Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 13 ca mắc đậu mùa khỉ, dấu hiệu nhận biết mắc bệnh
Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 13 ca. Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, tối 8/10, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo tình hình mới nhất về đậu mùa khỉ cùng các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đến Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, trong ngày 6/10, Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 13 ca. Trong số những ca mắc, có một ca được phát hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 7/2023 và hai ca là trường hợp xâm nhập.
Các trường hợp mắc đậu mùa khỉ đang được giữ cách ly và điều trị theo dõi. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh đậu mùa khỉ.
Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận tổng cộng 28.248 ca mắc bệnh tay chân miệng. Có 318 trường hợp đang được điều trị tại các bệnh viện. Trong đó, có 317 trường hợp là trẻ em dưới 6 tuổi (chiếm 99,6% tổng số ca).
Ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức để giám sát tình hình dịch bệnh trong Thành phố và các khu vực lân cận, sẵn sàng ứng phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra. Công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, tay chân miệng và đau mắt đỏ vẫn được chú trọng và thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.
Đồng thời, việc truyền thông và cung cấp thông tin cho người dân về cách phòng tránh các bệnh truyền nhiễm cũng được đẩy mạnh.
Tại Việt Nam, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Ngay từ khi phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên xâm nhập từ nước ngoài, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) và các bệnh viện, phòng khám… triển khai các hoạt động giám sát và truyền thông phòng chống sự lây lan của bệnh (Công văn số 8284/SYT-NVY ngày 29/9/2023 về tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ).
Đồng thời khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng. Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Người bệnh đồng thời cũng cần phối hợp truyền thông cho những người tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan.
Các giai đoạn của bệnh đậu mùa khỉ
Theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người của Bộ Y tế ban hành ngày 29/7/2022, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.
Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
Thời gian ủ bệnh: 6 - 13 ngày (dao động từ 5 - 21 ngày): Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
Giai đoạn khởi phát: Từ 1 - 5 ngày: Với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.
Giai đoạn toàn phát: Đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 - 3 ngày, với tính chất sau:
Vị trí: Phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.
Tiến triển ban: Tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao), sau đó thành mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong), mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng), đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo.
Kích thước tổn thương da: Trung bình từ 0,5 - 1cm.
Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.
Giai đoạn hồi phục: Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
6 biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ
Để chủ động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế ra thông báo khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-da-ghi-nhan-13-ca-mac-dau-mua-khi-dau-hieu-nhan-biet-mac-benh-179231009111922764.htm