Tập thể dục giúp giảm nguy cơ mắc trầm cảm
Những năm gần đây, sức khỏe tâm thần của thanh niên được xã hội đặc biệt quan tâm, một nghiên cứu cho thấy thanh niên là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm.
Mới đây, "Báo cáo phát triển sức khỏe tâm thần quốc gia Trung Quốc năm 2022" đã ghi nhận tỷ lệ phát hiện nguy cơ trầm cảm ở người trưởng thành tại quốc gia này là 10,6%. Trong số đó, tỷ lệ phát hiện nguy cơ trầm cảm ở nhóm tuổi 18 đến 24 là 12,3% bằng nhóm tuổi 25 đến 34, tỉ lệ này giảm mạnh ở nhóm tuổi 35 trở lên.
Báo cáo cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần quốc gia không chỉ bao gồm tình trạng công việc, sự hỗ trợ của gia đình và xã hội mà còn liên quan đến tình trạng tập thể dục và giấc ngủ.
Tần suất tập tăng - tỷ lệ phát hiện nguy cơ trầm cảm giảm
Liên quan đến vấn đề tập luyện, báo cáo tập trung vào tác động của tần suất và thời lượng của một bài tập đối với nguy cơ trầm cảm. Theo số liệu nghiên cứu, nhóm không hoạt động thể chất có tỷ lệ phát hiện trầm cảm cao hơn nhiều các nhóm còn lại.
Ông Chen Zhiyan - người đứng đầu bản báo cáo, giáo sư tại Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết, "phân tích mối quan hệ giữa thời gian vận động và chứng trầm cảm cho thấy, một bài tập từ 20 phút trở lên là có tác dụng đáng kể".
Nhiều người biết việc tập luyện giúp bảo vệ sức khỏe và tinh thần, nhưng số người thực sự nhận thức và hành động vẫn còn hạn chế. Với bệnh nhân trầm cảm, có thể thấy tác dụng vượt trội của việc vận động đối với điều chỉnh cảm xúc, ông Chen Zhiyan nhấn mạnh.
Theo bản báo cáo, so với các cách giải tỏa căng thẳng khác như mua sắm trực tuyến và chơi game, tập thể dục khiến mọi người cảm thấy tích cực hơn. Việc thực hiện các bài vận động thường xuyên có tác dụng đáng kể trong ngăn ngừa và giảm bớt lo lắng và trầm cảm, đặc biệt các yếu tố như "khối lượng tập", "thuộc tính xã hội " và "ngoại cảnh" ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của việc chống trầm cảm.
Khi một người rơi vào trạng thái lo lắng hay thậm chí là mắc bệnh trầm cảm, liệu pháp vận động giúp điều chỉnh tâm trạng, nâng cao sự tự tin và phục hồi các nhu cầu xã hội. Hãy thử các môn thể thao khác nhau và tìm ra những lựa chọn giúp bệnh nhân cảm thấy hạnh phúc về thể chất và tinh thần.
Tập luyện thể chất không phải là giải pháp duy nhất
Liệu pháp tập thể dục cũng có những chỉ định, không phải ai cũng có thể giải quyết được vấn đề thông qua tập luyện. Nếu tình hình không được cải thiện, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên môn để được tư vấn sớm nhất.
Theo Bi Xiaoting, nhà nghiên cứu cộng tác tại Viện Khoa học Thể thao Giang Tô và là chuyên gia Tâm lý học Thể thao, các bài tập khác nhau cần phù hợp với các vấn đề tâm lý khác nhau.
Bài tập tốt nhất là "bài tập phù hợp nhất với bạn", bởi vì sự nhất quán giữa nhu cầu sức khỏe tinh thần cá nhân và hiệu quả của việc tập luyện là yếu tố then chốt trong việc cải thiện tâm trạng, "tập thể dục không thể giải quyết tất cả các vấn đề tâm lý, nó phụ thuộc vào việc bài tập có phù hợp hay không".
Can thiệp bằng vận động đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát rủi ro cảm xúc và ngăn ngừa bệnh trầm cảm.
Theo quan điểm của Bi Xiaoting, rủi ro sức khỏe tâm thần tiềm ẩn của người trẻ tuổi nếu được chẩn đoán kịp thời, sẽ tốt hơn nhiều so với việc để bệnh tiến triển rồi mới tìm cách điều chỉnh.
Cô cho rằng ai cũng có thể gặp phải thử thách về vấn đề tâm lý, ngay cả những vận động viên chuyên nghiệp cũng gặp rắc rối về các vấn đề sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như mất ngủ kéo dài, căng thẳng trong thi đấu, và cạnh tranh tạo nên những lo lắng.
Đối với người trầm cảm ở mức độ nặng, cần xác định rõ tập thể dục chỉ là một trong những cách để cải thiện tình hình, "khi bị bệnh trầm cảm, không thể chỉ coi tập luyện thể chất là giải pháp duy nhất, điều này rất quan trọng vì có thể dẫn đến chậm trễ trong điều trị…".
Bi Xiaoting thẳng thắn nói rằng trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của những người trẻ tuổi, tập thể dục là cần thiết nhưng không phải là "đơn thuốc" chữa bách bệnh, mà nên nhìn nhận đây là việc không được bỏ qua.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tap-the-duc-giup-giam-nguy-co-mac-tram-cam-179230419131050804.htm