Tặng thầy cô quà gì nhân ngày 20/11?
Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, việc tặng quà gì đến thầy cô và tặng như thế nào lại được bàn luận sôi nổi. Song, trên thực tế, hoạt động này đơn giản hơn rất nhiều nếu hiểu đúng ý nghĩa của nó.
Truyền thống tặng quà thầy cô giáo của người Việt
Tháng 8/1954, tổ chức công đoàn các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới mà nòng cốt là các nhà giáo ở các nước xã hội chủ nghĩa, đã nhất trí thông qua bản "Hiến chương các nhà giáo".
Tại Việt Nam, lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc vào ngày 20/11/1958.
Với ý nghĩa tích cực của Ngày 20/11, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của nhiều tổ chức, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982 quyết định hằng năm sẽ lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Việc tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam, là ngày cả nước cùng hướng về những người làm giáo dục. Cũng từ đây, việc tặng quà thầy cô giáo nhân dịp này đã trở thành một nét truyền thống của nhiều thế hệ người Việt.
Khi đất nước còn trong thời kỳ khó khăn của chiến tranh và nền kinh tế bao cấp, việc tặng quà tri ân thầy cô ngày 20/11 đã rộn ràng như ngày hội.
Một người bác của tôi, năm nay đã gần 70, kể lại ký ức về những ngày Nhà giáo thuở trước: "Đó như ngày "đại hội cam" vậy! Hồi ấy hàng hóa không có nhiều, cũng đói nữa. Được phiếu mua hàng thì bố mẹ để dành cho con mua mấy quả cam biếu thầy cô. Thế cũng là quý lắm rồi. Ai có điều kiện cũng đều tặng vậy nên gọi là "đại hội".
Một người cô của tôi, cũng từng sống trong thời bao cấp, kể lại: "Cứ đến ngày 20/11 là mấy đứa trong lớp kéo đàn, kéo lũ đạp xe đến nhà thầy cô. Nhớ có lần lớp mua cho cô giáo cái nón và mấy quả cam. Trên đường đi thì nô đùa, khiến nón bị bẹp dí, cam thì giập. Chiếc nón được chỉnh cho tròn lại và tặng cô giáo. Còn cam thì cô bổ ra hết cho cả nhóm ăn. Cô trò nói chuyện cười đùa vang cả gian nhà".
Ngày nay, khi nền kinh tế đất nước thay đổi, hàng hóa đa dạng, những món quà để biếu tặng cũng vô cùng phong phú, đủ kiểu loại, mẫu mã, đủ giá tiền khác nhau.
Còn nhớ những năm còn đi học, hơn mười năm đến trường là hơn mười năm tôi và các bạn trong lớp đều có những món quà tặng thầy cô giáo nhân ngày 20/11. Tựu trung lại cũng có mấy món "kinh điển" là bó hoa, cuốn sổ, cây bút, bộ cốc chén. Năm nào chu đáo hơn thì có áo sơ mi, cà vạt, đôi giầy, tấm vải... Kinh phí có nhỉnh đôi chút nhưng chia ra cả lớp cũng chả đáng là bao.
Dù món quà là gì thì khi đến nhà thầy cô, chúng tôi cũng đều hết sức trân trọng những món quà đó, tặng thầy cô với những lời chúc đã học thuộc từ trước nhưng vẫn ngượng ngùng, mãi mới nói ra được.
"Tiết mục" tặng quà xong thì cô trò lại ngồi hàn huyên chuyện trong lớp, trong trường, chuyện tíu tít…cũng vui vô cùng.
Nhìn ra bức tranh rộng hơn, ở những vùng đất còn khó khăn, trong Ngày Nhà giáo Việt Nam, món quà học sinh tặng thầy cô cũng rất đặc biệt. Đó là hoa rừng, là củ sắn, là nải chuối, mớ rau… Tất cả đều bình dị, chất phác nhưng ấm áp và trong sáng biết bao.
Pháp luật hiện nay quy định như thế nào về việc tặng quà?
Theo khoản 2 điều 22 Luật Phòng chống tham nhũng quy định: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Và người có chức vụ quyền hạn theo quy định tại luật này có bao gồm viên chức là những giáo viên. Bởi vậy, giáo viên không được phép nhận quà của học sinh, phụ huynh vì lý do liên quan đến trách nhiệm và thẩm quyền của giáo viên đó.
Theo điều 27, Nghị định 59/2019/NĐ-CP, có những tài sản như sau được coi là hành vi tham nhũng là tiền, giấy tờ có giá trị, hiện vật, dịch vụ thăm quan, y tế, giáo dục, thực tập bồi dưỡng, động vật, thực vật, thực phẩm tươi sống, khó bảo quản.
Như vậy, thầy cô giáo không được phép nhận hầu như mọi quà tặng với mục đích không chính đáng và không ngay thẳng.
Căn cứ vào những quà tặng bị cấm như trên thì phụ huynh có thể hiểu rằng việc tặng quà cho giáo viên chỉ nên với mục đích trong sáng, như vì chúc mừng ngày nhà giáo, vì yêu và quý mến thầy cô giáo, vì biết ơn thầy cô giáo đã giúp đỡ con em mình.
Những lý do như mong muốn thầy cô quan tâm con em mình hơn được coi là lợi ích không chính đáng khi nhiệm vụ, trách nhiệm của giáo viên là phải lo lắng, quan tâm, chỉ dạy học sinh của mình. Và hơn hết Nhà nước cũng luôn đảm bảo rằng giáo viên khi giảng dạy đều có khả năng bao quát hết học sinh của mình và không để trường học quá tải.
Tặng quà – một ngôn ngữ yêu thương
"Biết ơn" và "yêu thương" là hai khái niệm tưởng chừng như có mối quan hệ mờ nhạt, song, trên thực tế chúng lại rất gần gũi và khăng khít với nhau.
Khi biết ơn một người về điều gì đó, ta thường có cảm tình với người ấy nhiều hơn. Đến một ngưỡng nhất định, những cảm tình sẽ chuyển hóa thành niềm thương yêu.
Ở chiều ngược lại, khi yêu thương một ai, ta sẽ dễ cảm kích, biết ơn về những việc người đó làm cho ta. Vì thế, yêu thương và biết ơn thường đồng hành với nhau, và ở một góc độ nhất định, chúng có cùng ngôn ngữ - cách thể hiện.
Ta thường nghe nhiều về tình yêu thương, cũng có khi được nghe cắt nghĩa về tình yêu thương. Nhưng cụ thể đó là gì thì nhiều người không rõ.
Tìm kiếm trên Google cụm từ "ngôn ngữ yêu thương", chỉ trong tích tắc có thể cho ra hàng triệu kết quả. Từ những câu chuyện, những bài giảng, cho đến những cuốn sách. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là kết quả: 5 "ngôn ngữ" hay nói đúng hơn là 5 biểu hiện của tình yêu thương.
Bên cạnh những lời nói, những cử chỉ ân cần, thời gian chất lượng và tiếp xúc trực tiếp, thì tặng quà cũng là biểu hiện của sự thương yêu.
Thẳng thắn mà nói, ai trong số chúng ta cũng đều thích quà. Đó là tâm lý chung. Nhưng để món quà trở thành một loại "ngôn ngữ" của yêu thương hay sự biết ơn thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng không nằm ở giá trị vật chất của món quà mà nằm ở thái độ của người tặng và cách tặng món quà đó. Đây là những điều mà mỗi người cần đặc biệt lưu tâm khi tặng quà thầy cô.
Món quà mà mọi thầy cô mong muốn
Nhận món quà từ học sinh của mình, đa số thầy cô giáo xúc động, cảm kích vì món quà không chỉ là sự động viên, khích lệ mà còn là lời nhắc nhở lớn đối với mỗi người nhà giáo về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Bởi chỉ khi lấy học trò làm trung tâm, vì sự phát triển của học trò, thầy cô mới làm tròn bổn phận của một người thầy.
Được tiếp xúc, trò chuyện nhiều với thầy cô giáo tâm huyết với công việc và lắng nghe chia sẻ của họ, tôi nhận ra một điều rằng: món quà gì không quan trọng, quan trọng mình muốn tặng cho ai và tặng như thế nào.
Tình yêu thương và sự chân thành không đong đếm bằng giá trị món quà hay loại quà. Khi thực sự biết ơn và thương mến một ai đó, bản thân sẽ hiểu người đó cần gì hoặc chí ít là cảm nhận được món quà gì là tốt nhất với họ.
Cùng với lời giải thích chân thành về lý do chọn quà thì dù món quà không thực sự đúng với nhu cầu của người nhận, họ cũng sẽ đồng cảm và trân trọng món quà hay đúng hơn là trân trọng tình cảm của người tặng.
Món quà chỉ là một phần của ngôn ngữ yêu thương (còn 4 ngôn ngữ yêu thương khác). Sự biết ơn, trân trọng thầy cô không chỉ riêng trong một ngày 20/11.
Món quà mà những người giáo viên chân chính mong chờ và quý nhất không phải là những món quà vật chất mà đó chính là sự học tập ngày càng tiến bộ, lễ phép của học sinh, không chỉ kính trọng thầy, cô mà còn kính trọng ông, bà, cha, mẹ, người lớn tuổi, thương yêu người nhỏ.
Giáo viên muốn học sinh sau này trở thành những con người có ích cho xã hội, có tấm lòng nhân văn, trắc ẩn, giúp đỡ người nghèo khó… Đó chính là điều mong muốn nhất của mỗi người nhà giáo.
Nói như vậy không có nghĩa là phủ định những món quà học trò tặng thầy cô. Mà quan trọng hơn hết là cần hiểu đúng ý nghĩa của việc tặng quà và không phạm phải những tiêu cực mang bóng hình "quà cáp", biếu xén.
Tặng quà gì và tặng thầy cô như thế nào trong ngày 20/11?
Tất nhiên tặng quà không phải là trách nhiệm, bổn phận của học trò. Món quà trong Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng không nên là hiện thân của một cuộc "trả - vay" nào cả. Đó chỉ nên được coi là một cách để thể hiện lòng tri ân với người thầy dạy dỗ, chỉ bảo mình lớn lên.
"Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy". Nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi người phải tặng quà tất cả thầy cô đã và đang dạy mình. Mà tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, mỗi người sẽ có những cách thể hiện lòng tri ân khác nhau.
Đôi khi đó chỉ là một câu chúc từ tận trái tim, một dòng tin nhắn cảm ơn chân thành, một cái ôm thật chặt hay cái nắm tay ấm áp. Vậy cũng là đủ.
Giáo viên không thể giàu lên vì vài xấp vải hay một món quà nên họ cũng không quá bận tâm đến chúng. Còn giáo viên mà có thói quen "cơm gạo" thu vén tiền bạc từ phụ huynh trong những ngày lễ 20/11 thì cần xem xét lại tư cách nhà giáo của mình…
Quan trọng nhất là hãy lắng nghe suy nghĩ của bản thân. Mình quý mến, yêu thương ai? Muốn tri ân và tặng quà thầy cô nào? Điều kiện của mình ra sao. Hãy đảm bảo rằng việc tặng quà xuất phát từ mong muốn thực sự của bản thân chứ không bởi vì lý do "phải tặng" một cách khiên cưỡng.
Tôi cũng từng rất phân vân không biết nên tặng gì gửi đến những người thầy, người cô mà mình trân quý. Những đồ dùng gia đình ư? Thầy cô đâu thiếu! Những vật dụng cá nhân ư? Thật khó để biết phong cách, màu sắc, loại vật dụng mà thầy cô thích, trong khi cách chọn đồ của tôi thì quá tệ!
Còn giờ đây, khi tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi thường chọn một món đồ mà tôi nghĩ thầy cô sẽ cần. Và không quên một ít trái cây để thầy trò vừa thưởng thức, vừa hỏi thăm nhau về tình hình công việc và cuộc sống.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tang-thay-co-qua-gi-nhan-ngay-20-11-179221115104322132.htm