Thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng
Ngày 18/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã dự Hội nghị Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023 và Hội thảo Ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số.
Chuyển đổi số ngân hàng sẽ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn coi chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngân hàng được coi là huyết mạch của nền kinh tế. Vì vậy, ngành ngân hàng chuyển đổi số nhanh sẽ thúc đẩy cả nước chuyển đổi số nhanh.
Việc này không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đặt ra trong năm 2023 là "năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" mà qua đó còn thực hiện tốt quan điểm phát triển đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của Đảng là: "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số".
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao về việc ngành ngân hàng đã lựa chọn thông điệp chuyển đổi số ngành ngân hàng năm nay: "Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số".
Theo Phó Thủ tướng, những thông tin về sản phẩm dịch vụ, số liệu về tốc độ tăng trưởng,... là minh chứng thuyết phục về những kết quả chuyển đổi số mà ngành ngân hàng đã đạt được. Tiêu biểu như: tỉ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt 74,63%. Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, thanh toán mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%. Nhiều chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số của ngành,...
Đồng thời, hệ thống nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, có kết quả ngay. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngân hàng,...
Đặc biệt, ngành ngân hàng đã và đang tích cực triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ để ứng dụng dữ liệu dân cư trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng với nhiều sản phẩm - dịch vụ thiết thực, phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số của ngành ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể là, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, vướng mắc, nhất là về định danh, xác thực điện tử… Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin còn bất cập. Việc kết nối, khai thác dữ liệu dân cư, bảo hiểm, thuế… còn ở phạm vi hẹp.
Bên cạnh đó, sự tham gia phối hợp các doanh nghiệp công nghệ tài chính còn hạn chế. Tội phạm công nghệ cao với hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Các nguồn lực, nhất là nhân lực trình độ cao cho chuyển đổi số còn thiếu hụt, trong đó có nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ phiền hà cho người dân, doanh nghiệp."
Nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số ngành ngân hàng
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục quán triệt, thống nhất cách làm, quyết liệt trong tổ chức triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, về xây dựng, cải cách thể chế: tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để xây dựng các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.
Thứ hai, về hạ tầng số: Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển của các hệ thống vệ tinh là các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các hạ tầng tập trung. Điều này cho phép kết nối, khai thác và chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng.
Thứ ba, về an ninh, an toàn: xu hướng toàn cầu hóa, chuyển đổi số cũng sẽ đi liền với rủi ro về tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng với các thủ đoạn tinh vi, diễn biến phức tạp.
Vì vậy, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng cần được quan tâm chú trọng, cần có sự cân bằng hợp lý giữa đầu tư phát triển sản phẩm với đầu tư cho công tác đảm bảo an ninh an toàn hệ thống công nghệ thông tin; giữa trải nghiệm, thuận tiện khách hàng với bảo mật dữ liệu, bảo vệ khách hàng khi giao dịch trên kênh số.
Thứ tư, về nguồn nhân lực: Ngân hàng nhà nước cần chú trọng công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao; đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia đầu ngành; đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn ngành Ngân hàng.
Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp để phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ của người lao động ngành ngân hàng nhằm phục vụ tốt hơn nữa người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển, tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng như công nghệ giao tiếp tầm ngắn (NFC), công nghệ thẻ thanh toán không tiếp xúc,...
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu toàn ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số, cùng với các giải pháp khác để tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất huy động qua đó có dư địa để tiếp tục giảm lại xuất cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận vốn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021, Ngân hàng Nhà nước được xếp vị trí thứ 1 về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ 2 về chỉ số thể chế số và xếp thứ 4 về chỉ số hoạt động chuyển đổi số.
Theo báo cáo của Bộ Công an, đến tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tăng hơn 7 triệu thông tin so với tháng 3/2023), trong đó đã có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt tỉ lệ 83,28%).
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thuc-day-chuyen-doi-so-ung-dung-du-lieu-dan-cu-trong-hoat-dong-ngan-hang-179230518171254248.htm