Thanh Hóa: Thu giữ 2,7 tấn nguyên liệu trà sữa giả, khởi tố 6 đối tượng liên quan
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thanh Hóa đã phát hiện một đường dây chuyên sản xuất, mua bán trà sữa giả nhãn mác của Công ty Trà Lộc Phát và khởi tố, bắt giữ 6 đối tượng liên quan.
Phát hiện, triệt phá đường dây chuyên sản xuất, mua bán hàng giả
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thanh Hóa cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả gồm: Đỗ Trọng Nghĩa (sinh năm 1980, ở thành phố Hồ Chí Minh); Đồng Ngô Minh Hiếu (sinh năm 1987, ở thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng); Nguyễn Văn Đông (sinh năm 1982) và Nguyễn Văn Thông (sinh năm 1981) đều ở tỉnh Bến Tre; Dương Văn Thạo (sinh năm 1991 ở thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên); Đặng Quốc Toàn (sinh năm 1978, ở thành phố Thanh Hóa).
Trước đó, Công an thành phố Thanh Hóa và Đội Quản lý thị trường số 10 Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ đối với cơ sở kinh doanh đồ pha chế của Đặng Quốc Toàn, ở phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hộ kinh doanh này đang kinh doanh một số loại nguyên liệu trà sữa là trà đen Lộc Phát và Lục trà lài Lộc Phát.
Toàn bộ số nguyên liệu này đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Lộc Phát ở thành phố Hồ chí Minh. Trị giá hàng hóa vi phạm khoảng hơn 10 triệu đồng.
Theo kết quả giám định của cơ quan chức năng, toàn bộ số bao bì trà đen và lục trà lài mà cơ quan Công an thu giữ tại cơ sở kinh doanh của ông Đặng Quốc Toàn đều không phải do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Lộc Phát sản xuất.
Mở rộng điều tra, Công an thành phố Thanh Hóa đã tiến hành xác minh tại nhiều tỉnh thành khu vực phía Bắc, phía Nam và phát hiện một đường dây chuyên sản xuất, mua bán trà sữa giả nhãn mác của Công ty Trà Lộc Phát.
Theo đó, các đối tượng Đỗ Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Thông, Đồng Ngô Minh Hiếu đã câu kết với nhau để sản xuất, mua bán trà sữa giả, sau đó chào hàng và bán cho các đối tượng ở Hưng Yên và Thanh Hóa.
Đến nay, qua quá trình điều tra xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thanh Hóa đã thu giữ 15.000 bao bì giả để đóng trà và 2,7 tấn thành phẩm trà giả các loại.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người tiêu dùng nếu có như cầu sử dụng sản phẩm trà các loại thì nên lựa chọn những đại lý độc quyền do những công ty uy tín (như Công ty Trà Lộc Phát, Công ty Trà Phúc Long) cung ứng, tránh vì ham rẻ mà mua phải hàng giả, hàng trôi nổi trên thị trường.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm bị xử lý thế nào?
Theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất là tù chung thân với cá nhân; phạt đến 18 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm với pháp nhân thương mại phạm tội. Cụ thể:
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 2 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên, với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn: chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/thanh-hoa-thu-giu-27-tan-nguyen-lieu-tra-sua-gia-khoi-to-6-doi-tuong-lien-quan-179230623114716748.htm