
Người nộp thuế đang bị thiệt thòi rất nhiều, trong đó có giáo viên.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá hàng hóa năm so với năm 2020: giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27% và đặc biệt giá xăng tăng tới 105%,...
Có thể nhận thấy, mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng, cha mẹ không thể nuôi con bậc trung học phổ thông ăn, học và những chi phí phát sinh khác.
Với mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng, con cái cũng không thể nuôi đủ cha mẹ già ăn uống, sinh hoạt và các chi phí khám chữa bệnh.
Đáng nói, hệ số lương tăng lên 2.340.000 đồng/tháng nhưng mức thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh vẫn chưa được điều chỉnh phù hợp khiến người lao động, trong đó có giáo viên càng thêm lo lắng.
Bởi vì, lương tăng kéo theo việc thu nhập tính thuế sẽ tăng. Vì vậy, mức giảm trừ vẫn ở mức 4,4 triệu đồng/tháng khiến chính sách cải cách tiền lương mất nhiều ý nghĩa.
Liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cho biết hiện chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh mà biến động chỉ số giá chưa đến mức 20% hoặc chờ sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tien-dong-bao-hiem-xa-hoi-cua-giao-vien-co-duoc-giam-tru-thue-thu-nhap-ca-nhan-khong-179240724230838735.htm