Tây Tạng tan băng nhanh có thể giải phóng dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm
Việc phát hiện hàng trăm loại vi khuẩn mới mà nhân loại chưa từng biết tới ở Cao nguyên Tây Tạng khiến cộng đồng khoa học lo ngại chúng có thể gây dịch bệnh nguy hiểm nếu băng tại khu vực này tan nhanh.
Tây Tạng - nơi nhiệt độ cực thấp
Cuộc sống của một vi sinh vật trên Cao nguyên Tây Tạng là không hề dễ dàng. Nơi đây có nhiệt độ cực thấp, lượng bức xạ mặt trời cao, không có nhiều thứ để ăn, và mọi sinh vật sống đều thường xuyên phải trải qua quá trình đông lạnh rồi rã đông tùy theo thời điểm trong năm.
Vì vậy, việc các nhà khoa học phát hiện tới 968 loài vi sinh vật mà nhân loại chưa từng biết tới trong điều kiện môi trường khắc nghiệt này là điều gây kinh ngạc lớn.
"Bề mặt của các sông băng tại đây hỗ trợ rất nhiều dạng sống khác nhau, gồm vi khuẩn, tảo, nấm và nhiều loại vi sinh vật khác", nhóm nghiên cứu của Trung Quốc viết trong bài báo khoa học được đăng trên tạp chí Nature vào cuối tháng 6.
"Băng trên sông băng cũng đóng vai trò như bản ghi lại các vi sinh vật từng sống trong quá khứ, với nhiều vi sinh vật cổ đại (hơn 10.000 năm tuổi) đã được hồi sinh thành công. Do đó, hệ vi sinh vật sông băng cũng tạo thành một biên niên sử vô giá về sự sống của các vi sinh vật trên hành tinh của chúng ta".
Các nhà nghiên cứu đã tập trung khảo sát một nhóm sông băng cụ thể, trong trường hợp này là các con sông trên Cao nguyên Tây Tạng. Khu vực rộng 2,5 triệu km vuông này là nguồn nước quan trọng cho các vùng lân cận ở châu Á và đã bị ảnh hưởng đặc biệt bởi biến đổi khí hậu, với hơn 80% sông băng bắt đầu thu nhỏ quy mô.
Các nhà khoa học đánh giá, do ảnh hưởng từ quá trình nóng lên toàn cầu, sự tan chảy của các sông băng đã đặt ra khả năng vi sinh vật nguy hiểm sẽ được giải phóng và gây họa.
Họ tin rằng nếu có thể đi vào bầu khí quyển, các vi khuẩn có hại này đủ sức gây bùng phát dịch cục bộ, trước khi tạo thành đại dịch mới.
27.000 ngàn yếu tố có tiềm năng gây bệnh
Hoàn toàn có khả năng một số vi sinh vật mới được phát hiện sẽ gây hại cho con người và động vật hoang dã. Trong quá trình thống kê số vi sinh vật mới phát hiện, các nhà khoa học đã nhận thấy 27.000 yếu tố có tiềm năng gây bệnh – đó là các chất hóa học tạo điều kiện cho sự xâm nhập của vi khuẩn và sự xâm chiếm tế bào của vật chủ.
Thực sự không có cách nào để biết rõ mức độ nguy hiểm của các vi sinh vật mới được phát hiện, bởi rất nhiều trong số đó đều là các sinh vật chúng ta chưa từng tiếp xúc.
Ngoài vấn đề vi sinh vật nguy hiểm, các nhà khoa học cũng đặt ra vấn đề bảo tồn những vi sinh vật quan trọng, có giá trị, bởi quá trình biến đổi khí hậu tại Cao nguyên Tây Tạng có thể khiến chúng tuyệt chủng vĩnh viễn.
"Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã lần đầu đệ trình các bộ gene và danh mục gene cho hệ sinh thái sông băng, bao gồm 3.241 bộ gen và các bộ gen được lắp ráp theo hệ metagenome, cùng với 25 triệu protein không dư thừa từ 85 metagenome", nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà sinh thái học Yongqin Liu tới từ Đại học Lan Châu, viết trong bài báo.
Kết quả từ nỗ lực khổng lồ khi lấy mẫu tuyết
Được biết, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một nỗ lực khổng lồ khi lấy mẫu tuyết, băng và bụi từ 21 sông băng ở Tây Tạng, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2020. Họ sử dụng phương pháp đo lường trên các mẫu để thu thập tất cả các vật chất di truyền. Họ cũng nuôi cấy một số vi sinh vật trong phòng thí nghiệm để tìm hiểu thêm về chúng và trích xuất bộ gene tốt hơn.
Kết quả, nhóm nghiên cứu thấy 82% bộ gene mới được phát hiện thuộc về các sinh vật chúng ta chưa từng biết tới. Khoảng 11% lượng vi sinh vật mới được tìm thấy đã có mặt trên chỉ 1 sông băng duy nhất. 10% vi sinh vật sống trên tất cả các sông băng đã được khảo sát.
Các nhà nghiên cứu cũng đã đưa kết quả họ tìm được vào một danh mục có tên "Bộ gene và gene sông băng Tây Tạng (TG2G) để cộng đồng khoa học quốc tế có thể sử dụng trong tương lai.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tay-tang-tan-bang-nhanh-co-the-giai-phong-dich-benh-cuc-ky-nguy-hiem-179220704221336677.htm