Tích cực hoạt động khuyến học đưa Thành phố Hạ Long, Uông Bí tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu
Các cấp hội khuyến học tỉnh Quảng Ninh chú trọng hoạt động thiết thực, chất lượng, hiệu quả nhằm đưa Thành phố Hạ Long, Uông Bí tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.
Các cấp hội khuyến học tỉnh Quảng Ninh chú trọng hoạt động thiết thực, chất lượng, hiệu quả
Theo Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh, năm 2024 là năm đầu triển khai Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 9/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, sự phối hợp kịp thời, đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương. Qua đó thúc đẩy mạnh mẽ phong trào xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập”, “Cộng đồng học tập”.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp hội khuyến học tỉnh Quảng Ninh chú trọng hoạt động thiết thực, chất lượng, hiệu quả. Theo đó, vừa mở rộng tổ chức, vừa đổi mới hoạt động; vừa phát huy nội lực, vừa thực hiện vai trò nòng cốt liên kết, phối hợp các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia khuyến học.
Năm 2024, Quảng Ninh đã thành lập một số tổ chức khuyến học mới, như: Hội Khuyến học Trường Cao đẳng Nghề xây dựng Quảng Ninh, Ban Khuyến học Ban quản lý Vịnh Hạ Long, Ban Khuyến học Cục Hải quan tỉnh.
Đến nay toàn tỉnh có 196 hội, 2.313 chi hội, 2.098 ban khuyến học. 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh kết nạp 3.040 hội viên, nâng tổng số 467.032 hội viên, chiếm 33,5% dân số của tỉnh.
Các cấp hội khuyến học tỉnh Quảng Ninh cũng tích cực đăng ký phấn đấu đạt các danh hiệu gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và công dân học tập. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Quảng Ninh có 326.385 gia đình đăng ký gia đình học tập (chiếm 89,3% tổng số gia đình), 1.145 dòng họ đăng ký dòng họ học tập (78%), 1.408 cộng đồng thôn, khu đăng ký cộng đồng học tập (97,4%), 892 đơn vị cấp xã đăng ký đơn vị học tập (98,5%), 629.719 công dân đăng ký công dân học tập (62% dân số).
Cùng với đó, công tác vận động, phát triển và sử dụng quỹ khuyến học, khuyến tài ghi nhận những kết quả nổi bật; tổng quỹ khuyến học huy động đến nay được trên 22,9 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp hội đã trao 473 suất học bổng (267,9 triệu đồng), chi khen thưởng cho 1.646 giáo viên (522,6 triệu đồng), chi khen thưởng 18.928 học sinh, sinh viên (trên 1,7 tỷ đồng).
Theo Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh, thời gian tới Hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả vai trò nòng cốt liên kết, phối hợp các tổ chức, các lực lượng tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trong đó chú trọng xây dựng tổ chức Hội Khuyến học vững mạnh; củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ chức hội khuyến học các cấp; đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức hội và hội viên trong các trường cao đẳng, đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang; phát triển hội viên là cán bộ, đảng viên.
Cùng với đó, tiếp tục xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập”; phấn đấu tạo chuyển biến mạnh mẽ, đều khắp, vững chắc phong trào xây dựng các mô hình học tập; hỗ trợ tích cực để Thành phố Hạ Long, Thành phố Uông Bí tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Giải thưởng “Thành phố Học tập toàn cầu” của UNESCO không phải là giải thưởng cho thành công xuất sắc, nó cũng không trao tặng một danh hiệu chính thức. Thay vào đó, mục tiêu của Giải thưởng là để ghi nhận và trao thưởng cho những nỗ lực vượt bậc nhằm phát triển thành phố học tập trong các cộng đồng trên toàn thế giới. Giải thưởng này sẽ được trao cho các thành phố đạt được tiến bộ đột phá trong việc thúc đẩy học tập suốt đời cho mọi người nhờ đặt những nền tảng đầu tiên để xây dựng nên một thành phố học tập. Như Đặc trưng cơ bản của Thành phố Học tập đã giải thích, những nền tảng này bao gồm:
Thúc đẩy cơ hội học tập từ cơ bản tới đại học một cách bình đẳng cho mọi người;
Thúc đẩy học trong gia đình và trong cộng đồng;
Tạo điều kiện học tập phục vụ công việc và tại nơi làm việc;
Mở rộng việc sử dụng các công nghệ học tập hiện đại;
Tăng cường chất lượng và tính toàn diện trong học tập;
Thúc đẩy văn hóa học suốt đời.