Tâm tư nhà giáo trước Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

14:41 - 16/11/2024

Dự thảo Luật Nhà giáo, không nguôi lo lắng với Chương trình giáo dục phổ thông mới là những tâm tư hiện hữu trước Ngày Nhà giáo 20/11 năm nay.

Tâm tư nhà giáo trước Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - Ảnh 1.

Nhà giáo luôn phải nâng cao trách nhiệm của mình với nghề để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. Đồ hoạ: CDKH

Năm nay là năm học thứ ba thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) ở cấp trung học phổ thông, cũng là năm mà chương trình mới đã phủ hết ở tất cả các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 12. Đây là năm học đặc biệt bởi toàn ngành rốt ráo chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xã hội đang trông chờ kết quả đánh giá hiệu quả của chương trình từ các chuyên gia giáo dục.

Chủ đề của năm học là "Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương". Đổi mới ở đây không chỉ đổi mới trong dạy và học, kiểm tra đánh giá mà còn đổi mới trong thi cử ở những khối lớp cuối cấp. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến chương trình giáo dục mới như: Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; một số văn bản đang lấy ý kiến của các chuyên gia, các bộ ngành khác và nhân dân như: Luật Nhà giáo, Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông

Vì thế, Ngày Nhà giáo năm nay rất đặc biệt với những người đang công tác trong ngành. Là một giáo viên trung học phổ thông, chứng kiến nhiều sự thay đổi, tôi xin nêu đôi điều trăn trở, lo lắng lẫn niềm vui dịp này.

1. Dự thảo Luật Nhà giáo tạo động lực cho giáo viên cống hiến

Lần đầu tiên, danh dự của nhà giáo được bảo vệ bằng luật đã được đưa ra bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến xã hội. Trong thời đại công nghệ thông minh, mạng xã hội được sử dụng rộng rãi, tốc độ truyền tin nhanh chóng, việc đăng tải thông tin trong ngành giáo dục chưa qua thẩm định, kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ làm méo mó, sai lệch sự thật; làm giảm uy tín, vị thế của ngành; ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của nhà giáo, thậm chí dẫn đến hậu quả khôn lường, đáng tiếc. 

Dự thảo nội dung này có nhiều ý kiến trái chiều nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn khẳng định quan điểm như dự thảo ban đầu. Tại điểm b, khoản 3, Điều 11 quy định về những việc tổ chức, cá nhân không được làm với nhà giáo: "Công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo". 

Vì nghề giáo có tính chất đặc biệt, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành khác. Nếu không có luật bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu thiệt không chỉ có nhà giáo mà còn có cả người học. Sự cần thiết phải bảo vệ danh dự nhà giáo đúng với tinh thần thượng tôn pháp luật cũng là biểu hiện của sự tôn vinh, tôn trọng nhà giáo.

Bảo vệ danh dự nhà giáo là bảo vệ danh dự, uy tín của ngành giáo dục. Mà giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực là một trong bốn trụ cột để phát triển kinh tế - xã hội. Nếu ngành giáo dục bị xã hội coi thường thì việc đào tạo nguồn nhân lực khó đảm bảo chất lượng. Bảo vệ danh dự nhà giáo là bảo vệ lẽ đúng, chống cái sai, đưa môi trường giáo dục về đúng bản chất giáo dục.

Nếu luật hóa được nội dung này, nhà giáo sẽ an tâm hơn trong công tác và đặt hết tâm huyết vào sự nghiệp trồng người, đặt niềm tin tuyệt đối vào sự công bình của pháp luật. Thực tế cho thấy trong thời gian qua, có nhiều trường hợp nhà giáo bị tung tin lên mạng internet với nội dung sai lệch, tạo ra dư luận không tốt trong xã hội làm giảm sút niềm tin của xã hội đối với ngành. 

Dù làm ở ngành nghề nào thì viên chức, người lao động cũng phải tuân thủ theo pháp luật. Nghề giáo càng không cần, không có đặc ân riêng. Bởi nhà giáo là tấm gương cho học sinh noi theo nên càng phải chuẩn mực, phải "khuôn vàng thước ngọc". 

Nhà giáo cũng là công dân của đất nước, nếu công dân ấy không chấp hành theo pháp luật thì bị pháp luật trừng trị như mọi công dân khác, đó là thượng tôn pháp luật.

Vậy nên, khi có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng có thẩm quyền, nếu có tiêu cực trong ngành thì việc công khai hình thức kỷ luật trên các phương tiện thông tin cũng chưa muộn màng.

Một niềm vui khác nữa là lần đầu tiên trong dự thảo quy định tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập có nêu: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" (điểm a, khoản 1, Điều 27); "Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật" (điểm b, khoản 1, Điều 27); "Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" (điểm d, khoản 1, Điều 27).

Dự thảo quy định về tiền lương và chế độ nhà giáo vừa phù hợp với xu thế của thế giới, phù hợp với đạo lý "tôn sư trọng đạo"; vừa kịp thời thực tế ngành đang thiếu giáo viên trầm trọng mà nguyên nhân chính là thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học và bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. 

Dự thảo còn thu hút giáo viên tuyển dụng mới, đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Thử nghĩ, nếu sinh viên sư phạm học bốn năm đại học, khi tốt nghiệp ra trường, đi dạy với tiền lương không đủ sinh hoạt thì khó mà tuyển dụng được nhân sự. 

Dự thảo này thật sự có ý nghĩa đối với nhà giáo, để nhà giáo dồn hết tâm huyết vào chuyên môn của mình.

2. Chưa nguôi lo lắng về Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Người viết bài này là giáo viên trung học phổ thông đang trăn trở về đội ngũ nhà giáo còn "ngại" với Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là môn Ngữ văn. Vẫn còn đâu đó một đội ngũ nhà giáo chưa thay đổi phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá do còn "quen" với chương trình cũ. Với chương trình mới, nhà giáo phải thay đổi cách dạy truyền thống, tự nâng tầm bản thân và tích cực đổi mới sáng tạo. 

Muốn thế, cả thầy và trò đều phải tích cực, tự thân vận động để tìm gặp nhau trong tri thức bài học. Nếu chỉ có giáo viên tích cực, học sinh ngại tìm tòi thì việc dạy như một cuộc chơi áp đặt của người bề trên; ngược lại, nếu chỉ có học sinh tích cực, giáo viên thụ động thì sự cố gắng thay đổi của ngành cũng ì ạch mà người chịu thiệt nhất vẫn là học sinh.

Một điều lo lắng nữa của môn Ngữ văn là mỗi khi đến thời điểm kiểm tra định kỳ, trên mạng lại xuất hiện nhiều đề kiểm tra gây "choáng" cho học sinh, choáng luôn cả người đồng môn. Rồi câu chuyện "chọn ngữ liệu" lại được mổ xẻ, phân tích gây hoang mang trong phụ huynh và học sinh. 

Vấn đề "ngữ liệu" được đặt ra trong nhiều lần tập huấn, giải pháp cũng đã được nêu ra nhưng vấn đề ở đây là ở khâu triển khai từ người quản lý tổ chuyên môn chưa gắn với trách nhiệm hoặc người thẩm định đề kiểm tra chưa đủ năng lực.

Ngoài ra, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình xây dựng theo hướng phát triển năng lực cũng khiến cho giáo viên, phụ huynh lo lắng, dù Bộ đã công bố sớm cấu trúc, định dạng mới đề thi và đã ban hành chính thức "Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025". Lo lắng bởi đây là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi với nhiều sự đổi mới, còn nhà trường thì lúng túng trong khâu tổ chức ôn tập cho học sinh, giáo viên các môn lần đầu tiên góp mặt trong kỳ thi thì chưa có kinh nghiệm. Lo lắng vì các trường đại học thay đổi phương thức xét tuyển đầu vào,…

Từ lâu, tư tưởng "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu" của Đảng và Nhà nước ta luôn được đặt lên hàng đầu và từng bước được cụ thể hóa thành Luật. Dự thảo Luật Nhà giáo đã khẳng định vị thế nhà giáo trong thời kỳ hội nhập, nâng cao thu nhập để nhà giáo ổn định cuộc sống là một niềm vui lớn đối với những người đang công tác và tạo động lực cho sinh viên tốt nghiệp sư phạm thi tuyển vào ngành.

Trong niềm xúc cảm đặc biệt trước thềm Ngày Nhà giáo năm nay, mong rằng Luật Nhà giáo sớm được thông qua và ký ban hành, chính thức đi vào trong đời sống của ngành giáo dục. 

Khi quyền lợi của nhà giáo được quan tâm thì nhà giáo phải nâng cao trách nhiệm của mình với nghề để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. Từ đó, ngành Giáo dục và Đào tạo mới hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng, cao cả mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/tam-tu-nha-giao-truoc-ngay-nha-giao-viet-nam-20-11-179241116144259913.htm