Thủ tướng: Thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam
Ngày 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương.
Việt Nam "đi sau nhưng về trước" trong phòng chống dịch COVID-19
Phát biểu tại hội nghị, về công tác chỉ đạo điều hành phòng chống dịch, Thủ tướng đánh giá, chúng ta đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và điều chỉnh linh hoạt, kịp thời khi tình hình diễn biến phức tạp hơn, thành lập hệ thống chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở.
Chúng ta có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận đúng với việc xác định cách mạng là sự nghiệp của toàn dân, do dân, vì dân; đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết,trước hết; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của toàn dân.
Công tác phòng, chống dịch đã được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó huy động sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, sự hợp tác, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, Chính phủ đề ra và triển khai chiến lược vaccine với 3 thành tố quan trọng: Thứ nhất là lập Quỹ Vaccine để huy động nguồn lực tài chính; thứ hai là tiến hành ngoại giao vaccine để tiếp cận vaccine trong bối cảnh tiếp cận vaccine không bình đẳng; thứ ba là triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay miễn phí cho toàn dân. Chiến lược này đã được thực tế chứng minh là phù hợp và hiệu quả.
Cùng với đó, xác định 3 trụ cột chống dịch gồm cách ly, xét nghiệm và điều trị; xác định công thức "5K + vaccine + điều trị + xét nghiệm + công nghệ + ý thức của người dân và các biện pháp khác", trong thực tế chỉ đạo, điều hành đặc biệt nhấn mạnh hai yếu tố rất quan trọng là vaccine và ý thức của người dân. Trong bối cảnh khó khăn, đã huy động đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ, các chiến sĩ công an, bộ đội tham gia tuyến đầu chống dịch.
Một yếu tố quan trọng khác là tuy có những lúc bị động, lúng túng do dịch bệnh chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, song công tác chỉ đạo, điều hành đã bám sát, nắm chắc tình hình, chuyển trạng thái phù hợp từ "Zero COVID" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" khi đã bao phủ vaccine và có nhiều kinh nghiệm hơn.
Công tác truyền thông được đặc biệt chú trọng; ứng dụng công nghệ thông tin có nhiều nỗ lực và đạt một số kết quả.
Theo Thủ tướng, trong phòng chống dịch, chúng ta đã phát huy rất tốt mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Kết quả là chúng ta đã đi sau về trước trong phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh, trở thành một trong những nước mở cửa sớm các hoạt động kinh tế xã hội trong nước từ 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022.
Đặc biệt, từ một nước tiếp cận sau về vaccine, có tỉ lệ tiêm chủng rất thấp, Việt Nam trở thành một trong 5 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất và là quốc gia duy nhất trong nhóm này có dân số đông khoảng 100 triệu người.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng được thúc đẩy. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Đối ngoại và hội nhập được tăng cường và mở rộng. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.
Tính đến 31/12/2022, đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh khoảng 451.000 tỷ đồng; giảm, hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khoảng 50.000 tỷ đồng; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng khoảng 13.000 tỷ đồng và hỗ trợ trên 47.200 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Các địa phương cũng chủ động triển khai chương trình an sinh xã hội và thực hiện hỗ trợ với hàng chục nghìn tỷ đồng. Tổng cộng, công tác an sinh xã hội đã được triển khai với khoảng 120.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 68 triệu lượt người và 1,48 triệu người sử dụng lao động, 150.000 tấn gạo được xuất cấp...
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch còn lúng túng, bị động lúc ban đầu; các quy định của pháp luật không bao quát được hết các tình huống dịch bệnh; hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng không đáp ứng được những tình huống bất thường, khẩn cấp; quản lý hành chính còn những bất cập, một số nơi chưa thực hiện đúng quy định, hướng dẫn; một số hạn chế về truyền thông, công nghệ, an sinh xã hội; sự chống phá của các thế lực thù địch…
Tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh có thể xảy ra, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế, nhất trí cao với các bài học kinh nghiệm mà các đại biểu đã chỉ ra. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung:
Thứ nhất, công tác phòng, chống dịch luôn đặt dưới sự lãnh đạo kịp thời của Trung ương, Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Thứ hai, phải hết sức bình tĩnh, kiên trì, bản lĩnh, tỉnh táo trước những diễn biến phức tạp, những thời khắc khó khăn, sáng suốt, linh hoạt đưa ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình, khả thi, hiệu quả.
Thứ ba, phát huy đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Cùng với đó, phải chuẩn bị năng lực của y tế dự phòng, y tế cơ sở ở mức cao hơn bình thường; nhanh chóng khắc phục hậu quả mà đại dịch gây ra; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh…
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh có thể xảy ra và cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm với đại dịch COVID-19, hậu quả đại dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh (nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế...) trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp.
Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, bảo đảm chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch; triển khai Luật Khám chữa bệnh vừa ban hành; nâng cao hơn nữa năng lực quản lý hành chính và công nghệ đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch…
Các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh có thể còn kéo dài, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với những người chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là trẻ em mồ côi cả về vật chất và tinh thần; tiếp tục hoàn thành xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua và xử lý các chính sách theo thẩm quyền khi chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; đẩy mạnh tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành việc tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; làm tốt công tác tổng kết kinh nghiệm.
Thủ tướng cho rằng, dù còn những khiếm khuyết, song về tổng thể, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Ban chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó và kết thúc nhiệm vụ tại đây.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị và báo cáo của đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, xây dựng bộ tài liệu tương đối hoàn chỉnh phản ánh quá trình phòng chống dịch, đúc rút các bài học kinh nghiệm, làm tốt công tác tuyên truyền để có khả năng thích ứng linh hoạt, hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra trong tương lai.