Thị trường bất động sản có thể "vui" trở lại nhờ nới room tín dụng

PV
13:06 - 08/09/2022

Động thái nới room tín dụng cho một số ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức tác động tích cực đến tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường bất động sản và có thể giúp thị trường "bùng nổ" những tháng cuối năm.

Doanh nghiệp bất động sản thiếu vốn

Hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng liên tục là chủ đề nóng trong thời gian gần đây khi Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên room 14% cho cả năm 2022. Từ tháng 4 đến đầu tháng 8, nhiều doanh nghiệp và khách hàng đã không thể tiếp cận được vốn tín dụng do ngân hàng thông báo đã "cạn" cung. 

Các tổ chức tín dụng hầu hết khuyến khích khoản vay mua nhà để ở. Đây là khoản vay ít rủi ro và điều khoản tài sản đảm bảo rõ ràng. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng tài trợ cho hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ chiếm khoảng 35% tương đương 0,78 triệu tỉ đồng, phần lớn là khoản cho vay mua và sửa chữa nhà ở.

Thị trường bất động sản có thể "vui" trở lại nhờ nới room tín dụng - Ảnh 1.

Thiếu vốn khiến thị trường bất động sản ảm đạm, nguồn cung thiếu thụt, giá bị đẩy lên cao.
Ảnh minh họa: VGP

Theo phản ánh của các doanh nghiệp bất động sản, thời gian qua, hầu hết hồ sơ tín dụng vay đầu tư, kinh doanh bất động sản đều bị dừng xét duyệt. Thêm vào đó, cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát chặt hơn việc huy động trái phiếu khiến nguồn vốn thiếu hụt trầm trọng. Từ đó, dẫn đến nguồn cung và giao dịch trên thị trường bất động sản chững lại, đẩy giá tăng cao. 

Cụ thể, chỉ tính riêng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giá căn hộ đã tăng từ 8 - 13% so với cùng kỳ năm 2021. Thậm chí, phân khúc biệt thự, nhà phố liền kề ghi nhận mức tăng gấp từ 2 - 2,5 lần so với cùng kỳ.

Còn phân khúc đất nền trên phạm vi cả nước, dù giao dịch rất ít và lượng người quan tâm cũng giảm mạnh từ 20 - 30%, nhưng mức giá rao bán lại vẫn tăng cao, bình quân từ 10 - 15% so với cùng kỳ. 

15 ngân hàng được nới room tín dụng

Trước nhiều ý kiến lo ngại của các chuyên gia về tình hình khó khăn của thị trường bất động sản, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8 diễn ra vào ngày 6/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định cơ quan này sẽ công bố kết quả phân bổ "room" tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong 1-2 ngày tới.

Và đến ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức đưa ra thông tin về kết quả điều hành tín dụng và định hướng điều hành tín dụng tới cuối năm 2022. Theo tìm hiểu, có 15 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức trên cơ sở xếp hạng và tình hình thực tiễn của thị trường.

Cụ thể, hạn mức tín dụng được cấp của một số ngân hàng nằm trong danh sách được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần này như sau: Sacombank (4%); HDBank (3,4%); MB (3,2%); OCB (3,1%); VIB (3%); Vietcombank (2,7%); Techcombank (2,7%). Một số ngân hàng khác cũng được nới room nhưng ở mức khiêm tốn hơn.

Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đồng loạt nới hạn mức tín dụng cho một số tổ chức tín dụng trong năm nay.

Dòng vốn được khơi thông, thị trường bất động sản bước vào chu kỳ mới

Trước động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI nhận định việc nới room tín dụng sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản và tăng dư địa cho thị trường phục hồi, tái phát vào những tháng cuối năm. 

Cùng với động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản đang được tháo các nút thắt lớn từ sau Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính Phủ về chủ trương không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, công khai minh bạch thông tin quy hoạch... Đây sẽ là 2 lực đẩy quan trọng cho thị trường bất động sản hồi phục và sôi động trở lại.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Đồng quan điểm với SSI, các chuyên gia cũng cho biết việc nới room tín dụng phần nào sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản. Thứ nhất là các doanh nghiệp có nguồn tiền mới để vay đảo phần nợ trái phiếu đến hạn. Thứ hai là thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào các tháng cuối năm khi dòng tín dụng được khai thông, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho và có thêm nguồn tiền để trả nợ.

Theo chủ một doanh nghiệp bất động sản lớn tại Hà Nội, thời gian qua chỉ là quãng nghỉ khi thị trường bị tác động khách quan bởi thiếu hụt nguồn vốn. Khi căn cơ của vấn đề này được giải quyết, thị trường tiếp tục đà tăng trưởng vốn có.

Trên thực tế, thị trường bất động sản dường như đang bước vào chu kỳ mới khi các nhà đầu tư đã nhắm đến những sản phẩm tốt, đặc biệt là bất động sản nhà ở thuộc các đô thị lớn khu vực mở rộng của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Nguồn: Tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thi-truong-bat-dong-san-co-the-vui-tro-lai-nho-noi-room-tin-dung-179220908110354259.htm