Thua thiệt từ phim ảnh và công nghệ biểu diễn

02:02 - 07/07/2022

Khoảng thập niên 2.000, phim truyền hình từ cổ trang đến hiện đại, cùng các công nghệ biểu diễn của Trung Quốc, Hàn Quốc bắt đầu ồ ạt "vượt biên" vào Việt Nam. "Sức mạnh mềm văn hóa" đó đã chinh phục khán giả Việt và chứng tỏ một điều: Chúng ta đã thua thiệt ghê gớm ngay trên sân nhà!

Quá thua thiệt nước người từ phim và công nghệ biểu diễn - Ảnh 1.

Poster của một trong số những bộ phim cổ trang Hàn Quốc hay nhất mọi thời.

Trong quá trình hội nhập, sự ảnh hưởng lẫn nhau của các nền văn hóa, nhất là văn hóa của các quốc gia có sự tương đồng, gần gũi nhau, là lẽ thường. Và Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng đó.

Không khó để nhận ra, Hàn Quốc đã triệt để sử dụng "sức mạnh mềm văn hóa" để chinh phục Việt Nam. 

Trước khi những thước phim Hàn Quốc bắt đầu phổ biến tại nước ta, người Việt dường như đã khá chán chường với phim truyền hình nước nhà, bởi lối diễn bị sân khấu hóa một cách vụng về, thô thiển.

Đôi khi, đạo diễn đổ cho đó là do thiếu kinh phí đầu tư chiều sâu, nâng cao giá trị nghệ thuật. Nhưng lối diễn đơn giản, hay đạo cụ cẩu thả thì thật khó giải thích. Như trong một cảnh quay cuộc chống buôn lậu qua biên giới, người diễn chỉ vác những bao thùng carton rỗng, chạy tong tong nhẹ bẫng, chẳng toát lên chút sự nặng nhọc, vất vả, trốn tránh gì. 

Trở lại nhiều năm trước, báo chí nước nhà đồng loạt loan truyền một tin ngồ ngộ. Dù ở mãi xã A Tiêng, huyện Tây Giang, miền núi Quảng Nam, nhưng người Cơ Tu lại đua nhau đặt tên con theo tên của các minh tinh màn bạc Hàn Quốc. Điều này ngạc nhiên quá hỉ? Nhưng sao lại thấy thương? Mà lại không nén được cười,... cười như mếu!

Báo chí nói rằng, anh Pơloong Huân là văn thư xã. Anh có hai ái nữ và một nam quý tử do vỡ kế hoạch. Cả ba đều được đặt những cái tên "lai" Hàn, chỉ vì gia đình nghiện phim "Mối tình đầu". Cụ thể, trưởng nữ nhà anh Huân (8 tuổi) có mỹ tự là Pơloong San Ốc, thứ nữ là Pơloong San Ân, còn chàng út tí nheo thửa cái tên Pơloong San U. Rõ ràng tên nào cũng lai 50%, đầu thì Cơ Tu chính hãng, nhưng đuôi đích thị "Tây" lai. 

Mà trường hợp này, dân ta thường gọi là: "Đầu Ngô mình Sở".

Những tưởng chỉ mỗi mình nhà anh Pơloong Huân, do làm văn thư, có tí chữ nên mới tiến lên hội nhập quốc tế nhanh thế. Ai dè, khi ông cán bộ tư pháp xã Bling Ria cho xem sổ hộ tịch, thì chao ôi, một loạt những cái tên nửa Cơ Tu, nửa Hàn Quốc lộ ra. Nào là Pơloong San Diu, con anh Pơloong A Gương; Alăng Na Ra, con của Alăng Ân; Briu Thị Hy Su, con của Briu Nhỏ; Riah Thị Su U, con của Riah Như; Blúp thị Na Ru, con của Blúp Né. 

Mới nghe qua những cái tên như Giang Gun, Zơ Râm Sô Ra, Pơloong Hiên U..., cứ ngỡ đây là lò đào tạo diễn viên Hàn nhập cảng, hay phim trường liên doanh giữa ta và Hàn Quốc đã chọn miền rừng hoang dã này làm đất "đóng đô" để tiện cho những phim dã sử thời lập quốc xứ kim chi, xứ nhân sâm lúc lỉu như ta trồng củ cải vậy.

Khi được phỏng vấn vì sao lại đặt tên con "nửa ta nửa tây" như thế, những ông bố Cơ Tu hồn nhiên và lãng mạn bảo tại mê phim Hàn, mê cái "mã" của các sao Hàn. Nó ăn gì mà đẹp, mà chân dài, mà nó... "thích lắm". Và nếu Giàng cho đẻ nữa thì vẫn cứ tiếp tục đặt tên con theo Gun, Súc, Đông, Lee, U, Su, Na, Ku, Kiu, Kee..., thế mới hách.

Cái sự cười ra nước mắt ở đây là những "sao" Hàn hóa ở A Tiêng lại là những "nghệ sĩ" nhí có quần thì không áo, có áo thì không quần, thậm chí không cả quần cả áo. Các "nghệ sĩ" này cứ thế mà vầy bùn đất cho nó mát, nó sướng, nó thiên nhiên.

Một lần sang Hàn Quốc, tôi trò chuyện với một người bạn. Khi nói về hàng vạn cô gái Việt làm dâu xứ Hàn, ông hóm hỉnh: "Biết đâu tổng thống tương lai của Hàn Quốc lại có 50% dòng máu Việt".

Nhìn lại, quả thực, câu chuyện đặt tên con ở A Tiêng phản ảnh một thực tế không thể chối bỏ: Phim Hàn đã đánh bật phim ta ở ngay lãnh địa ta. 

Ngẫm, bỗng thấy càng thương những chàng Pơloong San U, những nàng Briu Thị Hy Su biết mấy!

Công nghệ biểu diễn cũng không kém phần sôi động. Mỗi lần những ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc đến Việt Nam là dư luận lại lập tức sục sôi. Những sân khấu ngoài trời như tại sân vận động Mỹ Đình thu hút hàng vạn bạn trẻ trong nước, dù giá vé vô cùng đắt đỏ. Thậm chí, để có cơ hội vào xem, nhiều người chọn mua lại vé "chợ đen".

Chúng ta đã thua thiệt ghê gớm khi bị Hàn Quốc chinh phục, xâm lấn. Đây cũng chính là câu hỏi lớn cho các nhà văn hóa, quản lí văn hóa, các chính sách cải thiện đời sống và khai thông dân trí cho vùng sâu trong cuộc chấn hưng văn hóa, mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị. Nhất là khi sự suy thoái về đạo đức, sự vô cảm, nhạt tình còn đang ảnh hưởng đến tận giờ.

Mấy năm gần đây, sự vô cảm trong học đường, học sinh cãi nhau, chửi bới, đánh lại cả thầy giáo, đánh hội đồng chúng bạn cùng lớp, hay khác lớp có cải thiện hơn. Nhưng trên báo chí, các cơ quan pháp luật, vẫn liên tục xuất hiện thông tin những nhóm thanh thiếu niên dàn trận đánh nhau liều lĩnh bằng tuýp sắt, giáo mác, phóng lao… tự chế, hoặc nhập lậu, gây nhiều thương vong,... cho thấy hiện thực xã hội vẫn vô cùng nhức nhối.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thua-thiet-tu-phim-anh-va-cong-nghe-bieu-dien-179220706151617085.htm