Tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển
Trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển ngày càng ưa chuộng tiền ảo, Liên Hợp Quốc khuyến nghị các quốc gia nên hạn chế sử dụng loại tài sản này vì nó có thể đe dọa sự ổn định nền tài chính của họ.
Các nước đang phát triển đua nhau dùng tiền ảo
Tháng 9/2021, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp. Động thái này khiến cả thế giới bất ngờ. Sau đó, một số quốc gia đã bắt đầu đã xem xét "nối gót" El Salvador hợp pháp hóa đồng tiền kỹ thuật số có vốn hóa lớn nhất này. Đến giữa năm nay, Trung Phi đã thông báo Bitcoin trở thành tiền tệ hợp pháp tại đây.
Theo báo cáo mới đây của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), tiền ảo đã trở nên phổ biến ở châu Phi và nhiều nước đang phát triển khác, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 hoành hành. Tại Kenya, Nam Phi và Nigeria, tỉ lệ sử dụng tiền kỹ thuật số lên đến hơn 6%.
Nhiều công ty tại một số quốc gia như Argentina, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ... cũng đã chuyển hướng sang sử dụng tiền ảo trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Các công ty này dùng công nghệ blockchain để thu hút nhân tài trên toàn thế giới và trả lương cho nhân viên bằng tiền số, như Bitcoin, Ether và các stablecoin dựa trên USD, nhằm tiết kiệm phí chuyển tiền quốc tế truyền thống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tiền ảo trở nên ngày càng phổ biến.
Chỉ ra lý do tiền điện tử ngày càng được sử dụng nhiều tại các nước đang phát triển, UNCTAD cho biết ngoài yếu tố giúp hoạt động chuyển tiền hiệu quả hơn, tiền ảo còn được sử dụng như tài sản phòng hộ các rủi ro lạm phát và nguy cơ tiền tệ.
Trên lý thuyết, tiền số và công nghệ blockchain cho phép mọi người tham gia sử dụng dịch vụ tài chính nhanh chóng với chi phí thấp. Vì vậy những người có thu nhập thấp, thiệt thòi về tài chính rất dễ chấp nhận tiền ảo. Thực tế, tại châu Phi, các ngân hàng rất khó tiếp cận với phân khúc này. Thậm chí, ngay cả khi tiếp cận được dịch vụ ngân hàng, phí giao dịch cao tiếp tục lại trở thành rào cản.
Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế trì trệ, cùng với các cuộc khủng hoảng nợ và bất ổn chính trị khiến đồng nội tệ của các nước có lạm phát cao như Kenya và Nigeria yếu đi. Từ đó, sự xuất hiện của của tiền kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ giải quyết cả vấn đề này.
Rủi ro tiềm tàng
Trong ba bản tóm tắt chính sách mới công bố ngày 10/8, UNCTAD cảnh báo dù các loại tiền điện tử sử dụng trong lĩnh vực tư nhân mang lại lợi ích cho một số nhóm và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chuyển tiền, nhưng đây là những tài sản tài chính không ổn định, có thể gây ra nguy cơ và chi phối xã hội.
Tiền ảo có nguy cơ đe dọa ổn định tài chính, quá trình huy động vốn trong nước và an ninh của các hệ thống tiền tệ.
Theo UNCTAD, những cú sốc liên quan tiền điện tử xảy ra trong thời gian gần đây trên thị trường cho thấy những rủi ro đối với khu vực tư nhân khi sử dụng tiền điện tử. Chỉ trong năm nay, vốn hóa thị trường tiền ảo đã bốc hơi 70%, gây ảnh hưởng xấu đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là những người không hiểu rõ về loại tài sản này.
Một vấn đề khác được các nước đang phát triển quan tâm là mối đe dọa với nội tệ. Nếu tiền điện tử trở thành công cụ thanh toán được sử dụng rộng rãi và thậm chí thay thế các đồng tiền nội tệ một cách không chính thức, nó có thể làm suy yếu quyền tự quyết về chính sách tiền tệ của các quốc gia. Tại các nước đang phát triển chưa đáp ứng nhu cầu dự trữ tiền tệ, các đồng tiền kỹ thuật số "nương theo" đồng USD còn gây những rủi ro đặc biệt.
Nên hạn chế sử dụng tiền ảo
Trước những rủi ro của tiền ảo đối với nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển, UNCTAD đã kêu gọi thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sử dụng tiền điện tử tại các quốc gia này.
Theo đó, UNCTAD đề xuất một số biện pháp như hạn chế, hoặc cấm quảng cáo tiền số ở những nơi công cộng hoặc trên mạng xã hội.
Các hoạt động trao đổi tiền điện tử, ví điện tử, tài chính phi tập trung và cấm các thể chế tài chính công sở hữu tiền điện tử, hoặc cung cấp những tài sản liên quan đồng tiền này cho khách hàng cần phải được quản lý. UNCTAD nhấn mạnh cần điều chỉnh các biện pháp kiểm soát vốn, theo đó tính đến các đặc điểm phi tập trung, không biên giới và mạo danh của tiền điện tử.
UNCTAD cũng khuyến nghị các nước đang phát triển nên áp dụng một số biện pháp như áp thuế đối với các giao dịch sử dụng công nghệ và yêu cầu bắt buộc đăng ký đối với các ví kỹ thuật số và sàn giao dịch tiền số.
Tổ chức này còn đưa ra ý tưởng cấm các tổ chức tài chính nắm giữ tài sản kỹ thuật số và ngăn họ cung cấp các dịch vụ liên quan cho khách hàng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tien-ao-tiem-an-nhieu-rui-ro-dac-biet-voi-cac-quoc-gia-dang-phat-trien-179220811150202052.htm