“Thư từ Roma”: Khủng hoảng “sắc tộc Ý” (Kỳ 3)
Kỳ 3 trong loạt bài "Thư từ Roma" - Khủng hoảng “sắc tộc Ý” của phóng viên Tô Phương Thủy - Phóng viên Tạp chí Công dân & Khuyến học thường trú tại Ý.
Xu hướng di cư phá vỡ nền tảng gia đình truyền thống tại Ý
Francesca là một tiến sĩ hóa học, sinh ra và lớn lên ở Roma. 3 năm trước, cô đã quyết định rời xa gia đình, đến sinh sống và làm việc tại San Diego (Mỹ). Francesca chỉ là một trong rất nhiều phụ nữ Ý trẻ, chọn không sinh con và rời bỏ Italia với mong muốn tìm kiếm tương lai tốt đẹp hơn.
Chảy máu chất xám
Theo cảnh báo mới nhất, được hãng phân tích dữ liệu Ipsos thực hiện cho Quỹ Barletta, có đến 35% thanh niên Italia dưới 30 tuổi mong muốn ra nước ngoài lập nghiệp, để có "mức lương cao hơn" và "cơ hội việc làm tốt hơn". Tỉ lệ này cho thấy, cứ ba người có bằng cấp ở Italia, ở tất cả các ngành nghề, thì có một người muốn rời bỏ quê hương, đặc biệt là những người trong lĩnh vực công nghệ cao.
Xu hướng di cư của người trẻ trở thành hiện tượng báo động ở tất cả các vùng, và thành phố của Italia. Nhưng ở miền Nam nước Ý, cuộc khủng hoảng di cư này tồi tệ hơn nhiều. Theo kết quả khảo sát của Ipsos, đối nghịch với 35% tỉ lệ thanh niên Italia sẵn sàng rời bỏ quê hương, chỉ có 15% cho biết muốn "lập nghiệp ở quê nhà". Có 18% khẳng định sẽ đi "bất cứ nơi nào khác tại Italia", và 32% sẵn sàng di chuyển "đến các vùng lân cận". Tổng cộng, khoảng 85% thanh niên muốn lập nghiệp xa nhà. Điều này thể hiện một biến động kinh tế và xã hội to lớn, cả về cơ cấu gia đình và đô thị tại Italia.
Milan, một thành phố đại học lớn (với hơn 200.000 sinh viên thuộc hơn 10 trường đại học đẳng cấp thế giới về chất lượng giáo dục và nghiên cứu) tiếp tục là điểm đến hấp dẫn – ngay cả đối với những người trẻ từ nước ngoài đến theo học và lập nghiệp. Nhưng phần còn lại của Italia đang gặp khó khăn. Số lượng sinh viên tốt nghiệp thấp (chỉ 22% dân số có trình độ học vấn cao hơn, ít hơn các nước EU khác), khiến năng suất lao động của Italia giảm sút, và từ đó, làm suy yếu động lực đổi mới, khởi nghiệp tại quốc gia này.
Trong khi miền Bắc Italia, với nền kinh tế phát triển hơn, đang cố gắng bù đắp thiếu hụt lực lượng lao động bằng cách thu hút thanh niên trẻ từ miền Nam, thì miền Nam không có cách nào để thay thế được lực lượng lao động thiếu hụt. Điều này dẫn đến việc, nhiều tỉnh thành ở miền nam nước Ý chỉ còn lại người già.
Trong khi đó, tỉ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm và đứng ở mức thấp nhất toàn Liên minh Châu Âu trong 15 năm qua, khiến thách thức đối với chính phủ của Thủ tướng Georgia Meloni ngày càng lớn.
Mặc dù người nước ngoài đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Italia cũng như giúp làm tăng số lượng học sinh đến trường ở nước này, việc giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh bằng người nhập cư đang là "điểm nghẽn đau đầu" đối với bà Meloni.
Phát biểu tại một diễn đàn khu vực hồi tháng 9, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cho rằng, di cư hợp pháp không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Italia, cũng như của "lục địa già". "Tôi nghĩ rằng hạn ngạch di cư hợp pháp… có thể đóng góp tích cực cho nền kinh tế của Liên minh Châu Âu, nhưng tôi vẫn tin rằng chúng ta sẽ có trách nhiệm hơn khi giao cho công dân châu Âu giải pháp cho cuộc khủng hoảng hệ thống phúc lợi châu Âu" – bà cho hay.
Chính phủ của Thủ tướng Georgia Meloni đã lập luận rằng vấn đề không thể chỉ được giải quyết bằng vấn đề nhập cư, "mà bằng nguồn lao động nữ chưa được sử dụng rộng rãi và bằng cách tập trung vào nhân khẩu học, với các biện pháp khuyến khích các gia đình sinh con ra đời".
Chính phủ của bà liên tục thúc đẩy các chính sách hỗ trợ sinh con, cũng như đang dự kiến sẽ đưa ra chính miễn thuế thu nhập cho các cặp đôi có con nhỏ. Tuy nhiên, ông Gustavo De Santis, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Florence, cho rằng "những chính sách tốt để hỗ trợ phụ nữ cũng như tái tạo việc làm cần một lượng ngân sách rất lớn, điều mà Italia không có".
Trẻ em trong các gia đình không còn đông đúc như xưa...
Với Francesca, dù đã hơn 30 tuổi, song cô chưa từng nghĩ đến việc sinh con. "Quá nhiều nỗi lo tài chính, và cả trách nhiệm nuôi dạy đứa trẻ trưởng thành" – cô tâm sự với tôi, từ Mỹ. Tuy nhiên, Francesca vẫn thấy rằng, nếu như có con, cô sẽ trở lại Italia, nơi nền tảng xã hội truyền thống luôn gắn kết tình cảm, quây quần. "Ở Italia, mỗi đứa trẻ là một mặt trời nhỏ và cả gia đình sẽ xoay quanh bé, mang đến cho bé tình yêu nồng ấm nhất. Không như ở Mỹ, các bậc cha mẹ thường thích phải dạy con độc lập ngay từ khi còn nằm nôi. Đó không phải điều mà người Ý sẽ làm" – cô cho biết.
Trở lại với Hoàng tử bé Flavio, gia đình bác Eugenio và Teresa gần như tíu tít xoay quanh mặt trời bé nhỏ. Cũng giống như truyền thống tại Việt Nam, bác Teresa thường dành thời gian nấu các món ăn Italia truyền thống và bổ dưỡng để mang sang cho con dâu, trong lúc bác Eugenio đảm nhận vị trí lái xe để hàng ngày hai ông bà sang thăm cháu nội. Nhiều người bạn của bác, đều ở độ tuổi hơn 70, hiện chưa có người cháu nào. "Những người bạn của tôi mong các con của họ cũng sớm có con để được nghe tiếng trẻ cười đùa. Nhưng thế hệ trẻ ngày nay làm gì có ai ép buộc được chúng đâu" – bác Eugenio, 74 tuổi, nhún vai.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thu-tu-roma-khung-hoang-sac-toc-y-ky-3-179241117144654773.htm