"Tháo chạy" khỏi Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp hướng tới Việt Nam
Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang tìm cách "tháo chạy" trước những chính sách chống dịch COVID-19 chặt chẽ của nước này. Việt Nam được dự đoán là địa điểm mà nhiều nhà đầu tư đang hướng tới.
Doanh nghiệp nước ngoài, nội địa ồ ạt rời Trung Quốc
Theo một bài viết với tiêu đề: "Gần ¼ doanh nghiệp Châu Âu cân nhắc rời khỏi Trung Quốc" của tờ Bloomberg đăng tải ngày 20/6, Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát vào cuối tháng 4. Đây là thời điểm Thượng Hải vẫn đang đóng cửa. Những hạn chế ở những nơi như tỉnh Cát Lâm đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát được công bố vào ngày 21/6, khoảng 23% doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại đất nước tỉ dân cho biết họ đang nghĩ đến việc chuyển các khoản đầu tư hiện tại, hoặc kế hoạch đầu tư của họ ra khỏi Trung Quốc. Đây là tỉ lệ cao nhất trong một thập kỷ qua, đồng thời cao hơn gấp đôi so với 11% được ghi nhận trong một cuộc thăm dò hồi tháng hai.
Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc cũng cho biết thêm, trong khi cuộc khảo sát tháng 2 có 620 doanh nghiệp trả lời, thì cuộc khảo sát tháng 4 chỉ có 372 doanh nghiệp tham gia. Thêm vào đó, khoảng 60% trong số doanh nghiệp này đã phải hạ dự báo doanh thu trong năm nay.
Một bài viết trên Báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) của Đức cũng đăng tải thông tin rằng Bắc Kinh đang khiến các nhà đầu tư tháo chạy. Ngay từ thời ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, Tập đoàn Bosch đã suy nghĩ phải rời Trung Quốc để cứu vãn hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Bosch không phải công ty duy nhất có suy nghĩ này.
Điều đáng nói hơn là, theo bài báo trên, nhiều công ty muốn rời Trung Quốc để đến Việt Nam. Cụ thể, như Công ty con Tesa của Tập đoàn Beiersdorf của Đức muốn mở nhà máy đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam vào năm tới.
Tập đoàn LEGO đã quyết định đầu tư nhà máy thứ 6 của mình trên toàn cầu và thứ 2 ở Châu Á tại tỉnh Bình Dương, với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Ông Horst Julius Pudwill, một tỉ phú người Đức gần 80 tuổi, hiện ở Hong Kong, cũng muốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào sản xuất các thiết bị điện tại nhà máy Techtronic Industries (TTI) ở Việt Nam.
Theo ông Alexander Götz, người điều hành công ty chuyên về dập và định hình kim loại Fischer Asia, Việt Nam là "một Trung Quốc tốt hơn và rẻ hơn". Thậm chí, ông còn kêu gọi các công ty châu Âu nhanh tay nếu không muốn bị chậm chân ở thị trường này.
Một nhà ngoại giao ở Hà Nội cũng cho biết: "Xây dựng nhà máy ở Việt Nam trong khi sống ở Singapore là mô hình yêu thích của các nhà quản lý".
Thậm chí, theo FAZ, không chỉ các doanh nghiệp châu Âu, mà ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang rời khỏi "sân nhà". Và đây cũng là một xu hướng mới. Bà Mỹ Thảo, điều hành Công ty Lạc Long, một công ty chuyên sản xuất ghế spa nail cho biết, giờ đây, nhà cung cấp Trung Quốc đã làm khung thép cho công ty ngay tại Việt Nam.
Trung Quốc đang tự đánh mất dần lợi thế
Trên thực tế, tình trạng các doanh nghiệp muốn rút lui khỏi Trung Quốc không phải mới đây mới xuất hiện. Tuy nhiên, việc Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách "Zero COVID" khiến nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại đây gặp khó.
Theo bà Bettina Schoen-Behanzin, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, chính sách phòng dịch của Trung Quốc đã "khiến các doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm các địa điểm khác".
Còn theo ông Jorg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, trong khi các công ty thành viên hiểu rằng các hạn chế ngắn hạn cần được duy trì để tránh hệ thống y tế bị quá tải, họ cũng cần một khung thời gian cụ thể để mở cửa lại dần dần.
Bên cạnh đó, chưa kể chi phí ở Trung Quốc cũng đang tăng lên, nhưng nguồn cung lao động tay nghề cao lại khan hiếm.
Thêm vào đó, kể từ khi Nga tấn công Ukraine, sự gần gũi giữa Moskva và Bắc Kinh khiến các doanh nghiệp lo ngại Trung Quốc sẽ chuyển giao các bộ phận được sản xuất ở nước này cho Nga để sử dụng chúng cho mục đích quân sự.
Trước năm 1997, Đông Nam Á từng là tâm điểm của sự quan tâm. Và hiện tại, khu vực này cũng đang dần lấy lại được sức hút vốn có đó.
Không khó để thấy, Việt Nam ngày nay gợi nhớ đến Thượng Hải ở thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ. Tại thành phố Hồ Chí Minh, các tòa nhà chọc trời, các nhà hàng, quán cà phê mọc lên như nấm. Tất cả những điều này là biểu hiện của sự chắc chắn. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được dự báo vào khoảng 7%, vượt qua cả Trung Quốc.
Ngài ra, Việt Nam có lực lượng lao động sẵn sàng làm việc với mức lương khoảng 300 USD/tháng. Ngay cả khi dịch COVID-19 đang căng thẳng, họ vẫn có phương án để hoàn thành công việc.
Việc đảm bảo được hòa bình và an ninh đã mang về cho Việt Nam hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Điều này khiến Việt Nam trở nên thú vị đối với các công ty Trung Quốc muốn tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách sản xuất ở quốc gia láng giềng.
Nêu quan điểm về việc Trung Quốc kiên trì chính sách "zero COVID", nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đang rời đi, chuyển sang Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Với chủ trương coi đầu tư nước ngoài là một trong những nguồn lực quan trọng và động lực phát triển nền kinh tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam luôn quan tâm, coi trọng cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh sản xuất lâu dài tại Việt Nam".
Theo bà Hằng, thời gian vừa qua, Việt Nam đã thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau đại dịch. Chính phủ Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cải cách thể chế, hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần tạo sự tin tưởng, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam.
"Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp, giải quyết, hoàn thiện và nâng cao kết cấu cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả, chất lượng cao, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam.
Việt Nam ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu", người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thao-chay-khoi-trung-quoc-nhieu-doanh-nghiep-huong-toi-viet-nam-179220624163357932.htm