Thêm 3 ca ngộ độc Botulinum, khó khăn trong điều trị vì hết thuốc

17:37 - 21/05/2023

Bệnh viện Chợ Rẫy vừa phát đi thông tin về các trường hợp bệnh nhận có các triệu chứng nhiễm độc sau khi ăn món chả lụa và mắm. Điều đáng lo ngại là các bệnh viện khu vực phía Nam không còn thuốc giải độc đặc hiệu.

Thêm 3 ca ngộ độc Botulinum ở Thành phố Hồ Chí Minh

Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện này cùng với Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã hội chẩn và phát hiện thêm 3 trường hợp ngộ độc Botulinum...

Đây là những trường hợp nghi nhiễm độc Botulinum sau khi ăn món chả lụa và mắm tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 20/5, TS BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, cả 3 trường hợp ngộ độc Botulinum này đến từ Thành phố Thủ Đức.

Trong đó, một gia đình có 2 anh em ruột (gồm 1 bệnh nhân nam 18 tuổi và 1 bệnh nhân nam 26 tuổi) và người còn lại là nam bệnh nhân 45 tuổi.

Cả 3 người này đều có khởi phát là tiếp xúc với nguồn thức ăn nghi ngờ nhiễm độc vào ngày 13/5. Trong đó, hai anh em ruột thì ăn bánh mì có kèm với chả lụa của người bán dạo, riêng bệnh nhân 45 tuổi được cho là đã ăn một loại mắm để lâu ngày.

Đến ngày 14/5, cả 3 bệnh nhân này đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu choáng váng và đau bụng có biểu hiện bị tiêu chảy. Sau đó, đến ngày 15/5, tình trạng tiến triển xấu hơn và bắt đầu yếu cơ, nhìn đôi, khó nuốt…

Các bệnh nhân này đều đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Hiện tại, tình trạng ghi nhận các bệnh nhân phải thở máy. Trong đó, có bệnh nhân 26 tuổi còn có có thể cử động được và hô hấp vẫn tự thở. Tuy nhiên, diễn tiến sau đó chưa thể tiên lượng được…

Không còn thuốc giải độc đặc hiệu điều trị ngộ độc Botulinum

Trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân, một điều đáng lo ngại đã xảy ra là các bệnh viện khu vực phía Nam đều không còn thuốc đặc hiệu điều trị do ngộ độc Botulinum.

Đây là điều khiến các bác sỹ trăn trở, bởi chỉ cần được sử dụng loại thuốc này trong vòng 48 đến 72 giờ, thì bệnh nhân có thể thoát khỏi tình trạng nguy cấp (bị liệt, thở máy) như hiện tại.

Trong trường hợp bắt đầu thở máy 1-2 ngày nghĩa là rất sớm sau khi ngộ độc, thì trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 ngày, người bệnh có thể hồi phục và có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường, sức khỏe ổn định trở lại.

Tuy nhiên, nếu không có thuốc giải độc BAT thì các bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ. Điều trị hỗ trợ chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy (và thở máy sẽ phải kéo dài và có nhiều biến chứng nguy hiểm), bởi vì với bệnh lý này, chất độc của Botulinum làm cho tổn thương hệ thần kinh dẫn tới liệt cơ.

Cũng theo TS BS Lê Quốc Hùng, trên thế giới, các ca ngộ độc Botulinum không phải hiếm. Đơn cử, theo số liệu tại Mỹ, mỗi năm nước này vẫn ghi nhận dao động từ 150 - 300 ca ngộ độc Botulinum.

Tại Việt Nam, từ khi có các liên kết làm xét nghiệm chẩn đoán giữa các đơn vị y tế, đã có thể chẩn đoán được bệnh sớm. Tuy nhiên, cần có thuốc đặc trị thì các trường hợp nhiễm Botulinum mới có thể nhanh chóng được xử lý. Đây cũng là một hồi chuông cảnh báo tới các cơ quan chức năng cần xem xét và điều chỉnh để kịp thời trang bị thuốc và các phương tiện y tế xử lý các ca bệnh trên phạm vi toàn quốc.

Theo bác sỹ bệnh viện Chợ Rẫy, Botulinum là bệnh lý do một loại vi khuẩn Botulinum gây ra. Vi khuẩn này sống trong yếm khí, nghĩa là ở môi trường không có không khí nồng độ oxy rất thấp thì vi khuẩn này mới hoạt động được. Tất cả các loại thức ăn nào mà chúng ta chế biến, đóng gói, đóng hộp, đóng vào bao kín, không có oxy thì loại vi khuẩn này có khả năng phát triển…

Như vậy, khả năng mà chúng ta nhiễm độc loại vi khuẩn này vẫn luôn luôn rình rập. Do đó, trong các công đoạn chế biến, bảo quản thực phẩm, đồ ăn, chúng ta cần đảm bảo phải sạch sẽ và không nên đóng kín nếu không có kỹ thuật tốt để tránh bị nhiễm loại vi khuẩn này. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên ăn uống hay sử dụng các loại thực phẩm, đồ ăn quá hạn sử dụng, ôi thiu...

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/them-3-ca-ngo-doc-botulinum-kho-khan-trong-dieu-tri-vi-het-thuoc-179230521173720764.htm