Thị trường vàng mã Rằm tháng 7 bạt ngàn mẫu mã, nhưng vẫn ế ẩm
Thị trường vàng mã Rằm tháng 7 năm nay xuất hiện nhiều mẫu mã mới, bắt theo xu hướng "trần sao, âm vậy" nhưng vẫn khó hút khách.
Vàng mã ngập tràn theo kiểu: "Trần sao, âm vậy"
Theo quan niệm dân gian, mỗi dịp Rằm tháng 7 Âm lịch là ngày xá tội vong nhân và cũng là ngày lễ Vu lan báo hiếu, con cháu thường sắm sửa mâm cơm và đốt vàng mã để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, nguồn cội.
Vì vậy đây cũng là thời điểm thị trường vàng mã sôi động nhất.
Hiện nay, nằm bắt được xu hướng "trần sao, âm vậy" và thị hiếu của khách hàng, vàng mã được làm ra với rất nhiều mẫu mã mới, đa dạng hơn, giống hệt đồ thật. Giá cả cũng vô cùng phong phú từ vài nghìn đồng cho đến vài triệu đồng đều có.
Bắt theo xu hướng "trần sao, âm vậy", thị trường vàng mã hiện nay vô cùng phong phú, đa dạng.
Nguồn: Facebook
Đối với các mặt hàng truyền thống và phổ biến như quần áo giấy, giá sẽ dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/bộ, còn với bộ đồ phụ kiện như đồng hồ, trang sức sẽ có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/bộ. Thậm chí, trên thị trường vàng mã không thiếu những sản phẩm "đồ hiệu" được thiết kế vô cùng tỉ mỉ. Chỉ cần khách có nhu cầu, nhà xưởng đều có thể cung cấp.
Với các sản phẩm vàng mã được thiết kế chau chuốt tỉ mỉ như các loại ôtô, xe máy, biệt thự..., giá cả sẽ dao động trong khoảng từ 150.000 - 300.000 đồng.
Tại làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín), nơi được coi là một trong những "công xưởng" sản xuất vàng mã lớn nhất, những sản phẩm hàng mã dạng xương ngựa, loại to nhất có giá khoảng 60.000 đồng/con, loại bé hơn có giá khoảng 20.000 - 35.000 đồng. Các mặt hàng quần áo, tiền vàng... có giá từ 60.000 - 100.000 đồng.
Trong khi đó, những đồ cúng thuộc dòng “xa xỉ” như hàng mã dạng xe hơi, cây tài lộc đô la, du thuyền… sẽ có giá từ khoảng 200.000 - 400.000 đồng, tùy kích cỡ.
Kinh doanh ế ẩm vì nhận thức thay đổi
Thị trường phong phú, nắm bắt xu hướng nhanh là vậy, nhưng dường như chừng đó vẫn không đủ thu hút khách hàng, khi mà “thủ phủ” vàng mã Hà Nội vẫn đìu hiu, trầm lắng.
Thông thường, cứ đến tháng 7 Âm lịch, đặc biệt là những ngày cận kề ngày Rằm, phố Hàng Mã, Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại tấp nập kẻ mua người bán, xe máy, ô tô chen nhau chở hàng. Tuy nhiên, năm nay, dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát, cuộc sống đã bước vào giai đoạn bình thường mới, nhưng khu vựa này vẫn chưa lấy lại được "phong độ" ngày nào.
Hầu hết tại các cửa hàng chỉ có lác đác vài khách tới hỏi mua. Nhiều tiểu thương kinh doanh lâu năm tại đây cho biết, năm nay, các mẫu mã đa dạng hơn nhưng việc buôn bán vẫn ế ẩm dù đang là cao điểm.
Nguyên nhân mặt hàng vàng mã không còn hút khách như trước có thể do vài năm nay, việc đốt vàng mã được cơ quan chức năng và chùa chiền kêu gọi hạn chế.
Thêm vào đó, nhận thức của một bộ phận người dân hiện cũng đã dần thay đổi. Nhiều người có xu hướng hạn chế mua đồ vàng mã hơn vì vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, sự thành tâm mới là điều quan trọng nhất nên nhiều gia đình cũng chọn cách chỉ đốt một ít vàng mã vào ngày Rằm như để giữ gìn truyền thống.
Thực tế, thị trường vàng mã giảm nhiệt so với thời điểm trước có thể là một tín hiệu tích cực. Điều này cho thấy bên cạnh gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, người dân đã hạn chế được tình trạng mê tín dị đoan khi không còn mua và đốt vàng mã tràn lan.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thi-truong-vang-ma-ram-thang-7-bat-ngan-mau-ma-nhung-van-e-am-179220812121345786.htm