Thi công chức là lối thoát cho "thế hệ thất nghiệp" ở Trung Quốc?

15:13 - 10/09/2023

Trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục, hàng triệu người trẻ ở Trung Quốc quyết định thi công chức, dấn thân vào khu vực nhà nước để tìm kiếm sự an toàn.

Thi công chức là lối thoát cho "thế hệ thất nghiệp" ở Trung Quốc? - Ảnh 1.

Các ứng viên xếp hàng tham dự kỳ thi Công chức quốc gia tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 11 năm 2021. Ảnh: Getty Images

Xu hướng đảo ngược

Làm việc trong các cơ quan công quyền có một lịch sử lâu đời và phong phú ở Trung Quốc hiện đại. Và làm công chức được coi là bệ phóng danh giá cho sự nghiệp đối với người dân Trung Quốc.

Giai đoạn trước khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa (1978), công việc trong các bộ, ban, ngành chính phủ rất được coi trọng. Thế hệ trước gọi đó là "bát cơm sắt" vì tính ổn định.

Nhưng sau khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu mở cửa và hội nhập, nhiều người trẻ tuổi nước này đã chọn theo đuổi sự giàu có và tìm thấy cơ hội sẵn có trong các khu vực tư nhân đang nở rộ và thịnh phát.

Tuy nhiên, xu hướng này lại bị đảo ngược trong một thập kỷ gần đây và công việc thuộc khu vực tư nhân trở nên kém hấp dẫn và khó tìm hơn.

Thời điểm bây giờ được nhận định là khó khăn cho người trẻ để bắt đầu sự nghiệp ở Trung Quốc. "Họ biết rằng những cơ hội do sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc tạo ra không còn thuộc về thế hệ này nữa," Alfred Wu, Giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), cho biết.

Thi công chức ở Trung Quốc - "vạn người chọn một"

Thi công chức là lối thoát cho "thế hệ thất nghiệp" ở Trung Quốc? - Ảnh 2.

Người trẻ tuổi Trung Quốc có xu hướng quay trở lại làm việc tại khu vực công trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp cao kỷ lục. Ảnh: Getty Images

Tháng 1/2023, tại thủ đô Bắc Kinh và các tỉnh thành khắp Trung Quốc, khoảng 2,6 triệu người, bao gồm cả sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu cả nước, đã ứng tuyển và tham gia kỳ thi công chức với tỉ lệ cạnh tranh cực gắt gao cho 37.100 công việc tại các cơ quan chính phủ, theo The New York Times.

Kỳ thi diễn ra ở cấp độ quốc gia và cũng khốc liệt không khác gì cuộc đua vào các trường đại học công lập ở đất nước tỉ dân. Kỳ thi ban đầu được dự tính tổ chức vào đầu tháng 12/2022 nhưng bị hủy bỏ vào phút chót do chính sách phong tỏa vì đại dịch COVID-19. Một số người sẵn sàng chi hàng nghìn USD cho các lớp luyện thi công chức và thức thâu đêm suốt sáng để dùi mài kinh sử.

Trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp cao nhất từ trước đến nay, hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp rất khó tìm được việc làm tại các công ty tư nhân. Cứ 5 người trong độ tuổi từ 16-24 ở Trung Quốc thì có 1 người thất nghiệp. 

Alibaba, Tencent và các công ty công nghệ khác đã sa thải nhân viên hàng loạt. Tăng trưởng kinh tế đã bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm mạnh của bất động sản và các doanh nghiệp nhỏ phải chịu đựng dư âm của việc thực hiện giãn cách xã hội trong giai đoạn đại dịch COVID-19 trước đó. 

"Sinh viên mới tốt nghiệp không có nhiều cơ hội trong khu vực tư nhân", Giáo sư Alfred Wu nhận định. Họ quyết định dấn thân vào khu vực nhà nước để tìm kiếm sự an toàn.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh cho các vị trí công vụ cũng khốc liệt đến mức người ta thường nhắc đến một câu ngạn ngữ Trung Quốc: "nghìn quân qua cầu một nhịp" (đại ý: vạn người chọn một).

Kỳ thi công chức Trung Quốc diễn ra vô cùng nghiêm ngặt. Thí sinh phải trả lời khoảng 130 câu hỏi trắc nghiệm bao gồm các chủ đề như toán học, phân tích dữ liệu, khoa học và kinh tế. Họ cũng được yêu cầu viết 5 bài luận từ 200-1.000 từ về các vấn đề xã hội và chính sách của chính phủ. Điểm cao chỉ giúp tăng cơ hội nhận được việc làm bởi để được tuyển dụng còn phải trải qua hàng loạt cuộc phỏng vấn, kiểm tra lý lịch và các đánh giá khác.

Làm công chức ở Trung Quốc đã bớt hấp dẫn?

Thi công chức là lối thoát cho "thế hệ thất nghiệp" ở Trung Quốc? - Ảnh 4.

Các đợt thi tuyển công chức của Trung Quốc hàng năm không chỉ thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ sau tốt nghiệp mà còn gây sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước bởi số lượng thí sinh ứng tuyển và tính cạnh tranh khốc liệt của kỳ thi này. Ảnh: Chinatimes

Nhưng cũng có một thực tế tại khu vực công. Một số người chia sẻ rằng, họ bị ràng buộc bởi những cơ chế cứng nhắc và công việc đơn điệu. Trong khi những người khác dù nói rằng yêu thích công việc của mình, nhưng lại phàn nàn trách nhiệm của họ thường vượt quá giờ làm việc bình thường.

Amy Liu - một công chức nhà nước tại Bắc Kinh trong 6 năm qua cho biết, cô rất bằng lòng với công việc của mình bởi học hỏi được nhiều điều và có sự ổn định trong cuộc sống.

Nhưng vài năm trở lại đây, cô đã bị lôi kéo vào các nhiệm vụ không thuộc bổn phận của mình do đại dịch COVID-19 diễn ra. Giống như những người đồng nghiệp của mình, Amy Liu được yêu cầu làm công tác tình nguyện, đứng canh gác và giữ trật tự đám đông tại điểm xét nghiệm vi rút mỗi tuần 1 lần.

"Những chuyện như thế này khiến tôi rất khó chịu", cô Amy Liu nói.

Ngoài ra, cô Amy Liu cho biết còn phải tham gia các buổi học mà theo cô đây là những việc không liên quan đến công việc của cô. Chẳng hạn như các buổi học về Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, các bài học về tư tưởng do ban tuyên truyền tổ chức hay những buổi hướng dẫn về pháp luật của cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc.

Dù không hài lòng với công việc, một số công chức trẻ cho biết họ cảm thấy bị mắc kẹt vì không có gì đảm bảo rằng, họ sẽ tìm được việc làm tốt hơn ở khu vực tư nhân. 

Mặt khác, họ cũng không dám từ bỏ công việc nhà nước bởi áp lực từ cha mẹ - những người thường đề cao và tự hào khi có con làm việc trong cơ quan nhà nước.

Khi công chức nhà nước muốn dứt áo "rời công sang tư"

Như Katherine Shi - nhân viên kiểm duyệt nội dung của Chính phủ cho biết cảm thấy rất khó khăn và đang cân nhắc nghỉ việc để đi du học.

Theo đó, công việc của Katherine Shi thoạt nghe có vẻ hấp dẫn đối với sinh viên trẻ mới tốt nghiệp: "xem ti vi để kiếm sống". Tuy nhiên, số lượng công việc mà cô phải đảm nhận hằng ngày là rất lớn. Mỗi ngày, Katherine Shi phải tìm kiếm những nội dung thô tục, nhạy cảm về chính trị và các chủ đề bị cấm khác trên ti vi và phim ảnh.

Công việc ngày càng khó có thể chịu đựng bởi có ngày, cô Katherine Shi được giao phải kiểm duyệt các video có thời lượng phát là 100 giờ và phải đảm bảo không có video nào bị bỏ sót.

Khó khăn không chỉ dừng tại đó, cô Katherine Shi cho biết thường cảm thấy mâu thuẫn trong công việc. Bởi có nhiều điều cô không thấy phản cảm nhưng lại nằm trong quy định kiểm duyệt và cho rằng, một số người trong chính phủ đã "nhắm mắt làm ngơ" trước thực tế cuộc sống đang diễn ra như thế nào.

Nguồn: The New York Times

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thi-cong-chuc-la-loi-thoat-cho-the-he-that-nghiep-o-trung-quoc-179230910123525429.htm