Thơ của Nguyễn Nhật Ánh vào đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn

11:15 - 22/10/2024

Câu nghị luận văn học môn Ngữ văn (chuyên) kì thi chọn học sinh giỏi lớp 12 trung học phổ thông cấp tỉnh của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu học sinh bàn luận về vấn đề được gợi ra từ đoạn thơ trong bài thơ "Khi buồn bã chúng ta hí lên" của nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh.

Câu 1 (8 điểm)

Trong bài thơ "Khi buồn bã chúng ta hí lên", nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh viết:

"Chúng ta sinh ra trong một thế giới

Với hồ rộng, với mặt trời và với cỏ xanh

Bằng trái tim cỏ non

Chúng ta bình thản đi xuyên qua những mùa băng giá"

Trình bày suy nghĩ của anh/chị về thông điệp được gợi lên từ đoạn thơ trên.

Câu 2 (12 điểm)

Trong một lần trò chuyện về văn chương, nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ: "Văn học xét cho cùng, sống mãi trong lòng người đọc là bởi những điều "dị biệt"".

Bằng trải nghiệm văn, học anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

Gợi ý nghị luận xã hội

Giải thích: "Hồ rộng, mặt trời, cỏ xanh" là những hình ảnh thiên nhiên thoáng đãng, tràn đầy sức sống, biểu tượng cho cuộc sống rộng mở, tươi đẹp. "Trái tim cỏ non" là lối nói ẩn dụ, chỉ tâm hồn trẻ trung, hồn nhiên, trong sáng. "Bình thản đi qua những mùa băng giá" là cách nói giàu hình ảnh, chỉ tâm thế, trạng thái, lối sống bình tĩnh, thản nhiên để đối mặt, vượt qua trở ngại, khó khăn.

Bằng cách nói hình ảnh, tác giả đã gửi đến người đọc thông điệp về cách sống, thái độ sống: Thế giới luôn rộng mở, tươi đẹp, mỗi người cần nuôi dưỡng một tâm hồn trẻ trung, trong sáng, có thái độ sống lạc quan để vượt qua những trở ngại, khó khăn với niềm tin rằng thế giới này luôn luôn rộng mở và tươi đẹp.

Bình luận: Để có mùa xuân, cỏ xanh thì phải trải qua mùa đông dài lạnh giá. Cuộc sống này luôn rộng mở, tươi đẹp nhưng cũng có không ít những trở ngại, khó khăn. Vì thế, hãy giữ thái độ lạc quan, có niềm tin yêu cuộc sống; mặt khác cũng phải chuẩn bị mọi tâm thế để sẵn sàng đối mặt.

Khi "bình thản đi xuyên qua những mùa băng giá", chúng ta sẽ khám phá được những "miền đất hứa", cuộc sống trở nên thú vị, ý nghĩa hơn.

Để "đi xuyên qua" khó khăn, con người cần có bản lĩnh, thái độ sống vững vàng, bình thản, tinh thần lạc quan với niềm tin những điều tốt đẹp luôn chào đón chúng ta.

"Bằng trái tim cỏ non bình thản đi xuyên qua những mùa băng giá" không có nghĩa là cứ vô lo, vô nghĩ, cứ ung dung tự tại,… Trái tim cỏ non dễ vấp ngã vì có khi thiếu sự từng trải, chững chạc trước cuộc đời "đa sự".

Bài học: Mỗi người cần nhận thức đúng đắn bản chất của cuộc sống, thế giới xung quanh ta để xác định thái độ sống, lối sống phù hợp.

Luôn giữ thái độ lạc quan, tích cực, đồng thời biết làm chủ bản thân, giải quyết vấn đề, vượt qua trở ngại bằng sức trẻ, bản lĩnh vững vàng, chủ động.

Thơ của Nguyễn Nhật Ánh vào đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn - Ảnh 1.

Nghị luận văn học

Giải thích: "Dị biệt" là khác thường, độc lạ, riêng biệt, bí ẩn. "Sống mãi trong lòng người đọc những điều "dị biệt"": Tác phẩm tồn tại bất hủ, được bạn đọc nhớ mãi chính là bởi những điều dị biệt, khác thường, thậm chí là sự hoang đường trong lối viết của người nghệ sĩ.

Ý kiến của Nguyễn Đình Tú khẳng định yếu tố làm nên sức sống hấp dẫn, nét độc đáo của tác phẩm văn chương chính là những điều dị biệt trong trang viết trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Đó cũng chính là biểu hiện của cá tính sáng tạo và tài năng văn chương của người nghệ sĩ.

Bình luận: Bản chất của văn chương là sáng tạo. Nhà văn chân chính phải có những góc nhìn mới mẻ, độc đáo để "lạ hóa hiện thực cuộc sống".

Những điều "dị biệt" của văn chương được thể hiện qua nội dung phản ánh: cái khác thường, đặc biệt, những kiểu người và hiện tượng xã hội dị biệt, gai góc, hoang đường,… và qua bút pháp nghệ thuật mới mẻ, độc lạ, tình huống, cấu tứ, điểm nhìn, hình tượng, chi tiết, ngôn từ….

Những điều "dị biệt" này góp phần tạo nên dấu ấn riêng cho tác phẩm, thể hiện mục đích chủ ý sáng tạo của người nghệ sĩ trong việc phản ánh cuộc sống, đặt ra những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc khiến bạn đọc "luôn bị ám ảnh".

Văn học là đời sống. Nhà văn thường dùng cái khác thường để nói về cái bình thường, dùng sự khiếm khuyết để nói về sự hoàn thiện. Vì lẽ đó, viết về những điều "dị biệt" không có nghĩa là nhà văn luôn những cuộc đời một cách gai góc, nghi hoặc.

Lối viết "độc lạ" nhưng không gây khó mà kích thích, lôi cuốn bạn đọc. Những điều "dị biệt" trong tác phẩm chỉ có ý nghĩa thực sự khi nó hướng con người đến những giá trị nhân sinh cao đẹp.

Làm sáng tỏ vấn đề nghị luận bằng trải nghiệm tác phẩm văn học: Tùy vào trải nghiệm văn học, trên cơ sở hiểu biết về tác giả, tác phẩm học sinh chọn tác phẩm để phân tích làm rõ vấn đề nghị luận văn học đã bàn ở trên, cụ thể là:

Những điều "dị biệt" được thể hiện như thế nào trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm?

Những điều "dị biệt" ấy đã tạo nên sức hấp dẫn, những giá trị sâu sắc nào cho tác phẩm?

Những điều "dị biệt" có vai trò quan trọng làm nên nét độc đáo, giá trị của một tác phẩm văn học. Đó chính là biểu hiện sinh động cho cá tính sáng tạo của nhà văn trên hành trình lao động nghệ thuật.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tho-cua-nguyen-nhat-anh-vao-de-thi-hoc-sinh-gioi-mon-ngu-van-179241022111539991.htm