Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị tiếp tục hoàn thành mục tiêu
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, ứng phó trước biến động của thị trường để từng bước hoàn thành mục tiêu 5 năm (2021-2025).
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giữ vững mục tiêu tăng trưởng
Trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng là năm then chốt, tăng tốc và bứt phá nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu 5 năm (2021-2025), ngay trong những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, Petrovietnam đã quyết tâm, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm cùng với các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch đề ra cũng như mục tiêu tăng trưởng. Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng các đơn vị triển khai nhiều giải pháp, bám sát mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, ngay cả trong diễn biến khó khăn của thị trường.
Có thể nói, trong 3 trụ cột của ngành năng lượng, Petrovietnam được xem là “người anh cả”. Petrovietnam không chỉ là nòng cốt trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ. Những công trình, dự án của Petrovietnam trên khắp mọi miền Tổ quốc đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế - xã hội, tạo động lực cho công nghiệp địa phương phát triển.
Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Petrovietnam đã cho thấy những kết quả kinh doanh tích cực với các kế hoạch đều vượt mức nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai đồng bộ, khoa học, linh hoạt tổng thể các nhóm giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, gia tăng trữ lượng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 4,38 triệu tấn quy dầu. Tập đoàn có 02 phát hiện dầu khí mới (tại Lô 09-1, mỏ Rồng và Lô PM3-CAA, mỏ Bunga Aster). Đây là kết quả rất đáng khích lệ vì suốt trong giai đoạn năm 2019 - 2023, chỉ có năm 2023, Tập đoàn mới có 02 phát hiện dầu khí trong một năm. Điều này là minh chứng Tập đoàn đã thực hiện tốt phương châm hành động của năm 2024 là "Bổ sung động lực mới,làm mới động lực cũ" để phát triển.
Trong những tháng đầu năm 2024, tin vui về hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác, thăm dò, đầu tư, xây lắp... liên tục báo về từ các đơn vị thành viên của Petrovietnam như: Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP); Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo); Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR); Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC); Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PVGas); Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CPCP (PVOil Corp.); Tổng Công ty CP Khoan & Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVDrilling); Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco); Tổng Công ty CP Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem); Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcom Bank); Công ty TNHH Lọc hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP)... Trong đó, đặc biệt có thể kể đến những kết quả vượt trội đến từ một số đơn vị thành viên luôn tiên phong góp mặt trong bảng "vàng" thành tích của Petrovietnam.
PVCFC ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm
Có thể kể đến đầu tiên là kết quả kinh doanh vượt trội của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC). Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ phân bón của PVCFC đạt hơn 676 nghìn tấn sản phẩm các loại, hoàn thành 103% kế hoạch và tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, sản lượng Urê Cà Mau đạt hơn 453 nghìn tấn, hoàn thành 122% kế hoạch, tăng trưởng 3% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ NPK Cà Mau đạt gần 77 nghìn tấn, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ.
Về xuất nhập khẩu, 6 tháng đầu năm PVCFC có tổng sản lượng xuất khẩu đạt hơn 183 nghìn tấn phân bón các loại, hoàn thành 174% kế hoạch, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng sản lượng nhập khẩu phân bón 2 quý đầu cũng tăng 84% so với cùng kỳ và số lượng hợp đồng nhập khẩu ký kết tăng 116% so với cùng kỳ năm 2023.
Phân bón Cà Mau tiếp tục tiết giảm chi phí đầu vào hiệu quả; nỗ lực giảm phát thải và tiêu hao năng lượng. Có thể kể đến các dự án gia tăng giá trị bền vững cho nhà máy có bước tiến triển tốt như: Dự án CO2 thực phẩm, thu hồi nguồn khí off-gas, Ứng dụng H2 xanh… theo xu hướng chuyển dịch năng lượng.
Với nỗ lực cao trong hoạt động SXKD, sản lượng và giá bán tăng, cùng với hiệu quả đến từ việc bền bỉ bám mục tiêu chiến lược, sản xuất ổn định, thương hiệu Phân bón Cà Mau đứng vững vị thế dẫn đầu tạo lực kéo cho bán hàng và một số thương vụ về đầu tư nhà máy và kho cảng mang lại cơ hội hội lớn,... nhờ đó PVCFC ghi nhận lợi nhuận vượt so với kế hoạch.
Đầu năm 2024, PVCFC xuất khẩu thành công sản phẩm sang 2 thị trường khó tính Úc và New Zealand, bên cạnh lô hàng hơn 35.000 tấn đi Mexico. Đồng thời tiếp tục chinh phục chất lượng từ thị trường đã có của châu Mỹ và không ngừng thâm nhập sâu vào những thị trường lớn khác ở châu Á, châu Âu, châu Úc.
Các dự án đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; phát triển hạ tầng kho cảng, logistic phục vụ hoạt động kinh doanh và phân phối sản phẩm cũng như xuất khẩu của PVCFC tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, bổ trợ cho hoạt động phát triển kinh doanh chung.
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) mang về doanh thu gần 64 nghìn tỷ đồng
Trong sáu tháng qua, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã mang về doanh thu gần 64 nghìn tỷ đồng, đạt 154%; lợi nhuận trước thuế đạt 390 tỷ đồng, bằng 106% kế hoạch sáu tháng; sản lượng bán hàng qua kênh bán lẻ ghi nhận sự tăng trưởng cao, tăng 18% so với cùng kỳ.
Cụ thể, đơn vị đã phát triển thêm 60 cửa hàng xăng dầu, nâng tổng số hiện có trong toàn hệ thống lên 807 cửa hàng xăng dầu, cho thấy hướng phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để đầu tư, phát triển các dịch vụ phi xăng dầu tại cửa hàng xăng dầu nhằm gia tăng doanh thu, lợi nhuận và thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng, qua đó, đóng góp chung vào mục tiêu tăng trưởng của ngành dầu khí.
Số liệu thống kê của Petrovietnam cho thấy, gia tăng trữ lượng sáu tháng đầu năm đạt 4,38 triệu tấn quy dầu. Tập đoàn có hai phát hiện dầu khí mới (tại Lô 09-1, mỏ Rồng và Lô PM3-CAA, mỏ Bunga Aster). Đây là kết quả rất đáng khích lệ vì trong giai đoạn năm 2019-2023, chỉ có năm 2023, Tập đoàn mới có hai phát hiện dầu khí trong một năm. Điều này minh chứng Petrovietnam đã thực hiện tốt phương châm hành động của năm 2024 là "Bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ" để phát triển.
Trong hoạt động tài chính, Petrovietnam tiếp tục thực hiện tốt công tác quản trị, do đó, các chỉ tiêu tài chính đều hoàn thành vượt mức từ 20-77% kế hoạch và tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Tổng doanh thu toàn tập đoàn trong sáu tháng đạt 482,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15%; nộp ngân sách 71,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ…
PVNDB hoàn thành tối đa sản lượng bán cho các khách hàng
Từ phương châm hành động bám sát theo phương châm hành động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là “Quản trị biến động, Bổ sung động lực mới, Làm mới động lực cũ, Tạo nguồn năng lượng mới, Vươn tới những đỉnh cao”, các đơn vị như Chi nhánh Phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn (PVNDB) cũng đã từng bước khắc phục các khó khăn, thách thức, đoàn kết, chủ động thích ứng, linh hoạt, tích cực đổi mới, sáng tạo và đạt được những kết quả khả quan.
Trong đó, 6 tháng đầu năm 2024, PVNDB đã bao tiêu khoảng 4,1 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại, đạt 56% kế hoạch năm; tổng doanh thu đạt 74% kế hoạch năm. PVNDB đã đàm phán thành công giá mua/bán sản phẩm năm 2024 cũng như ghi nhận doanh thu từ Hợp đồng dịch vụ.
Trong công tác triển khai Hợp đồng FPOA và Hợp đồng dịch vụ, PVNDB thường xuyên cập nhật thị trường, tình hình sản xuất của Nhà máy và đưa ra các cảnh báo, đàm phán và đề xuất Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) chủ động xem xét vận hành công suất Nhà máy ở mức phù hợp; đàm phán, trao đổi sản lượng cam kết các quý với NSRP phù hợp với quy định Hợp đồng FPOA và nhu cầu thị trường. Chi nhánh đã thống nhất và thực hiện ký kết các Biên bản họp với NSRP về công tác bao tiêu sản phẩm bao gồm sản lượng, chất lượng và giá sản phẩm trong năm 2024.
Trong công tác tiêu thụ sản phẩm, PVNDB hoàn thành tối đa sản lượng bán cho các khách hàng; hoàn thành đàm phán giá bán cho kỳ 6 tháng cuối năm 2024 với các khách hàng; thường xuyên bám sát diễn biến thị trường, cập nhật các thông tin dự báo để chuẩn bị các kế hoạch ứng phó kịp thời, xử lý tốt các kế hoạch hàng mỗi tháng/quý theo thực tế thị trường để tránh xảy ra tanktop cho Nhà máy; mở rộng khách hàng tiêu thụ tối ưu khả năng giải phóng hàng.
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) hoàn thành tốt các chỉ tiêu
Nhờ áp dụng các giải pháp quản trị, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã vượt khó, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra.
Trong 6 tháng 2024, đơn vị đã sản xuất 2,85 triệu tấn sản phẩm (tiêu thụ 2,75 triệu tấn), đạt 119%; tổng doanh thu 55,3 nghìn tỷ đồng, đạt 139%; nộp ngân sách hơn 5.700 tỷ đồng, đạt 131% kế hoạch, lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra. BSR đã hoàn thành công tác bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 Nhà máy lọc dầu Dung Quất; thử nghiệm thành công tăng công suất phân xưởng CDU lên 118%, RFCC lên 110%, KTU lên 140% công suất thiết kế; thử nghiệm chế biến dầu thô mới Bunga Orkid với 20% vol và sản xuất thành công 500 tấn sản phẩm mới là hạt nhựa PP định hình nhiệt TF4035,…
Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết, bên cạnh những thành quả đạt được, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đối diện nhiều khó khăn như rủi ro về địa kinh tế, chính trị, lãi suất cao, tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu và kế hoạch nới lỏng sản lượng dầu của OPEC+. Ngoài ra, việc đàm phán mua bán dầu thô Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để hoàn thành mục tiêu sản xuất 3,33 triệu tấn sản phẩm (tiêu thụ 3,29 triệu tấn), tổng doanh thu 55,27 nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách 6.164 tỷ đồng sáu tháng cuối năm, đơn vị sẽ chủ động triển khai tám nhóm giải pháp về quản trị doanh nghiệp; mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng suất và hiệu suất; mở rộng thị trường, kinh doanh quốc tế,… nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất, giữ vững mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS) góp phần không nhỏ thực hiện mục tiêu thắng lợi
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS) đã nhập bốn chuyến LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) với giá trị gần 3.000 tỷ đồng để cung cấp cho ngành điện trong cao điểm mùa khô, góp phần bù đắp sản lượng khí nội địa đang sụt giảm nhanh; đồng thời, sản lượng kinh doanh LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) hoàn thành ở mức cao, tăng 38% so với cùng kỳ, góp phần bù cho doanh thu sụt giảm do tiêu thụ khí thấp.
Doanh thu của PVGAS đạt 111%, tăng 12% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 129% kế hoạch.
Tổng Giám đốc PVGAS Phạm Văn Phong nhận định, sự suy giảm nguồn khí nội địa đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo cùng với những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh là những khó khăn lớn đơn vị đang phải đối diện, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thực hiện các định hướng chiến lược phát triển của đơn vị. Do đó, trong ngắn hạn, PVGAS sẽ tập trung kinh doanh, phát triển thị trường, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu chuyển dịch, phát triển xanh trong trung và dài hạn. Trong đó, LNG sẽ là nền tảng, sản phẩm chủ lực của PVGAS trong tương lai.
Có thể nói, nhờ bám sát những diễn biến từ thị trường, triển khai đồng bộ, kịp thời những giải pháp quản trị, điều hành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã vượt qua những khó khăn, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch nửa đầu năm 2024, và sẽ còn tiếp tục chinh phục các mốc mục tiêu trong năm 2024 để hoàn thành các mục tiêu chiến lược phát triển của Tập đoàn cũng như các đơn vị.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tap-doan-dau-khi-viet-nam-va-cac-don-vi-tiep-tuc-hoan-thanh-muc-tieu-179240811225236379.htm