Thông minh không bằng mưu sinh?
Sống trong một xã hội mà về cơ bản thì ai cũng phải tự thân vận động để mưu sinh cho chính bản thân mình thì năng lực tự học hỏi của mỗi người chắc chắn hết sức quan trọng. Bởi thế, mới có quan niệm "thông minh không bằng mưu sinh".
Sự hữu hạn của sự học "mưu sinh"
Điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy mỗi khi đi chợ là kinh ngạc trước khả năng tính nhẩm của chị em tiểu thương. Họ tính nhẩm chính xác và nhanh hơn cả giáo viên dạy toán trong các trường phổ thông. Và đó cũng là điều hết sức bình thường, ở chỗ, họ quen tính nhẩm đến mức có kỹ năng. Nếu mà sai sót và không giỏi tính nhẩm thì ảnh hưởng trực tiếp tới công việc làm ăn của họ, sẽ thua lỗ, thiệt hại và không thể có đủ "đồng ra, đồng vào" cho cuộc sống mưu sinh của chính mình.
Sa Pa là khu du lịch được du khách nước ngoài ưa thích. Trẻ em người dân tộc thiểu số ở đây nói tiếng Anh rất giỏi. Thực tế là chúng tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài thường xuyên, đáp ứng nhu cầu về hướng dẫn viên du lịch và mua bán hàng lưu niệm của họ. Đương nhiên, các trẻ em người dân tộc thiểu số bắt buộc phải học tiếng Anh vì nhu cầu mưu sinh của chính mình. Bởi nếu không làm được việc đó thì họ sẽ không có thu nhập và không được khách nước ngoài thuê làm hướng dẫn viên.
Qua thực tế của các chị em tiểu thương và trẻ em người dân tộc thiểu số, có thể nói rằng nhu cầu "mưu sinh" chính là động lực để họ phải học hỏi và thậm chí giỏi toán và tiếng Anh. Tuy nhiên, sự học này của họ cũng chỉ dừng ở một điểm nhất định vì chỉ cần giải quyết vừa đủ với đòi hỏi thực tế đặt ra mà thôi.
Tri thức phục vụ cuộc sống
Nhân đây, phải nói đến đội ngũ sinh viên đã và sẽ tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng khi đi xin việc. Thực tế là những người bị trượt trong các cuộc phỏng vấn của nhà tuyển dụng thì đa số bị loại bởi là với các câu hỏi không khó. Thậm chí, nhà tuyển dụng còn không ngần ngại nói rằng: Về lý các bạn phải giỏi hơn chúng tôi vì đó là kiến thức chuyên môn mà các bạn đã được học nhưng với chúng tôi thì chỉ có trải nghiệm thực tế là quan trọng.
Rõ ràng, nhà tuyển dụng chỉ hỏi được những câu hỏi thực tế với sinh viên đến xin việc. Tuy nhiên, một khi câu hỏi dễ được đặt vào hoàn cảnh khó thì cũng hoá thành những câu hỏi khó. Và cái khó ở đây chính là các sinh viên hoàn toàn bất ngờ với nó trong hoàn cảnh mà ở nhà trường thì không ai nói trước về tình huống này, thậm chí là những kiến thức đơn giản lại thường bị các bậc thầy coi thường bởi quan điểm "không hàn lâm không phải là đại học" của không ít bậc thầy.
Cũng chính vì vậy, không chỉ riêng với sinh viên mà nói chung cho cả một xã hội học tập là cần phải nhìn thẳng vào thực tế "thông minh không bằng mưu sinh" của các tiểu thương và trẻ em người dân tộc thiểu số. Học hành qua trường lớp chắc chắn là rất quan trọng nhưng chưa thể là đủ.
Sự học với mỗi người là phải học tập suốt đời và học từ xã hội ngay cả với những thực tế đơn giản nhất vì ai ai cũng phải mưu sinh. Xin được nhắc lại một lần nữa với những người đang tìm kiếm cơ hội việc làm là "thông minh không bằng mưu sinh".
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thong-minh-khong-bang-muu-sinh-179230213142554185.htm