Tạo "hệ miễn dịch số" cho trẻ em trên không gian mạng

PV
06:00 - 26/11/2022

Các cơ quan chức năng và phụ huynh cần phối hợp để xây dựng một “hệ miễn dịch số”, “vaccine số” để trẻ em tự nhận biết và bảo vệ mình trên môi trường mạng; duy trì một không gian mạng lành mạnh, an toàn.

Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Hiệp hội An toàn thông tin và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức, trong khuôn khổ Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022.

Nguy cơ trẻ em tiếp xúc với nội dung nhạy cảm, bị xâm hại trên môi trường mạng

Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT) cho biết, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu người là trẻ em, trong đó 2/3 trẻ có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. 

Theo số liệu báo cáo của UNICEF, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi.

Việc tham gia hoạt động trên mạng sẽ khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều rủi ro như tiếp cận với nội dung độc hại, bị phát tán thông tin riêng tư, nhạy cảm; bị bắt nạt trực tuyến hoặc rơi vào tình trạng nghiện Internet.

Tạo "hệ miễn dịch số" cho trẻ em trên không gian mạng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam.

Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông

Theo thống kê về sử dụng Internet ở nhóm tuổi 12-17 tại Việt Nam, có tới 89% trẻ em trong lứa tuổi này sử dụng Internet, trong đó có 5% sử dụng máy tính bảng, 21% sử dụng máy tính và 98% sử dụng điện thoại di động.

Trong số đó, có 2% trẻ em đã từng bị yêu cầu trò chuyện tình dục, 1% trẻ em bị dụ dỗ gửi video, ảnh nhạy cảm; 1% trẻ em bị chia sẻ ảnh, video nhạy cảm mà không có sự đồng ý…

Bà Đinh Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định VNCERT cho biết tỉ lệ trẻ em dùng Internet cao kéo theo nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên mạng tăng lên.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chia sẻ tại Hội thảo, mỗi năm có hơn nửa triệu cuộc gọi tới Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111, trong đó hàng trăm cuộc gọi được xếp loại có vấn đề xâm hại trên môi trường mạng.

Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 mở 24/7 để nhận các cuộc gọi đến của trẻ em và cả các bậc phụ huynh nhằm tiếp nhận thông tin cũng như phối hợp xác minh để hỗ trợ, can thiệp khẩn cấp trong nhiều trường hợp. Tổng đài này cũng hỗ trợ thông tin, tư vấn các vấn đề liên quan tới trẻ em.

Tính đến tháng 11/2022, tổng đài đã tiếp nhận 356.681 cuộc gọi tới, trong đó, các hệ thống trực tuyến đã tiếp nhận trên 9.300 cuộc gọi phản ánh. “Hơn 400 cuộc gọi trong số này xếp loại có vấn đề xâm hại trên môi trường mạng. Các tổng đài viên đã triển khai 393 cuộc gọi tư vấn, trong đó, có 20 trường hợp cần can thiệp khẩn cấp”, ông Đặng Hoa Nam nói.

Cũng theo lãnh đạo Cục Trẻ em, các cuộc gọi yêu cầu gỡ bỏ các thông tin xâm phạm về đời tư của trẻ để lan truyền trên mạng với ý đồ khác nhau, chiếm số lượng lớn nhất. 

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, đồng sáng lập và CEO CyberPurify cũng đưa ra kết quả khảo sát quốc tế cho thấy 95% trẻ từ 3-18 tuổi truy cập Internet tại nhà và cũng có tới 79% trường hợp tiếp xúc không mong muốn với nội dung người lớn xảy ra tại nhà. Nội dung người lớn là vấn đề an toàn mạng nghiêm trọng thứ 2 đối với trẻ em hiện nay.

Theo bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, nội dung người lớn xuất hiện ở khắp mọi nơi. 70% trẻ em nhìn thấy hình ảnh khiêu dâm là không chủ ý. Trẻ có thể không chủ ý tìm xem nội dung người lớn thông qua quảng cáo, cửa sổ bật lên trên các trang web không liên quan đến khiêu dâm, email rác, các cụm từ tìm kiếm (giới tính), các liên kết chuyển hướng, Google Drive…

Tạo "hệ miễn dịch số" cho trẻ em

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin với trẻ em, Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam chỉ ra thực trạng hiện nay trẻ em khi gặp vấn đề trên mạng không biết tâm sự cùng ai, tìm kiếm sự trợ giúp trên mạng lại dễ gặp phải rủi ro, thông tin độc hại.

Theo ông Đặng Hoa Nam, các cơ quan chức năng cần phối hợp để xây dựng nên một hệ miễn dịch số, vaccine số bằng cách trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng về an toàn trên không gian mạng.

Bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, đồng sáng lập và CEO CyberPurify cũng cho rằng trò chuyện và công nghệ là mấu chốt trong việc bảo vệ con hiệu quả trên môi trường mạng. Suy nghĩ bảo vệ con là biết con làm gì trên mạng càng chi tiết càng tốt từ đó cấm đoán, kiểm soát sẽ khiến con càng hành động lén lút, ngày càng xa lánh cha mẹ, con càng có rủi ro cao hơn bị tác động tiêu cực bởi nội dung độc hại.

Ông Vũ Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết Việt Nam đã sớm có chính sách quan tâm mạnh mẽ đến việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng. Chính sách này được hình thành và đang được hoàn thiện dần trong các bộ Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Trẻ em 2016, Luật An ninh mạng 2018.

Tạo "hệ miễn dịch số" cho trẻ em trên không gian mạng - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch VNISA Vũ Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông

Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên mỗi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025". Chương trình hướng tới mục tiêu bảo vệ thông tin, bí mật riêng tư của trẻ, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ và tương tác an toàn. Cùng với đó là hình thành và phổ cập hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí lành mạnh, sáng tạo.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, để chính sách trên giấy thành hiện thực đòi hỏi sự nỗ lực chung tay của của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng.

Để bảo vệ, hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng cần có 4 đối tượng tham gia: cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ trên mạng, phụ huynh và trẻ em.

Để hiệu quả cao nhất thì cần cơ quan quản lý nhà nước có hành lang pháp lý, kế hoạch hành động, quy chuẩn tiêu chuẩn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đơn vị cung cấp dịch vụ phải có hệ thống chặn lọc nội dung độc hại, không phù hợp lứa tuổi.

Cùng với đó, phụ huynh cần có sự quan tâm, tri thức và kỹ năng bảo vệ con trên môi trường mạng. Quan trọng hơn cả, chúng ta cần xây dựng thành trì ở chính đối tượng cần bảo vệ, đó là tạo ra sự miễn dịch của trẻ, để các em có thể tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc VNCERT cũng cho rằng, bảo vệ và giúp đỡ trẻ em phát triển lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội.

Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng, đã có nhiều giải pháp được triển khai với mục tiêu bảo vệ trẻ em trên mạng, nhưng giáo dục phải đi trước một bước. Các nhà quản lý cần đẩy mạnh nhiều chương trình giáo dục về an ninh mạng cũng như giáo dục trí thông minh kỹ thuật số cho trẻ em ngay từ các cấp mầm non, tiểu học.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tao-he-mien-dich-so-cho-tre-em-tren-khong-gian-mang-179221125171530514.htm