Thủ tướng yêu cầu xem xét việc Bảo hiểm y tế đang “treo” hơn 1.600 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét nội dung báo chí phản ánh về bảo hiểm y tế để có giải pháp xử lý theo quy định.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 5188/VPCP-KTTH ngày 13/8/2022 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét nội dung báo chí phản ánh về việc Bảo hiểm y tế đang “treo” hơn 1.600 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh, để có giải pháp xử lý theo quy định.
Được biết trao đôir với báo chí giới, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế cho biết, đến nay tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt trần thanh toán, vượt dự toán hoặc do một số nguyên nhân khác chưa được quyết toán đã lên đến 1.601 tỷ đồng.
Các chi phí này đang được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực phân tích hồ sơ, phân loại để xác định các chi phí đủ điều kiện thanh toán, tổng hợp báo cáo Hội đồng quản lý xem xét cho phép đưa vào quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2021.
Những khó khăn, vướng mắc thuộc về cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, Chính phủ được ông Phúc chỉ ra là một số chi phí thuốc, vật tư y tế chưa được thanh toán cho các bệnh viện; thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật từ các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hóa chưa chuyển đổi hình thức sở hữu theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, hiện chưa có hướng dẫn quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2021, trong khi đã phát sinh một số vấn đề mới mang tính đặc thù, số lượt người đến khám, chữa bệnh giảm do tình hình dịch COVID-19 dẫn đến việc áp dụng xác định tổng mức thanh toán theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã có những bất cập nhất định.
Theo đại diện bệnh viện Bạch Mai, việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện có khoảng 26 tỷ đồng với 9 hạng mục chưa được thanh toán bảo hiểm y tế. Trong đó riêng khoản chi phí vượt tổng mức thanh toán năm 2020 là gần 21,8 tỷ đồng. Một số bệnh viện khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ngoài ra, giá dịch vụ y tế hiện cũng là khó khăn của bệnh viện công.
Còn theo Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh, có 7 yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ y tế, nhưng viện phí hiện tại chỉ thu 4 yếu tố, trong khi các cơ sở y tế (ngoại trừ bệnh viện phong, lao, tâm thần) đều thực hiện tự chủ tài chính; vì vậy kiến nghị Bộ Y tế sớm thực hiện tính lại giá viện phí, giảm sức ép lên cơ sở y tế.