Tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa

PV
19:55 - 13/12/2022

Ngày 13/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa".

Thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhất là trong khi Việt Nam đang thực hiện quá trình chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện mục tiêu phổ cập tài chính toàn diện và Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã liên tục triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán với nhiều tiện ích cho người dân.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 8 tháng triển khai thí điểm, 3 nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone đang có khoảng 2,2 triệu khách hàng ở nông thôn, miền núi. 

Tuy đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chủ yếu phát triển ở khu vực thành thị. Tốc độ phát triển khách hàng mới của dịch vụ này có xu hướng giảm dần trong những tháng gần đây. 

Tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa - Ảnh 1.

Các vị khách mời tham gia Tọa đàm "Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa". Ảnh: VGP/Quang Thương

Trong khi đó, vẫn còn số lượng lớn người dân ở khu vực nông thôn chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, chưa có thói quen sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.

Các đơn vị triển khai đang phải đối mặt với bài toán khó, như thói quen của người dân, hoặc khắc phục hạn chế, đơn giản hoá quá trình xác minh thông tin thuê bao, đăng ký.

Thực trạng phổ cập thanh toán không tiền mặt

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư, hướng dẫn, mở tài khoản định danh khách hàng điện tử theo eKYC. Do đó khách hàng không cần đến ngân hàng mà vẫn có thể mở được các tài khoản thanh toán và mở được thẻ để thực hiện giao dịch.

eKYC (Electronic Know Your Customer) là giải pháp định danh xác thực khách hàng điện tử, cho phép ngân hàng định danh khách hàng 100% online dựa vào các thông tin sinh trắc học (biometrics), nhận diện khách hàng bằng trí tuệ nhân tạo (AI),… mà không cần gặp mặt trực tiếp như quy trình truyền thống.

Từ 2015, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho một số đơn vị phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, bằng hình thức hợp tác giữa ngân hàng thương mại với một số tổ chức khác. 

Đến nay, đã có gần 72.000 điểm giao dịch, cung cấp dịch vụ. Trong đó, có 39.000 điểm giao dịch nằm ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong 9 tháng đầu năm 2022, có gần 14 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ này, trong đó 37,5% khách hàng ở nông thôn với tổng giá trị giao dịch đạt 167.680 tỷ đồng.

Đối với dịch vụ mobile money, tính đến cuối tháng 9/2022, số khách hàng thí điểm là 2,34 triệu tài khoản, trong đó có 1,62 triệu tài khoản mở ở khu vực nông thôn, hải đảo, chiếm 69,23% tổng số tài khoản mobile money.

Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, ngành ngân hàng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an xây dựng các phương án triển khai, kết nối, khai thác thông tin dân cư, dữ liệu dân cư tại các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khai thác thẻ căn cước công dân gắn chíp, cũng như tài khoản định danh điện tử để phục vụ cho dịch vụ ngân hàng.

Nhiều ngân hàng đã thử nghiệm thành công các giải pháp xác thực người dùng thông qua căn cước công dân gắn chip; định danh khách hàng từ xa qua mạng internet để mở tài khoản; xác thực định danh khách hàng giao dịch tại ATM.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Công an và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai nghiên cứu và đề xuất phương án chi trả trợ cấp an sinh xã hội trên cơ sở định danh, xác thực điện tử để xác định đối tượng hưởng trợ cấp thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ, đại diện Hiệp hội Ngân hàng, kiêm Phó Tổng Giám đốc Sacombank chia sẻ, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số.

Ngân hàng đầu tư rất nhiều cơ sở hạ tầng cũng như những điểm thanh toán kết nối với nhau trong hệ thống để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trải nghiệm được tốt hơn các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đổi mới các hoạt động đầu tư, ứng dụng về công nghệ số, kĩ thuật số hiện đại, tiên tiến giúp cho người dùng cũng như là các điểm thanh toán được thuận tiện hơn và tiết kiệm chi phí cho xã hội thông qua sử dụng điện thoại có thể chạm vào nhau mà không phải đầu tư máy boot làm tăng chi phí… Tính đến tháng 6/2022, toàn ngành ngân hàng đã có hơn 3,4 triệu tài khoản và 2 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức eKYC.

Các ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời đầu tư cho công tác bảo mật, an toàn nhằm tạo tâm lý an tâm cho người dân vùng nông thôn chọn, tin tưởng trong việc thanh toán trực tuyến.

Khó khăn trong triển khai thanh toán không tiền mặt tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa

Theo ông Phạm Anh Tuấn, quá trình triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, cụ thể:

Thứ nhất, thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến.

Thứ hai, mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị. Còn ở khu vực nông thôn, mặc dù cũng phát triển, nhưng tốc độ phát triển chưa được như kỳ vọng.

Thứ ba, một số sản phẩm dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt chưa được thiết kế theo hướng hướng tới khách hàng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ.

Thứ tư, cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý hiện vẫn đang trong giai đoạn thí điểm. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình các bộ ngành liên quan để trình các nghị định liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ năm, vấn đề về tội phạm công nghệ cao phát triển ngày càng nhiều, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt đối với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế.

Giải pháp thúc đẩy hoạt động thanh toán không tiền mặt

Theo ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (Viettel Digital), trong thời gian tới Viettel sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình chợ 4.0. 

Ông Việt cho biết, một trong những trở ngại để thay đổi công cụ thanh toán của người dân là thói quen dùng tiền mặt sang thanh toán bằng công cụ điện tử. Vì vậy, ông kì vọng mô hình 4.0 sẽ tạo thành thói quen cho người dân khi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. 

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để hỗ trợ các ngân hàng triển khai rộng rãi các giải pháp đã được thí điểm thành công. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp để khai thác được các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm giúp cung cấp các sản phẩm tiện ích hơn cho người dân, cũng như thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tạo thuận tiện hơn cho các khách hàng khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Hiện nay đã có Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016  - 2020. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định 1813/QĐ-TTg). Quyết định đã đưa ra các phương án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là:

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách.

Thứ hai, nâng cấp hạ tầng thanh toán của quốc gia, đảm bảo thanh toán hiện đại và sẵn sàng kết nối liên thông với các hệ thống thanh toán khác.

Thứ ba, thúc đẩy việc triển khai các dịch vụ thanh toán hiện đại hơn nữa, đặc biệt là các dịch vụ ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thứ tư, triển khai các giải pháp để thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ và trong khu vực hành chính công.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo an ninh tiền tệ cũng như an ninh trong hệ thống thanh toán.

Đối với khu vực nông thôn, để thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đang dự kiến một số nội dung:

Tập trung triển khai các giải pháp để đa dạng các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là phát triển các đại lý thanh toán tại vùng sâu, vùng xa.

Với đại lý thanh toán, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét để có khả năng tiếp tục gia hạn việc thí điểm, trên cơ sở đó sẽ rà soát, xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho việc chính thức triển khai. 

Đối với các vùng sâu, vùng xa, hệ thống mobile money sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Vì vậy dự kiến đến tháng 11/2023 khi kết thúc thí điểm 2 năm đối với dịch vụ này, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, sơ kết, tổng kết đánh giá để có thể đề xuất lên Chính phủ tiếp tục cho triển khai thí điểm để tiếp tục xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp triển khai chính thức việc cung cấp các dịch vụ này.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Sacombank đề nghị xem lại mức phí ưu đãi đối với khu vực vùng nông thôn hoặc có thể miễn giảm thuế, ưu đãi thuế đối với các đại lý chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, theo ông, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sự hấp dẫn thu hút khách hàng. Khách hàng ở đây không những trực tiếp ở vùng nông thôn mà các ngân hàng cũng cần gia tăng tiếp cận với các khách hàng ở vùng thành thị, đặc biệt là các khu công nghiệp, những người công nhân bởi chính những người này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới gia đình của họ, người thân của họ đang ở vùng nông thôn. Nếu những đối tượng này sử dụng 100% thanh toán không dùng tiền mặt thì số lượng người dùng kéo theo ở vùng thôn cũng sẽ rất cao.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tang-cuong-dich-vu-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-o-nong-thon-vung-sau-vung-xa-179221213185203154.htm