Thúc đẩy chuyển đổi số du lịch với hệ thống thẻ ứng dụng đa tiện ích

PV
06:00 - 06/12/2022

Tháng 12/2022, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cùng các đơn vị đối tác chính thức khởi động Dự án “Thẻ Việt” thuộc chương trình “Một thẻ Quốc gia” do Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan.

Dự án trọng điểm quốc gia, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số du lịch

Với quy mô của một dự án trọng điểm quốc gia, Dự án “Thẻ Việt” có 3 sản phẩm chủ lực bao gồm: Thẻ Việt, Nền tảng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” và Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch” sẽ chính thức được phát hành và sử dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Thẻ Việt là sản phẩm chiến lược trong hệ sinh thái du lịch thông minh, bao gồm 2 hình thức thẻ vật lý và thẻ số. Thẻ Việt được sử dụng trong lĩnh vực du lịch và đặc biệt được kết nối liên thông với tiện ích ở nhiều lĩnh vực liên quan khác như: y tế, giáo dục, giao thông, thương mại điện tử và tiện ích khu dân cư. Sử dụng Thẻ Việt, người dùng có thể tiết kiệm thời gian, thanh toán tiện lợi và tích lũy ưu đãi dựa trên tiêu dùng.

Thúc đẩy chuyển đổi số du lịch với hệ thống thẻ ứng dụng đa tiện ích - Ảnh 1.

Thẻ du lịch thông minh sẽ cung cấp định danh duy nhất của người dùng trên toàn hệ thống nền tảng số của Tổng cục Du lịch. Thẻ được phát hành theo hai hình thức: Thẻ vật lý và thẻ phi vật lý (thẻ điện tử) trên ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel.

Thẻ Việt - Thẻ Du lịch thông minh được ứng dụng công nghệ chip EMV, mã hóa Triple DES…, thẻ tích hợp đầy đủ các tính năng của một thẻ ngân hàng, hỗ trợ liên kết và nạp tiền từ các tài khoản ngân hàng nội địa, mang đến cho người dùng nhiều tiện ích, giúp thanh toán điện tử thuận tiện và an toàn với công nghệ thanh toán 1 chạm, thanh toán trực tuyến, không tiếp xúc. Thẻ cũng tích hợp chữ ký số cá nhân phục vụ nhu cầu thực hiện ký số trên các văn bản điện tử, định danh duy nhất và xác thực trên hệ thống, check-in tự động nhanh chóng…

Thẻ Việt sẽ chấp nhận thanh toán từ tất cả các ngân hàng ở trong nước và các ngân hàng ở nước ngoài có kết nối với cổng thanh toán quốc gia NAPAS, hoàn thiện tiện ích thanh toán “1 chạm”. Các giao dịch thanh toán dịch vụ du lịch giữa người dùng Thẻ Việt và các điểm chấp nhận thanh toán Thẻ Việt sẽ không phát sinh bất cứ chi phí nào. 

Thúc đẩy chuyển đổi số du lịch với hệ thống thẻ ứng dụng đa tiện ích - Ảnh 2.

Nền tảng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel là ứng dụng cốt lõi của ngành Du lịch Việt Nam, hỗ trợ du khách toàn trình: từ tìm kiếm thông tin du lịch, tra cứu doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, đặt phòng, đặt vé, thanh toán điện tử, quản lý tour du lịch, phản ánh tới cơ quan chức năng… 

Giải pháp này giúp hình thành và thúc đẩy thói quen mới trong du lịch - “thanh toán không tiền mặt”, tiết kiệm thời gian, công sức, tăng trải nghiệm và tiện ích cho người yêu du lịch tại Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về “du lịch xanh” góp phần bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, hướng tới phát triển du lịch thực sự bền vững.

Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch: 1 trong 35 nền tảng số quốc gia cần ưu tiên phát triển. Đây là môi trường số kết nối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và các cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương và địa phương. 

Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch” sẽ tối ưu hóa quản lý và phát triển du lịch dựa trên dữ liệu số, phát triển kinh tế số du lịch của từng địa phương và quốc gia. Các tính năng chủ yếu gồm có: thanh toán điện tử 1 chạm, quản lý phòng tại các cơ sở lưu trú, quản lý chương trình khuyến mãi, quản lý bán hàng, quản lý khách hàng thân thiết, hướng dẫn đa phương tiện (multi-media guide), báo cáo thống kê theo quy định.

Dự án "Thẻ Việt" nhằm mục tiêu hình thành các nền tảng số tầm quốc gia, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong ngành du lịch cũng như thực hiện mục tiêu Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia.

Ngành du lịch đang tích cực triển khai hoạt động chuyển đổi số

Tổng cục Du lịch đã ra mắt hệ thống thư điện tử (email) xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại địa chỉ https://mail.vietnam.travel. Đây là lần đầu tiên ngành du lịch Việt Nam có một hệ thống email chung chuyên trách phục vụ hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, đồng bộ với thương hiệu vietnam.travel (website quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài của Tổng cục Du lịch).

Ngày 4/11/2022, Tổng cục Du lịch ban hành Công văn số 1818/TCDL-TTTTDL gửi Sở quản lý du lịch các địa phương về việc phối hợp triển khai công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Theo đó, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) được giao là đầu mối phối hợp với các địa phương để triển khai hoạt động chuyển đổi số, kết nối liên thông các hệ thống đã có của địa phương với các nền tảng số của Tổng cục Du lịch. 

Nnhiều địa phương đã tích cực kết nối, phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch để tổ chức các chương trình tập huấn về chuyển đổi số du lịch trên địa bàn, tiêu biểu như Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, Mường La (Sơn La),…

Theo kế hoạch, trong tháng 12/2022, Trung tâm Thông tin du lịch sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn chuyển đổi số tại một số địa phương như Cần Thơ, Gia Lai, Kiên Giang…

Năm 2022, Việt Nam đã đón 2,95 triệu lượt khách quốc tế

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 11/2022, Việt Nam đón 569,9 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 23,2% so với tháng trước. Lượng khách nhiều nhất đến từ Hàn Quốc, các thị trường châu Âu, Ấn Độ tăng trưởng tốt.

Thúc đẩy chuyển đổi số du lịch với hệ thống thẻ ứng dụng đa tiện ích - Ảnh 4.

Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 (nghìn lượt). Nguồn: Tổng cục Thống kê/Trung tâm Thông tin du lịch

Tính chung 11 tháng đầu năm 2022 có trên 2,95 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, khách đến từ Hàn Quốc nhiều nhất với 763,9 nghìn lượt, tương đương 26%, tiếp theo là Mỹ với 266,1 nghìn lượt, chiếm 9%.

Thúc đẩy chuyển đổi số du lịch với hệ thống thẻ ứng dụng đa tiện ích - Ảnh 5.

Khách nội địa đến Việt Nam năm 2022 (triệu lượt). Nguồn: Tổng cục Du lịch/Trung tâm Thông tin du lịch

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, lượng khách nội địa tháng 11/2022 ước đạt 4,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng số khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt, cao hơn nhiều so với con số cả năm 2019 - thời điểm trước khi dịch xảy ra.

Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 456,7 nghìn tỉ đồng, tương đương 70% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch COVID-19.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thuc-day-chuyen-doi-so-du-lich-voi-he-thong-the-ung-dung-da-tien-ich-179221205173057404.htm