"Thần cơ" Hồ Nguyên Trừng: "Thần không sợ đánh giặc, chỉ sợ lòng dân không theo"
Hồ Nguyên Trừng là một tài năng lỗi lạc người Việt, đã đi trước thời đại hàng trăm năm trong lĩnh vực kỹ thuật.
Hồ Nguyên Trừng là ai?
Hồ Nguyên Trừng (1374-1446) là con trưởng của Hồ Quý Ly. Ông được mệnh danh là "Hỏa khí chi thần", là người đã chế ra súng "thần cơ", loại súng có uy lực mạnh nhất thời bấy giờ.
Năm 1400, Hồ Quý Ly phế truất Trần Thiếu Đế, lên ngôi vua, đặt quốc hiệu là nước là Đại Ngu. Lẽ ra, là con trưởng, Hồ Nguyên Trừng được lập ngôi Thái tử nước Đại Ngu, nhưng sau khi thử lòng các con, biết Hồ Nguyên Trừng chỉ muốn làm quan, Hồ Quý Ly lập con thứ là Hồ Hán Thương làm Thái tử.
Năm Tân Tỵ 1401, Hồ Quý Ly theo gương các vua nhà Trần, nhường ngôi cho Thái tử Hồ Hán Thương, còn mình làm Thái thượng hoàng, còn Hồ Nguyên Trừng lĩnh chức Tả Tướng quốc.
Thừa cơ nội tình nước Việt rối ren, vua Minh Thành Tổ bên Trung Quốc có ý định đem quân sang xâm lược nước ta.
Nhà Hồ cử tướng lên biên giới chặn giặc. Nhưng tướng hèn, binh yếu, cuối cùng phải cắt đất 59 thôn cho giặc.
Trong cuộc họp bàn kế sách khẩn cấp, Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng tâu rằng: "Thần không sợ đánh giặc, chỉ sợ lòng dân không theo". Sở dĩ Hồ Nguyên Trừng nói như vậy là vì trước đấy những cải cách táo bạo đi trước thời đại của Hồ Quý Ly, cùng với việc chiếm ngôi nhà Trần đã gây ra nhiều phản ứng quyết liệt trong giới sĩ phu đương thời, không thu phục được lòng người.
Cha con Hồ Quý Ly đứng trước thử thách hiểm nghèo, phải đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh. Hồ Nguyên Trừng được giao chỉ huy đắp thành Đa Bang, lấy gỗ đóng cọc ở sông Bạch Hạc (ngày nay thuộc Việt Trì, Phú Thọ), và đưa quân đi đóng giứ các nơi hiểm yếu, còn Hồ Quý Ly cùng với Hồ Hán Thương tập trung xây dựng thành Tây Đô (ngày nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Hồ Nguyên Trừng đã chế ra súng "thần cơ", là một loại súng thần công có uy lực mạnh
Năm 1406, lấy chiêu bài "Phù Trần diệt Hồ", Minh Thành Tổ sai quân sang xâm lược nước ta.
Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", Hồ Nguyên Trừng đã chỉ huy lập phòng tuyến Đa Bang bắt đầu từ Ba Vì. Phòng tuyến kéo dài theo bờ Nam sông Đà, sông Hồng cho đến sông Ninh, tiếp tục theo bờ sông Luộc, sông Thái Bình đến Bình Than, dài trên 400 km. Ông còn chỉ huy nhiều trận đánh lớn như trận Lãnh Kinh (1406), trận phòng thủ Đa Bang, các trận phản công sông Lô và cửa Hàm Tử (1407). Trừ trận Lãnh Kinh thắng lợi, còn lại đều thất bại.
Mặc dù có "thần cơ" nhưng "lòng dân không theo", năm 1407, cha con Hồ Quý Ly bị bắt. Trong dịp này, quân Minh đã bắt 17.000 người tài, thợ khéo của nước Việt đưa về Trung Quốc, trong đó có Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi. Triều đại Nhà Hồ sụp đổ sau 7 năm tồn tại trong lịch sử nước ta.
Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương bị xử chết, riêng Hồ Nguyên Trừng được vua Minh Thành Tổ ân xá, vì biết tài của ông, nhưng bắt đổi sang họ Lê.
Hồ Nguyên Trừng có công lớn trong việc chỉ huy xây cố cung Bắc Kinh cho nhà Minh dời đô từ Nam Kinh lên Bắc Kinh. Ông cũng giúp Nhà Minh chế "thần cơ", hiệu nghiệm hơn các loại súng đương thời của Trung Quốc lúc bấy giờ.
Súng "thần cơ" có đầy đủ các bộ phận như súng thần công sau này, gồm hai loại, loại nhỏ là súng cầm tay dùng cho bộ binh, có tầm bắn xa 700 mét. Loại lớn đặt cố định bảo vệ thành hoặc dùng xe kéo cơ động. "Thần cơ" là kết quả nghiên cứu, phát minh về thuốc súng, về kỹ thuật luyện kim và thiết kế chế tạo. Chắc chắn rằng, những kinh nghiệm của người Việt trong nghề đúc đồng và chế tạo vũ khí đã được Hồ Nguyên Trừng tiếp thu học hỏi và phát triển lên tầm cao mới.
Nhà Minh dùng "thần cơ" của người Việt trong chiến tranh với Mông Cổ
Vì có tài năng về kỹ thuật quân sự, Hồ Nguyên Trừng được làm quan ở Bộ Công, trải bốn đời vua nhà Minh: Minh Thành Tổ (1360-1424); Minh Nhân Tông (1378-1425); Minh Tuyên Tông (1398-1435) và Minh Anh Tông (1422-1464). Kinh qua các chức Lang trung, Hữu Thị lang, Tả Thị lang, đến năm 1445, Hồ Nguyên Trừng được thăng lên chức Thượng thư Bộ Công dưới đời vua Minh Anh Tông. Nhà Minh gọi ông là "Hỏa khí chi thần".
Trong thời gian bị "lưu đày" ở Trung Quốc, Hồ Nguyên Trừng vẫn đau đáu nỗi niềm cố quốc. Ông lấy tên hiệu là Nam Ông (Ông già nước Nam), viết tập sách "Nam Ông mộng lục" (Ghi chép trong mơ của Ông già nước Nam).
Qua tập sách này, người đọc có thể hình dung phần nào về đất nước, con người Việt Nam cách nay hơn 600 năm với tín ngưỡng, phong tục, tập quán được ghi lại chân thực và sinh động.
Năm Bính Dần 1446, Hồ Nguyên Trừng mất vì bệnh tuổi già, hưởng thọ 73 tuổi. Mộ ông an táng tại sườn núi Ngọc Đài, thôn Nam An Hà, phía Tây Bắc Kinh. Con trai ông là Lê Thúc Lâm và cháu nội là Lê Thế Ninh sau này cũng làm quan triều Minh.
Dù còn những lời bình phẩm, phán xét về cuộc đời của Hồ Nguyên Trừng, nhưng không thể phủ nhận ông là một tài năng nước Việt lỗi lạc, đã đi trước thời đại hàng trăm năm trong lĩnh vực kỹ thuật.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/than-co-ho-nguyen-trung-than-khong-so-danh-giac-chi-so-long-dan-khong-theo-179220619182806615.htm